Kiếm tiền ở Sapa

Tôi biết ông từ một trang du ký du lịch. Cái cách kinh doanh và những điều người ta mô tả về khách sạn mang một cái tên hoàn toàn Pháp là L’Auberge - nghĩa là Quán trọ nông thôn - của ông thì lãng mạn tuyệt diệu. Vì vậy lần gặp gỡ Sapa đầu tiên, tôi cứ thấp thỏm tìm đến nơi cần đến này ở đầu con dốc xuống Mường Hoa.  

Tôi biết ông từ một trang du ký du lịch. Cái cách kinh doanh và những điều người ta mô tả về khách sạn mang một cái tên hoàn toàn Pháp là L’Auberge - nghĩa là Quán trọ nông thôn - của ông thì lãng mạn tuyệt diệu. Vì vậy lần gặp gỡ Sapa đầu tiên, tôi cứ thấp thỏm tìm đến nơi cần đến này ở đầu con dốc xuống Mường Hoa.

Một góc Sa Pa

Trong nhóm có một người Pháp. Anh ấy cứ ngạc nhiên về cái cách mà ông chủ Lê Đức Trung nói chuyện với khách bằng thứ tiếng Pháp theo kiểu của những nhân vật chính trong tiểu thuyết Hội chợ phù hoa cuối thế kỷ 19 hơi rườm rà kiểu cách, nhưng chỉ một lúc thì cái giọng tao nhã ấy thành một âm điệu rất đẹp đẽ phù hợp biết bao với cảnh sắc xung quanh.

Buổi sáng, chủ và khách cùng ngồi trên sân trời xây chìa ra khỏi sườn núi đón sương lạnh uống những ly cà phê pha đặc, đồn đoán về tương lai của Sapa trong thế kỷ 21. Ông chủ nhà không tiếc thời gian, miên man trong câu chuyện với khách về một Sapa của chính ông, người gắn bó với thung lũng mờ sương trong suốt thời kỳ nó bị bỏ rơi quên lãng hơn 40 năm trước.

Khách cùng ông vẽ lại trong câu chuyện những con đường Sapa thời chiến tranh, mỗi mùa hè chỉ có những nhóm sinh viên lãng mạn nhất rủ nhau lên đây, tự nấu cơm ăn bằng củi khô tìm được ven bìa rừng. Đám sinh viên đọc sách và chơi ghi-ta trong hiên căn biệt thự không người. Du khách thích ông lắm. Và họ cất công đi tìm những gì ông kể, họ mê tơi những bản dân ca Dao, Giáy, H’Mông cất lên dưới trăng mờ. Có vài du khách Pháp về đến nhà vẫn chưa phai mờ nỗi nhớ Sapa, cất công đi tìm những bức ảnh Sapa trong thư viện rồi gửi sang cho ông như một lời chào dành cho tri kỷ. Rồi ông lại có dịp tiếp những người bạn của họ đến tìm, nhất định phải là ông chứ không ở đâu và ai khác.

Mỗi lần đến Sapa lại gặp một doanh nhân, họ không chỉ sống nhờ vào một Sapa mà trở thành một dị bản đẹp của mảnh đất này để du khách nhớ mãi. Trong cái bản nhỏ gần Cầu Mây, tôi có gặp một người đàn ông cao gầy, đội mũ len áo ka ki không bạc màu nhưng cũng chẳng mới. Ông chỉ dẫn cho mấy phụ nữ Dao dọn dẹp phân trâu bò trên đường làng bằng tiếng Dao. Chiều tối, trong khách sạn Mường Hoa, tôi gặp lại ông dạy mấy cô bé H’Mông hát dân ca cho đúng nhịp.

