Kiểm soát thuốc lá thế hệ mới – nỗ lực của bộ, ngành cần được bù đắp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ năm 2017, ngay tại thời điểm những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam thông qua đường xách tay, nhập lậu, Chính phủ đã sớm quan tâm đến vấn đề quản lý các sản phẩm này.

Theo đó, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan được yêu cầu nghiên cứu để đề xuất chính sách quản lý phù hợp. Trong hơn 4 năm qua, các bộ, ngành liên quan đã phối hợp cùng nhau, đánh giá toàn diện và chuyên sâu đối với những sản phẩm này cũng như thể hiện nguyện vọng cần có hướng giám sát, quản lý các sản phẩm này để ngăn ngừa tình trạng buôn lậu và các hệ lụy ngoài tầm kiểm soát. Hiện không chỉ có người dùng, cộng đồng mà các bộ, ngành cũng đang mong chờ Chính phủ sớm thông qua chính sách để các đưa các sản phẩm này vào guồng quản lý.

Nỗ lực từ sớm để có thể đưa thuốc lá thế hệ mới vào kiểm soát

Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ từ năm 2017 về việc đề xuất hướng quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, các bộ ban ngành liên quan đã vào cuộc và đầu tư các nguồn lực cần thiết cho việc nghiên cứu sản phẩm, tham khảo các chính sách quản lý từ những quốc gia trên thế giới dựa trên những điều kiện thực tế tại Việt Nam. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính bên cạnh sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính, các Viện nghiên cứu và các Hiệp hội liên quan.

Hàng loạt hội thảo liên bộ, liên ngành được tổ chức nhằm hiểu rõ sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hiểu rõ khung pháp lý hiện hành đang được áp dụng với thuốc lá điếu trong nước, chính sách của các nước đối với thuốc lá thế hệ mới và cả Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên. Ý kiến của các chủ thể liên quan như nhà sản xuất các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, người tiêu dùng, đại diện ngành giáo dục và chuyên gia quốc tế cũng được thu thập tại các hội thảo, tọa đàm này, làm cơ sở khoa học cho quá trình xây dựng chính sách.

Bên cạnh đó, sự hoàn thiện và lợi thế của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá do Quốc hội ban hành 2012 cũng là cơ sở tham chiếu phù hợp để xem xét quản lý các sản phẩm này. Tại các hội thảo dành cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, các chuyên gia nhận định có thể áp dụng Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đối với những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phù hợp với định nghĩa của Luật.

Đồng thời, Luật cũng cho thấy việc kiểm soát đối với những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã phù hợp định nghĩa của Luật cũng phù hợp với Công ước Khung FCTC. Theo đó, nghị quyết của Hội nghị Các bên lần thứ 8 (COP 8) về kiểm soát thuốc lá do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì cũng đã khẳng định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá và yêu cầu các nước kiểm soát sản phẩm này theo luật nước sở tại.

Trong năm 2020, để thúc đẩy tiến độ quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bằng công văn 8750, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (tại văn bản số 4861/VPCP-CN); báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2020.

Không thể trì hoãn quản lý để chống lãng phí nỗ lực của bộ, ngành

Mới đây, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương - đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì dự thảo quản lý thuốc lá thế hệ mới) cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.

Rất nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm góp phần xây dựng dự thảo chính sách.

Rất nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm góp phần xây dựng dự thảo chính sách.

Thông lệ quốc tế ở đây chính là các nội dung của Công ước Khung FCTC mà Việt Nam tham gia ký kết cũng như chính sách quản lý những sản phẩm này hiện đang được áp dụng hoặc xem xét áp dụng tại các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, chỉ tính riêng một loại sản phẩm thuốc lá làm nóng đã được Cục Quản lý Thực phẩm, Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép kinh doanh, thì sản phẩm này đã chính thức có mặt tại 67 nước, với khoảng 2/3 trong số này là các quốc gia thành viên của Công ước Khung. Điều này cho thấy, Công ước Khung không phải là một rào cản pháp lý.

Bên cạnh đó, New Zealand, Philippines cũng đã bắt đầu xem xét để đưa thuốc lá làm nóng trở thành một phần của chính sách y tế công tại các quốc gia này. Uruguay – quốc gia Nam Mỹ vốn luôn có truyền thống cứng rắn với chính sách kiểm soát thuốc lá cũng đã quyết định gỡ bỏ lệnh cấm đối với thuốc lá làm nóng và coi đây như một kết quả của quá trình tìm kiếm giải pháp cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Trao đổi tại hội thảo “Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới – Tiêu chuẩn chất lượng hướng tới An toàn Sức khỏe Cộng đồng” do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8/2019, các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với việc khuyến khích người đang hút thuốc bỏ thuốc, ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá, thì một trong những cách tiếp cận đối với nhóm người tiếp tục hút thuốc là chuyển sang sử dụng những sản phẩm thay thế ít nguy hại hơn.

Còn trong Hội thảo với chủ đề Phòng chống buôn lậu thuốc lá được tổ chức bởi Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (tổ chức vào tháng 7/2020), những mặt phương hại của việc buôn lậu thuốc lá cũng được mổ xẻ.

Theo đó, Nhà nước thất thu một khoản ngân sách khổng lồ (ước tính lên đến 8.500 tỷ đồng/năm), trong khi ngốn thêm nguồn lực cho các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, mà thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đang trở thành những sản phẩm được giới buôn lậu quan tâm do nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng cao. Với các sản phẩm như thuốc lá, một khi chưa thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm thì sức khỏe của cộng đồng cũng bị “thả nổi” theo.

Thực tế đời sống cho thấy nhu cầu về một chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới là rất cần thiết, không chỉ đối với các cơ quan quản lý, nhà sản xuất mà quan trọng hơn cả là nhu cầu của người tiêu dùng – là những người hút thuốc lá trưởng thành nhưng không thể cai bỏ thuốc lá điếu vì nhiều lý do và nhu cầu giảm tác hại thuốc lá của họ bằng những sản phẩm thay thế là rất lớn.

Tại Việt Nam, dự báo số người hút thuốc lá trong dân số sẽ lên đến 18 triệu người vào năm 2025, bao nhiêu phần trăm trong số họ có thể cải thiện sức khỏe, giảm tác hại thuốc lá khi một chính sách quản lý phù hợp được thông qua?

Hiệu ứng xã hội tích cực từ một quyết sách phù hợp là điều có thể kỳ vọng. Và một chính sách phù hợp cần được thông qua càng sớm càng tốt!

Đọc thêm