Khái quát tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, trước khi có Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc phát triển các Văn phòng công chứng tại một số địa phương còn một số bất cập. Cụ thể, còn tình trạng Văn phòng công chứng phân bố không hợp lý, phát triển “nóng”; các tổ chức hành nghề công chứng trên cùng địa bàn cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín nghề công chứng…
Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp, phát triển tổ chức hành nghề công chứng |
Từ khi triển khai Quy hoạch, các tổ chức hành nghề công chứng được phát triển đồng bộ, ổn định, phù hợp trong điều kiện xã hội hóa. Hiện nay, cả nước có 1.003 tổ chức hành nghề công chứng, phát triển có lộ trình và phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư thành một mạng lưới rộng khắp cả nước để phục vụ yêu cầu công chứng của người dân.
Các tổ chức hành nghề công chứng được phát triển có lộ trình phù hợp và phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư; được củng cố, bảo đảm phát triển phát triển bền vững, ổn định. Các tổ chức hành nghề công chứng được phát triển theo hướng xã hội hóa nhưng tuân thủ một mạng lưới chặt chẽ, phân bố phù hợp. Hiện nay, đã có 123 Phòng công chứng đã chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính (chiếm 96%), chỉ còn 5 Phòng công chứng ở một số địa phương là còn do ngân sách bảo đảm hoạt động (chiếm 4%). Một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng (TP Cần Thơ, các tỉnh Lâm Đồng, Long An, Vĩnh Phúc, Thái Bình). Nhiều địa phương khác cũng đang nghiên cứu, triển khai.
Trong bối cảnh Luật công chứng được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến quy hoạch, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp, phát triển tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu công chứng của từng địa bàn cấp huyện, bảo đảm tổ chức hành nghề công chứng phát triển gắn với địa bàn dân cư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của người dân, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội; tránh việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng tràn lan, thiếu sự quản lý, điều tiết của nhà nước.
Các địa phương cần rà soát, sửa đổi Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng đã được ban hành bảo đảm phù hợp với pháp luật hiện hành, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trong điều kiện không còn Quy hoạch công chứng; áp dụng tiêu chí và các điều kiện theo quy định của Luật công chứng và pháp luật khác có liên quan để cho phép thành lập Văn phòng công chứng bảo đảm chất lượng. Đồng thời hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định tại Điều 62 Luật công chứng (đối với các địa phương chưa hoàn thành).
Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng các Phòng công chứng thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ theo tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW, Nghị quyết số 19/NQ-TW, Thông báo số 85-TW ngày 24/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về “Xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng bảo đảm hài hòa giữa xã hội hóa, nâng cao chất lượng, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp với quản lý nhà nước, xây dựng các tổ chức tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực”.
Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, thành phố hiện đã có hơn 100 tổ chức hành nghề công chứng |
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết với hơn 100 tổ chức hành nghề công chứng và gần 500 công chứng viên trên địa bàn, bên cạnh những thuận lợi trong việc góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho cá nhân, tổ chức, đóng góp ngân sách nhà nước thì cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Do đó, năm 2019, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan để phân định trách nhiệm của các ngành và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh quản lý khai thác, cập nhật dữ liệu trong lĩnh vực công chứng.
Ông Tuấn cũng nêu lên một số giải pháp để nâng cao hiệu quả,chất lượng hoạt động công chứng như cần quan tâm chất lượng đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề theo hướng chuyên nghiệp và đề cao đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm để nâng cao tính răn đe, chuyên nghiệp.
Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Đào Xuân Sơn khẳng định các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cơ bản phát triển |
Còn Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Đào Xuân Sơn khẳng định các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cơ bản phát triển, đáp ứng được yêu cầu. Từ khi sửa đổi các Luật liên quan đến quy hoạch, địa phương chỉ thành lập các tổ chức hành nghề công chứng khi thực sự cần thiết; đảm bảo tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng phải chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tế. Thời gian tới, Bộ cần cụ thể hóa Kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về “Xã hội hóa lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng bảo đảm hài hòa giữa xã hội hóa, nâng cao chất lượng, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp với quản lý nhà nước, xây dựng các tổ chức tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực”.