Kiến nghị xây dựng Luật về hoạt động từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64 về Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vẫn chưa đạt được kỳ vọng, giải quyết vấn đề phát sinh.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Luật sư Nguyễn Tiến Lập

PLVN trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên VPLS NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam – một trong những người tham gia đóng góp ý kiến tích cực nhất khi có đề xuất sửa đổi Nghị định 64 xung quanh vấn đề này.

Bốn vấn đề trọng tâm

Thưa ông, thực tiễn, Nghị định 64 của Chính phủ được dư luận đánh giá là lạc hậu đã gây nhiều mâu thuẫn trong xã hội thậm chí các cơ quan chức năng đang làm rõ việc có hay không đối tượng trục lợi.Hiện tại Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định thay thế để xin ý kiến nhân dân. Ông đánh giá dự thảo Nghị định mới như nào?

Trước hết, cá nhân tôi là một trong những người tham gia tích cực vào việc đề xuất cũng như góp ý ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế Nghị định 64/2008. Tôi chắc chắn cả xã hội đều bất ngờ khi thấy hiệu quả to lớn của việc huy động từ thiện giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung trong đợt bão lũ tháng 10 năm 2020 do một số cá nhân tổ chức như thế nào rồi. Tuy nhiên, với một quy mô hoạt động của các cá nhân có liên quan với số tiền quá lớn, tại thời điểm đó, tôi đã nhìn thấy các rủi ro pháp lý đối với họ để có sự cảnh báo. Nhưng lỗi không thuộc về họ mà chính là sự khiếm khuyết và tụt hậu của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với nhịp điệu của cuộc sống và xu thế phát triển.

Do đó, tôi cũng như nhiều tổ chức, cá nhân rất hoan nghênh chủ trương xem xét, sửa đổi và thay thế Nghị định 64 của Chính phủ. Vấn đề ở chỗ chúng ta cần đặt ra mục tiêu mới nào và cách tiếp cận ra sao trong việc này. Nhiều người chỉ băn khoăn về điều cấm cá nhân tổ chức huy động từ thiện theo Nghị định này nhưng tôi thấy có cả những vấn đề khác khá quan trọng.

Câu hỏi đầu tiên tôi nêu ra ngay ban đầu là nên chăng Chính phủ giao cho một cơ quan khác thích hợp hơn xây dựng Nghị định mới, bởi dường như Bộ Tài chính ít liên quan khi không cho chức năng quản lý các khoản tiền đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách, đồng thời cũng không phụ trách vấn đề bảo đảm an sinh xã hội hay cứu trợ khẩn cấp. Vấn đề thứ hai, chúng ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa đóng góp tự nguyện qua các đầu mối bao gồm cơ quan, tổ chức nhà nước và đóng góp tự nguyện do người dân tự tổ chức. Loại hình thứ hai này mới là câu chuyện mới và thực sự đáng quan tâm. Vấn đề thứ ba, ngay cả khi huy động đóng góp tự nguyện qua các kênh nhà nước thì liệu nên tiếp tục duy trì Mặt trận Tổ quốc hay chuyển sang Hội Chữ thập đỏ - cơ quan đầu mối căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này trên cơ sở các luật hiện hành.

Chính vì vậy, nếu xét từ góc độ đó thì Dự thảo Nghị định mới e rằng chỉ dừng ở mức sửa đổi cho nhu cầu cấp thiết, trước mắt thôi.

Ông có đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng đối với dự thảo Nghị định này?

Tôi xin nhấn mạnh bốn quan điểm chính. Đó là, thứ nhất, ngay cả khi chỉ sửa đổi ở mức hạn chế tối thiểu thì cũng cần có một chương riêng quy định về nhóm đối tượng là tổ chức, cá nhân trực tiếp vận động, tiếp nhận, phân phối các đóng góp cứu trợ của người dân. Bởi về chủ trương tôi cho rằng Nhà nước cần khuyến khích loại hình hoạt động từ thiện này, nó có tiềm năng lớn, lại rất đa dạng, linh hoạt và sáng tạo, thể hiện tình thần tương thân, tương ái của người Việt Nam ở những góc khuất và âm thầm nhất của đời sống. Còn về cách thức hoạt động, để tránh sự tự phát và kém bền vững thì phải hướng tới sự chuyên nghiệp bằng cách đưa ra quy định về tiêu chuẩn để hướng tới sự bảo vệ và giám sát nhất định trên cơ sở pháp luật.

Thứ hai, chúng ta cần có quy định chi tiết và rõ ràng về các điều kiện và tiêu chuẩn khi tổ chức, cá nhân tổ chức tự tổ chức hoạt động đóng góp tự nguyện mà không thông qua các cơ quan, tổ chức nhà nước như Mặt trận Tổ quốc hay Hội Chữ thập đỏ. Chẳng hạn như nghĩa vụ đăng ký, công bố để công khai, minh bạch hoá, việc ghi chép sổ sách, chế độ báo cáo để cơ quan chức năng theo dõi, giám sát, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan chính quyền địa phương không chỉ nhằm điều phối cứu trợ mà còn bảo vệ an toàn cho các tổ chức, cá nhân tham gia. Về mục tiêu, xin thưa không phải là kiểm soát để hạn chế mà hướng tới sự chuyên nghiệp bởi thực tiễn ở các nước trên thế giới đều như vậy.

