Kiện nợ đóng bảo hiểm: Khó, nhưng có hơn không

(PLO) - Mặc dù số tiền nợ đóng bảo hiểm chỉ chiếm hơn 4% kế hoạch song con số này đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chỉ một phần trong số đó được cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện ra tòa và cũng chỉ một phần rất nhỏ được thu hồi…
Tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm năm 2014 lên tới 7.279 tỷ đồng
Tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm năm 2014 lên tới 7.279 tỷ đồng
Đòi 4 thu được 1
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2014 tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 198.186 tỷ đồng, đạt 102,52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và BHXH Việt Nam giao, tăng 20,54% tương ứng với số tiền 33.770 tỷ đồng so với năm 2013.
Tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm năm 2014 tuy có giảm so với năm 2013 nhưng vẫn chiếm 4,09% so với kế hoạch thu được giao (không kể khối lực lượng vũ trang) với số tiền 7.279 tỷ đồng. Nhiều nhất là nợ BHXH 5.578 tỷ đồng, chiếm 76,63% tổng số nợ, trong đó nợ dưới 1 tháng là 700 tỷ đồng, nợ từ 1 đến dưới 6 tháng là 1.437 tỷ đồng, nợ từ 6 tháng trở lên là 3.441 tỷ đồng.
Nợ BHTN là 336 tỷ đồng, chiếm 4,62% so với tổng số nợ, trong đó đơn vị sử dụng lao động nợ là 184 tỷ đồng (chiếm 54,8% số nợ), ngân sách nhà nước (NSNN) chưa chuyển là 152 tỷ đồng (chiếm 45,2% tổng số nợ). Nợ chậm đóng BHYT là 1.365 tỷ đồng, chiếm 18,75% so với tổng nợ, trong đó số nợ của đơn vị sử dụng lao động là 694 tỷ đồng (50,8%), NSNN chưa chuyển là 671 tỷ đồng (chiếm 49% tổng số nợ) Cá biệt có một số BHXH tỉnh, TP có tỷ lệ nợ cao như Lai Châu (12,6%); Hà Nội (6,7%); Hòa Bình (6,4%); Bình Định (6,2%); Phú Yên (5,1%).
Cũng theo BHXH Việt Nam, trong năm 2014 có 50 BHXH địa phương tiến hành khởi kiện 5.832 đơn vị với số tiền nợ đọng BHXH, BHYT là 2.445 tỷ đồng, thu hồi được 621 tỷ đồng, chiếm gần 25,4% số tiền khởi kiện và chỉ bằng 8,55% số tiền nợ.
Quyết liệt đòi nợ
TP. HCM là địa phương được biết đến với nhiều vụ kiện đòi nợ đóng bảo hiểm. Tại hội nghị tổng kết một năm thực hiện nhiệm vụ và triển khai công tác năm 2015, ông Cao Văn Sang – Giám đốc BHXH TP. HCM cho biết, năm 2014 toàn hệ thống BHXH TP.HCM đã thu được 33.537 tỷ đồng (gồm BHXH, BHYT, BHTN), đạt 100,31% kế hoạch. 
Trong năm 2014, BHXH TP đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh tại 3.668 đơn vị (gấp 4 lần so với kế hoạch đặt ra), sau kiểm tra các doanh nghiệp (DN) đã khắc phục tổng số nợ BHXH, BHYT gần 148,8 tỷ đồng (đạt 76% tổng nợ). 
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi tham gia BHXH, BHYT hợp pháp của người lao động, BHXH TP.HCM cũng đã kiện 1.717 DN ra tòa. Theo ông Sang, mặc dù còn nhiều khó khăn như DN cố tình trốn tránh, “câu giờ” bằng cách thương lượng, hòa giải… nhưng kết quả, thông qua hòa giải và thi hành án đã thu hồi tổng cộng 129,9 tỷ đồng (đạt 27,1% số nợ).
“Kết quả này cho thấy việc khởi kiện vẫn là một trong các giải pháp thu nợ có hiệu quả tại TP.HCM đối với các DN vi phạm BHXH, BHYT, BHTN…”- ông Sang khẳng định.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nợ đóng bảo hiểm, theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, do bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, tác động của suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải thu hẹp sản xuất, phá sản, giải thể. 
Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít DN chây ỳ, thậm chí đã trích tiền đóng bảo hiểm từ người lao động nhưng không đóng mà sử dụng vào mục đích khác… Khởi kiện đã rất vất vả, mất nhiều thời gian và thực tế là hầu hết các vụ kiện đòi nợ đóng bảo hiểm, cơ quan BHXH đều thắng kiện nhưng thi hành án rất gian nan vì DN không còn tài sản.
Trao đổi với PLVN, ông Sinh cũng thừa nhận dẫu sao đây vẫn là cách đòi nợ có hiệu quả. “Tuy nhiên từ 1/1/2016, khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra thì tình trạng nợ đóng bảo hiểm sẽ sớm được phát hiện và khắc phục kịp thời …”- ông Sinh kỳ vọng…

Đọc thêm