Sáng 16/11, được sự vận động của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ khối 6, phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã mở xích khóa chân cho con trai Nguyễn Tiến Tùng (14 tuổi, đang học lớp 8).
Trước đó, ngày 8/11, cậu bé trốn nhà ra quán internet chơi game suốt sáu ngày đêm không về. Sau khi huy động hàng chục người tìm kiếm, gia đình ông Tùng đã tìm được con tại một quán internet nên đưa về xích chân vào cột trước hiên nhà để "cai nghiện" game.
Cậu bé được mọi người khuyên bảo nên tỏ ra ăn năn và hứa không tái phạm. Tuy nhiên, khi mở xích, thiếu niên này tắm xong liền vội vàng bê tô cơm ngồi bên máy tính vừa ăn vừa… cày game.
Bi hài “vây bắt” con nghiện game
Ông Thanh vốn làm nông nên quanh năm hai vợ chồng phải vất vả để nuôi các con ăn học. Không muốn con cái mình phải chịu cảnh cơ cực, ít học như cha mẹ nên đã dành cho chúng tất cả những gì tốt nhất. Chính vì vậy khi con hư hỏng, không nghe lời cha mẹ ông rất buồn.
Rất nhiều lần con bỏ nhà đi chơi game, không khuyên giải không được nên ông phải xích lại. Bất đắc dĩ ông mới dùng đến biện pháp cuối cùng này, sợ khi thả ra con bỏ đi luôn.
Đây là lần thứ năm con trai ông bỏ nhà, bỏ học đến các quán game “cày” nhiều ngày liền. Mỗi lần như thế vợ chồng ông Hải không tài nào ngủ được vì lo con gặp đám bạn xấu rủ rê làm điều dại dột. Ông Thanh phải đến các tiệm game trên địa bàn tìm hiểu, xin số điện thoại để nhờ họ báo tin khi phát hiện cháu đến chơi.
Có hôm 1-2h sáng họ báo tin, ông Thanh lại soi đèn pin đi tìm nó. Nhưng vừa đến nơi thì con lại trốn mất.
Lần này, để đưa được con trai về nhà sau hơn 5 ngày bỏ đi, ông Thanh phải huy động hơn 20 anh em, họ hàng tổ chức “vây bắt”. Để con không thể tiếp tục trốn, ông đành xích chân con vào cột trước hiên nhà, để sẵn cái bô để con đi vệ sinh. Mỗi bữa vợ chồng thay nhau đưa đồ ăn ra cho con.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Thanh xích chân con. Sau mỗi lần như thế, cậu bé có xin lỗi, hứa sửa chữa nhưng được vài hôm lại tiếp tục tái phạm.
Biết việc xích con là không đúng, song ông hi vọng việc này khiến con thấy xấu hổ mà phải từ bỏ game. Ông thà mang “tiếng ác”, bị con giận, bị mọi người trách, còn hơn để con vì game mà trộm cướp, tù tội thì mất luôn con.
Vợ chồng ông Thanh là một trong rất nhiều những cặp phụ huynh đang ngày đêm mất ăn mất ngủ vì các “quý tử” mê game. Mặc dù phải bỏ công bỏ việc theo sát cậu con trai lớp 10, vợ chồng ông Lê Thanh Hải (48 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vẫn thường xuyên “mất dấu” con tại các quán internet.
Ông Hải là y sĩ tại một bệnh viện, vợ mở hiệu thuốc. Từ khi con còn nhỏ, ông bà cứ thấp thỏm sợ con bị lôi kéo nghiện ma túy do ngày nào cũng có vài “chú” nghiện đến mua ống tiêm và nước cất để chích. Cậu con trai 16 tuổi đến nay không thiết tha gì ma túy, nhưng lại vùi đầu vào.... game.
