Trước đó, theo kế hoạch chỉ tổ chức lễ dâng hương, không tổ chức phần hội. Nhưng trước tình hình cách ly toàn xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thanh Bình có ý kiến chỉ đạo giao UBND huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) chỉ đạo Ban Bảo vệ di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương không tổ chức lễ dâng hương nhằm góp phần phục vụ cho công tác cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay; đồng thời, tạm dừng đóng cửa di tích không phục vụ nhân dân đến tham quan, chiêm bái, dâng hương cho đến khi có thông báo mới.
Hàng năm, các xã trong huyện đều mang lễ vật về dâng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang). |
Theo dòng chảy của những người di dân vào miền Nam lập nghiệp, đã có nhiều ngôn đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương được xây dựng. Tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, ở thị trấn Tân Hiệp huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang, những người con Lạc cháu Hồng nhớ về nguồn cội cũng lập nên ngôi đền thờ Quốc Tổ Vùng Vương.
Ngôi đền được thành lập từ năm 1957 do người dân tự nguyện đóng góp vào xây dựng để thờ cúng các vị Vua Hùng, nhớ về Tổ tiên. Từ khi được thành lập ngôi đền luôn được nhân dân giữ gìn bảo vệ, tôn tạo. Đến năm 2004, ngôi đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp được UBND tỉnh Kiên Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) hàng năm luôn thu hút đông người dân về dâng hương. |
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và sự đóng góp công sức của đồng bào trong và ngoài tỉnh, các công trình tu bổ tôn tạo các khu di tích đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ nhu cầu tham quan thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Đặc biệt, vào dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, con cháu Lạc Hồng ở khắp mọi nơi trong vùng lại hành hương về đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở huyện Tân Hiệp để thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước.
Từ năm 2010, Kiên Giang chọn lễ hội đền Hùng Tân Hiệp là một trong 08 lễ hội tiêu biểu của tỉnh. Hàng năm, khu di tích lịch sử - văn hóa đền Hùng đã đón hàng ngàn lượt khách về thăm viếng, số lượng khách tham quan du lịch không ngừng tăng lên. Đền Hùng đã là tâm điểm, là điểm đến của rất nhiều khách du lịch về nguồn ở Kiên Giang vào dịp lễ Giỗ Tổ.
Nghi thức dâng lễ tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang). |
Theo số liệu thống kê đến năm 2015, Kiên Giang đã có 38 di tích được đầu tư với tổng 222 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo. Trong đó có nhiều công sức đóng góp lớn của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Từ khi "Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thì công tác bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Kiên Giang lại được tăng cường hơn, cụ thể hóa bằng việc triển khai Dự án “Trùng tu, tôn tạo, xây dựng mở rộng đền Hùng Tân Hiệp”, đến nay đền có diện tích 20.000 m2.
Dòng người vào dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) năm 2019. |
Đặc biệt, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm làm cho người dân Kiên Giang tự hào vì tại nơi đây, mảnh đất tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, cách xa đất Tổ 2.000 cây số có một ngôi đền Quốc Tổ đã và đang góp phần tô thắm thêm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, giáo dục về truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng và anh dũng của dân tộc, từ đó nhắc nhở cộng đồng các dân tộc cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trường tồn mãi cùng với thời gian.