Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 23-10 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sau khi tăng ở mức 1,31% trong tháng 9, mức tăng cao nhất trong sáu tháng qua kể từ tháng 3-2010 đến nay thì sang đến tháng 10, CPI đã tăng chậm lại, ở mức 1,05% so với tháng trước. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng cao.

Chọn mua hàng tại siêu thị Happy Mart (TP Nam Định)
Chọn mua hàng tại siêu thị Happy Mart (TP Nam Định)

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 23-10 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sau khi tăng ở mức 1,31% trong tháng 9, mức tăng cao nhất trong sáu tháng qua kể từ tháng 3-2010 đến nay thì sang đến tháng 10, CPI đã tăng chậm lại, ở mức 1,05% so với tháng trước. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng cao.

Có nhiều nguyên nhân khiến CPI tháng 10 tiếp tục tăng cao. Trước hết, có thể thấy CPI của nhóm giáo dục trong tháng 10 tăng cao nhất với mức tăng 3,9%, mặc dù mức tăng này thấp hơn mức tăng của tháng 9 (12,02%). Sở dĩ CPI của nhóm giáo dục trong tháng này vẫn tiếp tục tăng là do một số tỉnh, thành phố đến tháng 10 mới thực hiện điều chỉnh tăng học phí từ năm học 2010-2011 theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ. Yếu tố này đóng góp khoảng 0,25% vào mức tăng chung của CPI cả nước. Tiếp sau nhóm giáo dục, nhóm hàng ăn và dịch vụ có CPI tăng cao thứ hai với mức tăng 1,32%. Trong đó, đáng chú ý, nhóm lương thực tăng tới 1,89% do giá gạo xuất khẩu thế giới tiếp tục tăng mạnh, trong khi tại các tỉnh phía nam, các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường thu mua lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã khiến giá gạo trong nước tăng rõ rệt. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, giá lương thực, thực phẩm... đã bị đẩy lên bởi nguồn cung bị giảm mạnh. CPI của nhóm thực phẩm trong tháng 10 đã tăng 1,22%. Không chỉ vậy, giá vàng và giá USD tháng này tăng mạnh (chỉ số giá vàng tăng 7,87%, chỉ số giá USD tăng 0,6% so với tháng trước) cũng là nguyên nhân khiến giá cả nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và các hàng hóa thiết yếu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng... tăng mạnh. CPI tháng 10 tăng cao còn có sự đóng góp đáng kể của mức tăng CPI của TP Hà Nội (tăng 1,22%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước) khi nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hai tháng còn lại của năm, thị trường, giá cả hàng hóa được nhận định còn diễn biến phức tạp. Những hậu quả do đợt lũ lụt miền trung gây ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá lương thực, thực phẩm (nhóm hàng có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI). Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cho sản xuất cũng như nhu cầu các dịch vụ và tiêu dùng hàng hóa trong dân cư thường tăng lên vào dịp cuối năm. Nhiều công trình, dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành kế hoạch năm. Lượng tiền cung ứng ra lưu thông cũng tăng hơn những tháng bình thường. Một yếu tố quan trọng khác cũng cần chú ý là giá USD đang ở mức cao, nếu không cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ tiếp tục gây áp lực tăng giá hàng hóa nhập khẩu, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào, dẫn đến giá cả hàng hóa trong nước tăng, chưa kể giá cả hàng hóa trên thế giới cũng đang có xu hướng tăng cùng với đà hồi phục của kinh tế thế giới.

Rõ ràng, những diễn biến nêu trên của thị trường giá cả hàng hóa đang gây sức ép đẩy mặt bằng giá cả từ nay đến cuối năm tăng cao. Mười tháng qua, CPI đã tăng tới 7,58% so với tháng 12-2009, gần sát với mục tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm nay ở mức tăng khoảng 8% cho nên rất cần triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm, trong đó cần đặc biệt chú ý cả những biện pháp giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô như nhập siêu, lãi suất, tỷ giá..., chứ không đơn thuần chỉ là thực hiện những biện pháp bình ổn giá./.

Bài: Hải Thu

Ảnh: Văn Bắc

Đọc thêm