Kiên Hải vươn mình phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 40 năm nỗ lực không ngừng, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) đã “thay da đổi thịt”, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt đang hướng tới phát triển dịch vụ, du lịch bền vững.
Một góc Kiên Hải hôm nay
Một góc Kiên Hải hôm nay

Huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) hôm nay đã khoác lên chiếc “áo mới”, đời sống người dân được nâng lên; kinh tế của địa phương tăng trưởng khá ổn định, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-11%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng/năm. Năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 21 tỉ đồng, tăng hơn gấp nhiều lần so với trước đây.

Sau 40 năm thành lập huyện, Kiên Hải đã phát triển, đời sống người dân ổn định - Ảnh: Khánh Thuỳ

Sau 40 năm thành lập huyện, Kiên Hải đã phát triển, đời sống người dân ổn định - Ảnh: Khánh Thuỳ

Người dân làm giàu nhờ kinh tế biển

Những ngày này trở lại huyện Kiên Hải, chúng tôi không khó để bắt gặp được cảnh ghe tàu nhộn nhịp và đặc biệt người dân xứ đảo đầu tư đóng lồng bè phát triển kinh tế biển, nuôi nhiều loại hải sản mang lại giá trị cao như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng và vẹm xanh, hàu…, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Ông Lê Văn Xẻo, xã Lại Sơn (huyện Kiên Hải) chia sẻ, khoảng 18 năm qua, gia đình ông chuyên nuôi cá mú, cá bớp… Mấy năm gần đây, giá cá ở mức cao nên cuộc sống gia đình cải thiện đáng kể.

“Giá cá bán cũng tuỳ thời điểm nhưng tôi thấy nghề nuôi biển này đã giúp cho gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn nhiều”, ông Xẻo nói.

Năm 1983, huyện Kiên Hải được thành lập. Lúc này điều kiện kinh tế địa phương còn thấp. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở đây đã đồng lòng vượt qua khó khăn, tập trung phát triển và gặt hái được nhiều kết quả.

Ban đầu, huyện có 330 chiếc tàu với trọng tải và công suất nhỏ. 40 năm sau, huyện có 1.076 tàu cá được đầu tư hiện đại (tăng gấp 3,3 lần). Năm 2022, sản lượng người đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đạt 49.867 tấn (tăng hơn 7,2 lần so với năm 1983).

Người dân phát triển kinh tế biển vươn lên làm giàu - Ảnh: Khánh Thuỳ.

Người dân phát triển kinh tế biển vươn lên làm giàu - Ảnh: Khánh Thuỳ.

“Khi mới thành lập huyện, các mặt hàng hải sản dịch vụ hậu cần nghề cá còn phân theo định xuất, hộ kinh doanh dịch vụ hàng hóa còn thưa thớt, chỉ đáp ứng một phần cho sinh hoạt tiêu dùng của nhân dân trên đảo. Đến nay địa phương kinh tế địa phương đã vững mạnh hơn, đời sống người dân thay đổi và ổn định”, ông Trần Quốc Việt, Chuyên viên cao cấp, Bí thư huyện uỷ Kiên Hải cho biết.

Tới đây, theo Bí thư huyện uỷ Kiên Hải, huyện sẽ chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho dân. Đặc biệt, Kiên Hải ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy thu mua, chế biến hải sản, duy trì ổn định đầu ra cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản cho bà con.

Định hướng phát triển mạnh về du lịch

Kiên Hải hiện có nhiều hòn đảo như: Hòn Sơn, Nam Du và Hòn Tre... Ở mỗi hòn đều có nét đẹp tự nhiên rất riêng và thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Hòn Sơn, Nam Du là nơi được nhiều khách du lịch đến vui chơi và tham quan - Ảnh: Khánh Thuỳ.

Hòn Sơn, Nam Du là nơi được nhiều khách du lịch đến vui chơi và tham quan - Ảnh: Khánh Thuỳ.

Anh Nguyễn Văn Hồng - du khách ở TP HCM chia sẻ, được người thân giới thiệu, anh cùng bạn bè của mình đến Hòn Sơn (huyện Kiên Hải) để trải nghiệm hoạt động ngủ lều bên ghềnh đá, lặn ngắm san hô, bắt cá và khám phá ngọn núi Ma Thiên Lãnh.

“Hòn Sơn còn rất hoang sơ. Tôi rất thích nơi đây. Cảnh ở đây đẹp, đồ ăn cũng ngon. Có dịp tôi sẽ quay lại và khám phá tiếp cảnh sắc biển đảo ở Nam Du”, anh Hồng bộc bạch.

Ông Trần Quốc Việt, Bí thư huyện uỷ Kiên Hải cho biết thêm, để phát huy và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch, hàng năm Kiên Hải tổ chức tốt các lễ, hội trên địa bàn các xã, nhằm quảng bá hình ảnh về các điểm du lịch biển, đảo của huyện.

Đồng thời, địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển du lịch, các loại hình dịch vụ du lịch đồng bộ, theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trung bình mỗi năm có khoảng 430.000 lượt khách đến tham quan Kiên Hải. Huyện hiện tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và quy hoạch vùng bảo tồn sinh thái biển, cảnh quan thiên nhiên, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Bơ Hòn Tre nức tiếng thơm ngon và bán rất được giá - Ảnh: Khánh Thuỳ.

Bơ Hòn Tre nức tiếng thơm ngon và bán rất được giá - Ảnh: Khánh Thuỳ.

"Địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, với nhiều loại hình như: tắm biển, lặn biển, câu cá, leo núi, cắm trại gắn với thưởng thức đặc sản biển, các loại trái cây đặc sản của địa phương. Từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch để đến cuối năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện”, ông Trần Quốc Việt nhấn mạnh.

Kiên Hải hiện có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển khá nhanh. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện: đường giao thông quanh đảo, ngang đảo, hệ thống cảng cá, bến cặp tàu, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, hồ chứa nước ngọt. Đặc biệt, dự án kéo điện lưới Quốc gia cho 2 xã Hòn Tre và Lại Sơn đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội huyện đảo; trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố.

Công tác chăm lo gia đình chính sách, an sinh xã hội luôn thực hiện tốt, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Hàng năm huyện thực hiện chi đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên 1,2 tỉ đồng. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, địa phương được triển khai: Cất mới và sửa chữa 173 căn nhà tình nghĩa (trong đó, 58 xây mới và sửa chữa 115 căn), tổng trị giá trên 2,3 tỉ đồng…

Đọc thêm