Luật sư của thành phố không thừa nhận trách nhiệm của thành phố trong tai nạn. Họ đưa “hành động của Chúa” và lý lẽ “không biết không chịu trách nhiệm” để bác yêu cầu bồi thường. Được gọi là “hành động của Chúa” vì cây ngã, cành cây rơi, bởi tác động của một hiện tượng nhiên nhiên, hay trong vụ này là cơn bão mùa đông, nên theo luật thành phố không chịu trách nhiệm.
Hai vụ kiện truy trách nhiệm cây gây thương tật cho người
Đầu tháng 10/2013, cô Lorin Toeppe, 31 tuổi, bác sĩ, nộp đơn kiện thành phố San Diego để đòi bồi thường cho một tai nạn mà cô là nạn nhân. Tai họa ập đến với cô Toeppe một cách bất ngờ trong khi cô và bạn trai đi bộ trong một công viên ở Vịnh De Anza vào tháng 7/2013. Một cành cây bạch đàn khổng lồ từ trên rơi xuống chụp lấy người cô. Một chân của cô bị dập nát, xương sống và mặt bị gãy nhiều chỗ.
Cành cây gãy và rơi xuống là chuyện “số trời đã định”, nhưng chính quyền thành phố vẫn phải bồi thường vì đã không kiểm tra, bảo quản cây theo đúng trách nhiệm của mình.
Nếu cây được cắt xén, chăm sóc đúng mức thì chắc chắn cô Toeppe sẽ tránh được tai họa. Cô Toeppe khởi kiện chính quyền thành phố San Diego vì cô nghĩ rằng sẽ khiến chính quyền thành phố lưu tâm hơn nữa trong việc đảm bảo sự an toàn của người dân vào công viên, tránh cho một ai khác phải mang tai ách giống như cô.
Rất nhiều khả năng cô Toeppe thắng kiện dựa theo kết quả của một vụ kiện tương tự cách đây không lâu. Người đóng thuế ở San Diego chỉ tiếc là chính quyền San Diego không chịu “rút kinh nghiệm” nghiêm túc.
Vụ trước xảy ra năm 2010, nạn nhân là Michael Burke, một luật sư. Một cơn bão mùa đông đã đánh gục cây cọ cao khoảng 20m, nặng nhiều tấn, trên lề đường Lark ở Mission Hills. Không may, đúng lúc cây ngã, xe của ông Burke chạy ngang qua nên không kịp tránh. Tai nạn khiến người luật sư bị thương nhiều chỗ, nặng nhất là đôi chân bị giập nát, Burke sẽ không thể đi lại trên đôi chân của mình suốt đời.
Vụ kiện kết thúc năm 2012 sau khi thành phố San Diego đồng ý bồi thường cho ông Burke 7,6 triệu USD. Đại diện pháp luật của ông Burke trong vụ kiện này là hai luật sư Browne Greene và Daniel K. Balaban. Hai người này cũng đại diện cô Toeppe trong vụ kiện mới.
Cơ sở pháp lý của vụ mới dự đoán cũng sẽ tương tự như vụ cũ, chỉ không biết lần này thành phố phải tốn bao nhiêu.
Cũng như vụ kiện thứ nhất, vụ kiện thứ hai đặt vấn đề trách nhiệm của thành phố San Diego trong việc cây gây tai nạn cho người. Luật sư hai bên trong vụ kiện của Burke đã đấu luật rất căng, một bên “buộc”, một bên “gỡ” khi tranh cãi về trách nhiệm của thành phố San Diego trong việc bảo quản cây thuộc quyền sở hữu của thành phố.
Cây ngã đổ không phải là “hành động của Chúa”
Luật sư của ông Burke lấy việc chính quyền thành phố San Diego cắt ngân sách dùng cho việc kiểm tra sức khỏe và bảo trì cây thuộc quyền sở hữu của thành phố (sau đây gọi tắt là cây) làm lý do chính để buộc chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm.
|
Cây ngã gây tai nạn cho ông Burke |
Năm 2007, do bị thiếu hụt ngân sách, thành phố San Diego phải cắt chi phí của một loạt dịch vụ công ích trong đó có quỹ dành cho việc kiểm tra và bảo quản cây. Hai mươi tư năm trước đó, vào năm 1983, Hội đồng thành phố San Diego đã thông qua một chính sách về việc chăm sóc, bảo quản cây của thành phố.
Chính sách này phù hợp với luật về trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu tài sản (nhà cửa, cây cối, vườn tược...). Theo luật sư bên nguyên, do thành phố cắt ngân sách nên từ năm 2007 cây không được kiểm tra, xử lý nên mới xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư của thành phố San Diego không thừa nhận trách nhiệm của thành phố trong tai nạn của Burke. Họ đưa “hành động của Chúa” và lý lẽ “không biết không chịu trách nhiệm” để bác yêu cầu bồi thường.
Được gọi là “hành động của Chúa” vì cây ngã, cành cây rơi, bởi tác động của một hiện tượng nhiên nhiên, hay trong vụ này là cơn bão mùa đông, nên theo luật thành phố không chịu trách nhiệm.
Nếu biết mà không hành động kịp thời để ngăn chặn trước khi tai họa xảy ra thì thành phố phải chịu trách nhiệm. Viện lý do “không biết không chịu trách nhiệm”, luật sư của thành phố biện bạch:
Trước khi tai nạn xảy ra, thành phố chẳng hề nhận được lời than phiền hay cảnh báo tình trạng sức khỏe không tốt của cây gây tai nạn. Họ dẫn kết quả kiểm tra tình trạng cây năm 2007, trước khi ngân sách bị cắt, cho thấy cây được xác định là “khá tốt” để củng cố thêm lập luận của mình.
Luật sư bên nguyên tung “chiêu” quyết định. Họ trình tòa hình ảnh một cây cọ khác ngã đổ vài giờ đồng hồ trước khi tai nạn xảy ra cho Burke. Cây cọ trong ảnh kế cây cọ gây họa. Hình ảnh đó là bằng chứng cho thấy chính quyền thành phố đáng lẽ phải nhận biết các cây gần bên có khả năng bị đổ rất cao; nhưng đã không phong tỏa đường, cấm người, xe cộ lưu thông để tránh tai nạn. Vì vậy, thành phố phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Tòa Thượng thẩm San Diego sau ba tuần xét xử đã ra phán quyết buộc thành phố San Diego bồi thường 7,6 triệu USD cho ông Burke, bao gồm chi phí chữa trị trước đó và trong tương lai cùng những thiệt hại khác. Thành phố San Diego không kháng cáo.