Triển khai chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh rà soát các xã, ấp nằm trong diện được thụ hưởng của chính sách này, đồng thời lấy ý kiến của sở, ngành có liên quan trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện cho giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch năm 2017 cho 21 xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và 27 ấp đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở định mức, Sở Tài chính đã cấp số tiền gần 400 triệu đồng cho Trung tâm TGPL nhà nước ngay từ những ngày đầu năm 2017 để kịp thời triển khai các mặt hoạt động TGPL theo Quyết định 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách về TGPL tuy ra đời cách đây gần 20 năm, nhưng trước thực trạng người dân nói chung, người nghèo, người dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, các ấp đặc biệt khó khăn nói riêng lại ít biết đến TGPL khi họ gặp khó khăn, vướng mắc pháp luật, thế nên công tác truyền thông về TGPL được chú trọng đẩy mạnh. Bằng nhiều hình thức thiết thực, công tác tuyên truyền TGPL được thực hiện bằng cả chiều rộng và chiều sâu thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân tại cơ sở.
Kết hợp truyền thông trực tiếp với TGPL lưu động, trong 3 tháng đầu năm 2017, Trung tâm TGPL đã có chuyến đi về 6 xã nghèo, xã bãi ngang ven biển của huyện U Minh Thượng và An Biên để giải đáp tại chỗ cho gần 200 người dân, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số (khmer), người nghèo trên địa bàn. Những khó khăn, vướng mắc pháp luật của người dân chủ yếu liên quan đến trình tự, thủ tục hành chính như hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai… Đây là các vụ việc khá đơn giản đối với những người có trình độ hiểu biết, nhưng lại là phức tạp đối với người dân tộc thiểu số và người nghèo, bởi vậy việc hướng dẫn tận tình, chu đáo không chỉ là quy định bắt buộc, mà còn là đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện TGPL.
Trong lĩnh vực tham gia tố tụng, Trung tâm TGPL đã cử Trợ giúp viên pháp lý/Luật sư - cộng tác viên bào chữa/bảo vệ cho người dân tộc thiểu số trong rất nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2017 đã có hàng chục đối tượng là người dân tộc thiểu số được bào chữa/bảo vệ trong các vụ án. Nhiều vụ, Hội đồng xét xử đã chấp nhận quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý, cho bị cáo được hưởng mức án phù hợp.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của TGPL là tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn tiền tố tụng, nhưng triển khai và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm TGPL nhà nước trong thời gian tới, để đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng được TGPL khác trên địa bàn xã nghèo, ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách TGPL một cách tốt nhất, góp phần chung tay xóa đói, giảm nghèo về mặt pháp luật cho người dân.