Giải quyết vấn đề trên, hôm qua (8/9), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ đã phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.
Còn nhiều “hạt sạn”
Theo Nghị quyết của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, QH sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật và cho ý kiến về 3 dự án luật. Đến nay, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 3/6 dự án thuộc chương trình thông qua, cho ý kiến về 6/12 dự án luật thuộc chương trình cho ý kiến. Tuy nhiên, hiện đang phát sinh một khối lượng lớn các dự án luật được Chính phủ, các ĐBQH, các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiệm vụ xây dựng pháp luật từ nay đến hết năm 2018, đặc biệt là việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 tới đây là vô cùng lớn. Nhưng việc thực hiện nhiệm vụ này cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những hạn chế, yếu kém đã tồn tại nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Để bảo đảm tiến độ các dự án, Ủy ban Pháp luật đã có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình năm 2017 nhưng nhiều cơ quan vẫn không thực hiện đúng yêu cầu.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại kéo dài trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, điển hình là vẫn còn một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị; còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết... “Trong thời gian vừa rồi tôi thấy nhiều dự án luật chất lượng thấp ở chỗ là nội dung sơ sài, mâu thuẫn với các luật khác, báo cáo đánh giá tác động cực kì sơ sài. Nó dẫn tới hệ quả là tính khả thi không cao. Nhưng QH, ở đây là các Ủy ban và UBTVQH vẫn không mạnh dạn trả lại”- đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh chỉ rõ.
Cùng với đó, việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng luật có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của dự án. Các cơ quan liên quan tham gia ý kiến vào dự án luật còn mang tính hình thức, lấy lệ. Một số cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, còn có tâm lý nể nang nên thường đưa ra ý kiến ủng hộ chung chung mà không có sự nghiên cứu, đánh giá tác động một cách khách quan, chính xác.
Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, nếu các đơn vị sau khi tiếp nhận văn bản xin ý kiến lại giao cho chuyên viên hoặc những người không có trách nhiệm “thì họ cũng nhận xét, góp ý vào đấy nhưng sẽ không có chất lượng như chúng ta mong muốn”. Từ thực tế đó, ông Ga đề nghị: “Những cơ quan đã nhận được những văn bản đề nghị góp ý kiến vào các dự án luật thì phải góp ý nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao. Có như vậy hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta mới tốt được”.
Về phía các cơ quan thẩm tra của QH trong một số trường hợp lại chưa thực sự kiên quyết trong bảo vệ quan điểm của mình, còn nể nang, ngại va chạm, tính phản biện chưa cao, xuôi theo ý kiến của cơ quan soạn thảo. Đặc biệt, việc cho ý kiến về các vấn đề lớn, phức tạp còn ý kiến khác nhau của các dự án luật tại Kỳ họp của QH còn hạn chế; thời gian thảo luận tại phiên họp của UBTVQH còn ngắn, vẫn còn trường hợp đưa vào phiên họp các dự án được chuẩn bị gấp gáp, không bảo đảm tiến độ.
Đánh giá mức tín nhiệm thông qua việc soạn thảo, trình dự án luật
Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, đòi hỏi các cơ quan liên quan phải đề cao trách nhiệm, hoàn thành đúng, đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc thảo luận tập thể về mỗi dự án luật, thảo luận kỹ nội dung mà bộ, ngành chuyên môn có ý kiến dù đó có thể chỉ là ý kiến thiểu số; kiên quyết chưa xem xét việc trình QH, UBTVQH những dự án không đủ hồ sơ hoặc chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất trình UBTVQH, QH xem xét đưa vào chương trình các dự án luật đã được các cơ quan có thẩm quyền giao trong các văn bản cụ thể, những dự án luật cần thiết sửa đổi hoặc ban hành mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết, khắc phục ngay những bất cập, cản trở đối với sự phát triển của đất nước.
Khi trình dự án luật dẫn đến phải sửa đổi, ban hành mới các đạo luật khác thì phải có đánh giá thận trọng, kỹ càng và có giải pháp thực hiện bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh tình trạng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản nhưng không đủ cơ sở, không bảo đảm đầy đủ hồ sơ đề xuất theo quy định. Để nâng cao tính chịu trách nhiệm của các cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật của QH kiến nghị công bố công khai danh sách cơ quan này nếu các dự án luật không bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm.