Kiểm soát thuốc lá mới cần sự hiệp lực từ các chủ thể

(PLVN) - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mới đây đã nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có 2 tờ trình báo cáo Thủ tướng về chính sách thí điểm đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có hương liệu.

Đóng góp vào hoàn thiện hành lang pháp lý cho thuốc lá mới của Bộ Công Thương còn có các Bộ, ngành liên quan cùng hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp.

Đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu từ năm 2017

Từ năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Công Thương đã đưa dự thảo Nghị định 67 sửa đổi vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2020, trong đó bao gồm định nghĩa về thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Ngày 17/6/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 4861/VPVP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến các Bộ, hiệp hội liên quan về vấn đề thuốc lá mới để phù hợp với Chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

Sau 4 tháng, Chính phủ lại ban hành Công văn 8750/VPCP-V.I ngày 20/10/2020, tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

(Ảnh: PV)

(Ảnh: PV)

Mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng 7/11 về trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương đối với thuốc lá mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có 2 tờ trình báo cáo Thủ tướng về chính sách thí điểm đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có hương liệu.

Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ Công Thương đã làm việc và thống nhất với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp, dự kiến sẽ trình Thủ tướng vào quý IV này.

Cần có sự tham gia liên ngành để hài hòa lợi ích của các chủ thể

Trong Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” diễn ra vào tháng 7/2023 tại Hà Nội, liên quan đến các tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá mới, ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (VSQI), Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhắc lại 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2020, và 4 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hóa hơi ban hành năm 2021.

Ông Lê Thành Hưng cũng cho biết, việc nghiên cứu, đánh giá và công bố các tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá mới, của VSQI là nhằm hỗ trợ đề án quản lý thuốc lá mới của Bộ Công Thương. “Chúng tôi rất mong muốn có những cơ sở kỹ thuật nhất định để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, đồng thời giúp giám sát các hóa chất độc hại trong các sản phẩm thuốc lá mới, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Hưng nói.

Song song với các Bộ, ngành chức năng, các hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và cả doanh nghiệp đều đồng loạt hướng tới việc đóng góp các giải pháp và cam kết hỗ trợ Chính phủ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với thuốc lá mới.

Theo ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng ban Pháp chế - Đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) trong Hội thảo trên, các sản phẩm thuốc lá mới khi được phép kinh doanh sẽ được phân phối và cung cấp bởi các doanh nghiệp nhà nước, đi kèm với việc tuân thủ sát sao các chỉ đạo mà Chính phủ đặt ra.

Ông Luca Rossi. (Ảnh: PV)

Ông Luca Rossi. (Ảnh: PV)

Về phía doanh nghiệp, ông Luca Rossi - Phó Giám đốc Bộ phận Công nghệ sản phẩm và quy trình cho sản phẩm không khói thuốc (thuốc lá mới) của Philip Morris International (PMI) cho biết, khi sản xuất các sản phẩm thuốc lá mới, doanh nghiệp luôn cam kết đảm bảo rằng quá trình phát triển và sử dụng sản phẩm được kiểm soát.

“Thông qua các phép đo, chúng tôi ước tính được mức giảm trung bình là hơn 95% đối với thành phần các chất hóa học có hại và có tiềm năng gây hại có trong khí hơi (aerosol) của thuốc lá làm nóng so với khói của thuốc lá điếu”, ông Luca Rossi chia sẻ.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, thuốc lá mới không chỉ là một mặt hàng, mà nó liên quan đến nhiều lĩnh vực và các Bộ, ngành quản lý như Bộ Y tế đưa ra chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Tư pháp thẩm định về tính pháp lý, Bộ Công Thương đưa ra các quy định sản xuất, kinh doanh cho mặt hàng có điều kiện; Bộ Tài chính ban hành chính sách thuế; Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm. Do vậy, quan điểm của ông Kiên là nên áp dụng giải pháp đồng bộ để quản lý thuốc lá mới giống như hướng tiếp cận đối với thuốc lá truyền thống trước đây”.

Trong bối cảnh thuốc lá mới buôn lậu tràn lan, liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, hiện nhu cầu quản lý đã rất cấp thiết, các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để áp dụng vào việc kiểm soát các mặt hàng này một cách phù hợp, hiệu quả.

Đọc thêm