Kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch

(PLVN) - Dự kiến từ 16/2 đến 31/3, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành cơ quan trung ương.
Dự kiến, ngày 31/5/2022 sẽ phát hành Báo cáo kiểm toán

Không chồng chéo

Thông tin trên được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vũ Văn Họa đưa ra tại Hội thảo “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19” do KTNN tổ chức ngày 19/1.

Theo lãnh đạo KTNN, cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch kiểm toán 2022, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của KTNN vào hoạt động giám sát của Quốc hội.

Mục tiêu kiểm toán là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội.

Ông Họa cho biết, KTNN sẽ kiểm toán việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (TW) và các bộ, ngành cơ quan TW (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…).

“KTNN không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại tất cả các đơn vị. Nội dung này do Thanh tra Chính phủ thực hiện, KTNN chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị”, ông Họa nhấn mạnh.

Dự kiến thời gian kiểm toán từ 16/2 đến 31/3, phát hành Báo cáo kiểm toán trước 31/5. Mỗi chuyên ngành, khu vực sẽ thành lập 1 đoàn kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi kiểm toán.

Nhiều nội dung cần thống nhất

Nhận thức được tầm quan trọng của cuộc kiểm toán chuyên đề phòng chống dịch COVID-19, nên trước khi ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2022 tại Quyết định 1985 ngày 02/12/2021, Tổng KTNN đã Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ tại Quyết định 1956 ngày 25/11/2021 với mục đích chỉ đạo thống nhất và toàn diện cuộc kiểm toán chuyên đề nói trên.

Các ý kiến tại Hội thảo đã nêu lên thực tế huy động và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID cũng như những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh, trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…; Những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật nhất là các phương tiện phòng chống dịch như vắc xin, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…; Việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm (nhanh và PCR); Những khó khăn, vướng mắc trong việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19…

KTNN sẽ hoàn thiện đề cương kiểm toán chuyên đề trước khi trình Tổng KTNN ban hành. Sau khi kết thúc kiểm toán, KTNN sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo và phối hợp, thống nhất trước khi báo cáo Quốc hội và Chính phủ theo quy định.

Yêu cầu về tính hiệu quả, kịp thời là ưu tiên hàng đầu

Trong quá trình sử dụng các nguồn lực cho phòng chống dịch, yêu cầu về tính hiệu quả, kịp thời là ưu tiên hàng đầu, song cũng không xem nhẹ việc quản lý, sử dụng hợp lý, đúng quy định. Vì thế, trong Nghị quyết 30/2021/QH15 đã lưu ý đến việc “Thực hiện giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí”.

Việc sử dụng không hợp lý, lãng phí hay tiêu cực cần được chú ý đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu rất lớn nhưng khó xác định cụ thể và rất cấp bách; nguồn cung khan hiếm, nhiều loại phải nhập khẩu do chưa chủ động sản xuất trong nước, giá cả tăng cao (cao hơn so với giá trị thực), khó kiểm soát. Thực tế cũng cho thấy, có thời điểm y tế có nơi lo sợ việc mua sắm vì thiếu thông tin, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về mua sắm, sợ trách nhiệm nên chủ yếu sử dụng thiết bị được tài trợ, do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ mua các thiết bị đã đấu thầu từ trước.

Trong thực tế đã có cá nhân, cơ sở có biểu hiện tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại tài sản của nhà nước, của nhân dân và tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội.

(Ông Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội)

Đọc thêm