Vụ đông xuân năm 2018 – 2019, toàn tỉnh Kiên Giang gieo sạ gần 290 ngàn ha. Tính đến ngày 5/3, đã thu hoạch trên 117 ngàn ha, đạt khoảng 40% diện tích gieo sạ, ước năng suất 6,58 tấn/ha. Diện tích còn lại dự kiến sẽ dứt điểm thu hoạch trong tháng 03 với tổng sản lượng chung là trên 2 triệu tấn lúa gạo.
Do tình hình rầy nâu bộc phát gây hại mạnh vào thời điểm sau tết nguyên đán đã khiến nhiều diện tích cục bộ bị ảnh hưởng năng suất. Thêm vào đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu gạo như: một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018 chưa có nhu cầu nhập; cạnh tranh khốc liệt do Thái Lan bán chào với mức giá thấp; Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao.
Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu tăng cường đặt ra tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường rất cao. Xu hướng giảm cầu, tiến tới tự chủ nguồn nhân lực từ các quốc gia lớn...
Việc tiêu thụ lúa vụ đông - xuân ở Kiên Giang đang gặp áp lực lớn |
Cung vượt cầu đã đẩy áp lực tiêu thụ lúa đông – xuân tăng. Khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua lúa, gây ảnh hưởng lớn đến giá lúa, hầu hết các giống lúa đều giảm giá mạnh, thấp hơn từ 1 ngàn đến 2 ngàn đồng/kg. Hệ thống thương lái truyền thống ít đặt cọc mua lúa tươi trong dân để tránh thua lỗ; nhiều diện tích lúa đã chín kéo dài ngày trên đồng chờ thương lái dẫn đến giảm chất lượng, giảm năng suất.
Năm nay, số diện tích đã kí kết bao tiêu với doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang chỉ khoảng 22 ngàn ha giảm trên 36 ngàn ha so với cùng kỳ. Dẫn đến phần lớn nông dân sau khi thu hoạch đang phải đối mặt với cảnh thu lỗ, khó thua hồi vốn để tái sản xuất.
Mặc dù đã có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đẩy mạnh thu mua lúa gạo dự trữ để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên do toàn bộ diện tích lúa đang vào cao điểm thu hoạch, khả năng tài chính thu mua của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được việc thu mua số lượng lớn nên nhìn chung tình hình tiêu thụ lúa gạo vẫn chưa thật sự khả quan.
Thông qua hội nghị lần này, đã tập trung nghe nhận định về tình hình thị trường xuất khẩu lúa gạo thế giới, xu hướng thời gian tới và khả năng thu mua của các doanh nghiệp từ đó đề xuất giải pháp huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa trong dân.