Sau gần 30 năm lái xe dọc ngang khắp Tây Bắc, đến lúc mỏi gối chùn chân, ông Lê Văn Hà vẫn không rời được vùng đất này để về lại quê hương Phú Thọ, bèn xuống thung lũng Mường Hoa cất một quán trọ bình dân cho Tây ba lô. Bạn vong niên gọi ông là Hà Mèo vì ông quá gắn bó với những người H’Mông. Ông Hà Mèo trong những năm lái xe đã gieo tình nghĩa ở khắp các bản làng bám chênh vênh nơi mà con đường vắt qua. Ông yêu quý họ, những con người thật hồn nhiên và xứng đáng được hạnh phúc. Ngày trước ông giúp họ trong những cơn ngặt nghèo đói kém. Bây giờ ông chỉ cách cho họ thích ứng với một Sapa mỗi năm có hơn nửa triệu lượt khách. Những bản làng nằm dưới Mường Hoa đều sạch sẽ. Bọn trẻ con bớt đi bán hàng cho du khách để trở lại trường học. Có một mùa hè Hà Mèo phải vào bệnh viện, ông được dành cho một phòng riêng thật rộng để bạn bè quen biết người Xá Phó, Dao, H’Mông, Giáy vượt qua nhiều ngọn núi đến thăm ông, ở lại chơi với ông một buổi. Mỗi người biếu ông Hà Mèo một, hai nghìn đồng. Sau khi thanh toán viện phí, ông còn đủ tiền để mua mây bắc một cái cầu nhỏ thật xinh dẫn vào khu du lịch sinh thái do ông làm chủ. Ông thích cái cầu mây này, mỗi khi có anh Tây ba lô rủ chụp ảnh, ông đều đứng ở ngay đầu cầu và cười thật tươi.

Ông chủ Hà Mèo và các cô gái phục vụ người Dao trong căn nhà trọ bình dân rất được du khách ưa chuộng

Mỗi lần đến Sapa tôi đều xuống thung lũng Mường Hoa, không biết vì thích mấy cái bản nhỏ còn hoang sơ, thích cái quán trọ bằng gỗ màu vàng, hay chỉ vì muốn được trò chuyện với con người ngang tàng mà lại rất tình cảm chân thật như một người đàn ông Dao chính hiệu. Tôi quan sát cung cách kinh doanh mà như không kinh doanh ấy, kinh ngạc vì không trả lời được tại sao đám Tây ba lô cứ nườm nượp kéo nhau đi bộ hàng chục cây số vào ở lại quán trọ nhà ông. Làm ăn phát đạt, nhưng ông không cần mở mang thêm cơ ngơi, gầy dựng thêm dịch vụ mới. Ông để bà con ở bản Cầu Mây tự do đến quán trọ mua bán với du khách, tự do đến nhà ông mỗi đêm mà cất lên những bản tình ca hay nhất tùy nỗi lòng.

Sapa đúng là có cách thuần phục những con người nó nuôi dưỡng. Núi rừng như một cánh tay rộng lớn che chở cho họ, uốn nắn họ sống cởi mở với thiên nhiên với con người và từ đó tạo ra một sức mạnh riêng khiến họ tồn tại an nhiên và mạnh khỏe trong một môi trường đột nhiên xáo trộn và sau đó kinh doanh thành công.

Không biết từ một phút xuất thần nào mà một người còn quá trẻ như anh Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Đường mòn Miền núi có ý tưởng làm Sapa View, cái nhà hàng với bếp lửa hồng thật lớn, thật ấm áp quyến rũ bước chân du khách đêm về. Đúng như tên gọi, ngồi ở đây vào bất cứ lúc nào trong ngày cũng có thể thấy được đỉnh Fanxiphăng mù sương, và trong trạng thái nào khách cũng thấy mình đang hứng khởi đón một ly rượu nấu từ men của các loại lá rừng, rượu nếp nương nồng nàn. Nhìn ngắm ngôi nhà được trang trí đúng kiểu nhà sàn Tây Bắc, nhìn qua hiên nhà là hàng thông sống trên trăm tuổi, người ta cảm nhận được một tình yêu sâu sắc và hiểu biết của ông chủ trẻ tuổi đối với Sapa.

Tôi gặp ở khắp nơi những người đã quá tuổi tri thiên mệnh, hay còn rất trẻ gắn bó với mảnh đất tuyệt đẹp này. Các ông chủ khách sạn không tăng giá mùa lễ hội. Giới chủ nhà hàng bỏ nhiều thời gian để cung hiến cho khách món đặc sản của rừng núi nhưng không chặt chém làm khách hoảng sợ. Cái cung cách kiếm tiền ở Sapa cứ như chỉ là chuyện phụ, họ được sống một cuộc đời cùng núi non này, cùng với những con người hồn nhiên chân thành kia mới là quan trọng.

THIÊN THANH

Đọc thêm