Đây là hoạt động nằm trong chương trình tổ chức các hoạt động nhân ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2019, giúp tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời khuyến khích, động viên sự tham gia và phối hợp tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì bảo vệ người tiêu dùng chính là tự bảo vệ chính mình.
Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh Kiên Giang có 8.076 doanh nghiệp. Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tài chính, đổi mới công nghệ, áp dụng các chương trình quản lý tiên tiến. Một số doanh nghiệp cũng đã tham gia và được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hành vi kinh doanh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dung rất nhiều. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa nhận biết hết được quyền lợi của mình khi đi mua sắm, ngại va chạm khi đòi quyền lợi, dẫn đến tình trạng dễ dàng thỏa hiệp khi xảy ra tình trạng sử dụng hàng kém chất lượng.
Bà Ngô Thị Hồng Liên - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang phát biểu |
Với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững”, các tham luận tại hội thảo đã nêu lên thực trạng hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Từ đó, cùng đưa ra các kiến nghị, giải pháp xây dựng văn hóa, ý thức chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng; nâng cao vai trò tư vấn, trợ giúp người tiêu dùng của các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo bà Ngô Thị Hồng Liên - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang: “Người tiêu dùng cần ý thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững đối với môi trường, sức khỏe; tích cực vận động người thân, gia đình thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, coi đây là trách nhiệm và vinh dự lớn lao của mỗi con người trong xã hội. Khi lựa chọn sản phẩm, người tiêu dùng nên quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Cần tìm hiểu kỹ về cửa hàng, đơn vị kinh doanh, ưu tiên chọn những nơi cung cấp sản phẩm có uy tín trên thị trường. Ngoài ra, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tiêu dùng có thể tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trong việc lựa chọn các sản phẩm tương đối an toàn, có ý kiến phản ánh kịp thời khi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo”.