Thứ ba, tôi thiết nghĩ rất cần chỉ định một cơ quan chức năng của nhà nước làm đầu mối quản lý. Đó không nên chỉ là Uỷ ban nhân dân địa phương chung chung mà là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ở trung ương và các Sở, Phòng này ở địa phương. Nghị định 14/2017/NĐ-CP quy định Bộ này có chức năng trợ giúp xã hội và giảm nghèo (thuộc Cục Bảo trợ xã hội), chức năng bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp trẻ em (thuộc Cục Trẻ em), là hai lĩnh vực rất cần các nguồn lực cứu trợ. Cơ quan này cũng là đầu mối giải quyết các khiếu nại và tranh chấp về pháp lý ban đầu ở cấp độ hành chính đối với mọi yêu cầu từ các tổ chức, cá nhân là người đóng góp tự nguyện cũng như các đối tượng khác. Điều này rất có ý nghĩa để bảo đảm tính trung thực, minh bạch, sự tuân thủ cam kết đúng pháp luật của hoạt động từ thiện, tránh hay giảm thiểu cho việc phải hình sự hoá các hoạt động này như đã và đang xảy ra.

Thứ tư, nếu chúng ta lâu nay coi cứu trợ cho người dân trong thảm hoạ là trách nhiệm của Nhà nước thì việc chung tay của các tổ chức, cá nhân huy động đóng góp tự nguyện chính là cho mục đích công nhằm hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng ấy, trước hết là về ngân sách. Do đó, cần quy định hợp thức các khoản chi phí này để khấu trừ thuế thu nhập cho các đối tượng đóng góp tự nguyện, dù là họ thực hiện việc này thông qua các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống nhà nước, tức hoạt động dân sự. Nếu Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và trình dự thảo Nghị định thì tôi thấy đó là địa chỉ thích hợp để xem xét chủ trương, chính sách này bởi nó sẽ là sự khuyến khích, động viên thực sự cho các hoạt động từ thiện nói chung.

Có nên vinh danh người làm từ thiện?

Dự thảo Nghị định đã giải quyết được vấn đề minh bạch việc vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp từ thiện của các cá nhân hay chưa?

Tôi thấy Dự thảo Nghị định đã có đề cập nhưng chưa cụ thể, chi tiết thành các điều kiện, quy trình và thủ tục để có khả năng thực thi. Chẳng hạn, đó là các yêu cầu khác nhau, cụ thể đối với cả bốn khâu, bao gồm thông báo vận động, tiếp nhận đóng góp, phân phối viện trợ và cuối cùng là ghi chép, lưu giữ sổ sách báo cáo. Các quy định này càng rõ ràng, cụ thể thì sẽ càng dễ thực hiện, bảo đảm sự thống nhất ứng xử cho tất cả các bên tham gia, bao gồm cả phía cơ quan chức năng và chính quyền.

Thực tế vừa qua, cũng bởi chưa có khung pháp luật rõ ràng và phù hợp, loại trừ trường hợp cá biệt có thể cố ý, nhiều cá nhân tham gia hoạt động này đã phải rơi vào tình cảnh trớ trêu, đó là hoặc “làm phúc phải tội”, hoặc vi phạm pháp luật mà mình không hề biết. Nếu các vướng mắc này không được giải quyết sớm, với tâm lý e ngại chung, tôi cho rằng đối tượng chịu thiệt thòi sẽ chính là những người dân gánh chịu thiên tai, thảm hoạ.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định mới cần bổ sung việc vinh danh những cá nhân tổ chức có đóng góp lớn cho xã hội thông qua công tác thiện nguyện. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, riêng đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp hay tham gia tích cực vào hoạt động thiện nguyện theo góc độ riêng và độc lập như vừa qua thì không nhất thiết có bất cứ hình thức vinh danh chính thức nào do pháp luật quy định. Những người dân gặp khó và hưởng lợi sẽ vinh danh họ và chính bản thân họ cũng tự hào về việc thiện mình làm thì không cần vinh danh thêm nữa. Đó cũng mới là bản chất sâu xa của hoạt động này.

Ngược lại với sự vinh danh ấy, đó là những dèm pha có tác động bôi nhọ, xúc phạm khi chưa có đủ căn cứ diễn ra trên truyền thông vừa qua mà không có sự lên tiếng hay can thiệp kịp thời của các cấp quản lý, đó mới là điều đáng tiếc rất cần tránh trong tương lai.

Về tầm nhìn căn bản và lâu dài, tôi trân trọng kiến nghị Nhà nước xây dựng và ban hành một đạo Luật về tổ chức và hoạt động từ thiện vì đây là một lĩnh vực hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực của đời sống. Các tác động và kết quả của nó sẽ không chỉ là sự đóng góp và chia sẻ về tiền bạc mà còn là sự phát huy và củng cố tinh thần đoàn kết, các giá trị truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái của con người Việt Nam./.

Đọc thêm