Thiếu niên thư sinh, trắng trẻo, hiền lành, nhà khá giả nhưng cha mẹ nhất quyết không sắm cho máy vi tính vì “tội” nghiện game. Nhà không có máy, cậu này lúc nào cũng mắt trước mắt sau lấm lét, chỉ trông cha mẹ hở ra là.... biến mất ra tiệm nét. Đến miếng ăn miếng uống cũng vội vàng, vợ ông Hải nhiều lần vừa giận vừa thương con khóc sưng cả mắt.
Gia đình có ba người chưa bữa cơm nào được êm ấm. Bữa thì “quý tử” lùa vội bát cơm rồi trốn mất. Bữa thì vợ chồng bỏ cơm tỏa đi tìm con. Vợ chồng ông Hải dở khóc dở cười đưa ra dãy tin nhắn của hai vợ chồng. Chẳng có tin nhắn nào tình cảm, toàn tin như “mật thám” về cậu con trai: “Nó về chưa”, “Nó vừa ra bến xe bus”, “Nó vào quán nét rồi”...
Nội ngoại có việc quan trọng, ông bà cũng phải cắt cử nhau đi rồi nhanh nhanh chóng chóng về để canh chừng con trai. Vợ ông Hải mệt mỏi chốt lại: “Nghiện game cũng đáng sợ như nghiện ma túy”.
Thế giới cũng “đau đầu”
Báo cáo đầu tiên về nghiện game online có từ năm 1994, khi tạp chí Wired lưu ý rằng một số sinh viên chơi game tới 12 giờ mỗi ngày và không còn chú ý gì đến việc học hành. Tháng 8/2005, tờ nhân dân nhật báo Trung Quốc cho rằng có hơn 20 triệu người nghiện game online ở nước này và đề xuất cấm chơi game quá 3-4 tiếng mỗi ngày tại các điểm chơi game.
Tháng 7/2007, Trung Quốc yêu cầu người chơi game phải đăng ký và buộc các game thủ dưới 18 tuổi phải ngừng chơi tiếp nếu đã chơi đủ 3 tiếng mỗi ngày. Trung Quốc cho rằng nếu game thủ chơi quá 3 tiếng mỗi ngày thì sẽ bỏ bê 50% các công việc khác, tỷ lệ này lên đến 100% nếu “game thủ” chơi quá 5 tiếng mỗi ngày.
Đến năm 2008, nhiều ý kiến đã cho rằng nghiện game online là nguyên nhân hàng đầu gây ra bỏ học của sinh viên.
Bộ quốc phòng Phần Lan cho biết trong thời gian từ năm 2000 đến 2005, có 13 binh sỹ nước này không thể hoàn thành nghĩa vụ quân sự vì nghiện game. Tháng 7/2007, một tạp chí ở tây Australia báo cáo một trường hợp học sinh nam 15 tuổi, bỏ tất cả các hoạt động khác do mải chơi game. Bài báo đã so sánh nghiện game với nghiện heroin.
Theo báo cáo của hội đồng khoa học và sức khỏe cộng đồng của Mỹ, người nào chơi trò chơi trên máy tính quá hai tiếng mỗi ngày được coi là nghiện game máy tính. Học viện nhi khoa Mỹ cũng lấy tiêu chuẩn chơi game quá hai tiếng mỗi ngày để xác định người nghiện game online.
Những người nghiện game online là trở thành cáu kỉnh, có hành vi bạo lực hoặc bị ức chế nếu không được chơi game online trên máy tính. Những trẻ em nghiện game sẽ khóc lóc đòi chơi game, không ngủ, từ chối ăn uống hoặc không chịu làm gì.
Năm 2006, thống kê tỷ lệ người nghiện game online trong số những người chơi game online ở nước Anh là 12%. Năm 2007, một nhà nghiên cứu cho rằng nghiện trò chơi trên video đã thực sự trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia châu Á, điển hình là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tác giả cho rằng 2,4% số người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 9 đến 39 bị nghiện game online và 10,2% số người trong độ tuổi này có nguy cơ bị nghiện game online.
Năm 2007, tổ chức Harris Interactive đã điều tra trên 1187 thanh thiếu niên Mỹ tuổi từ 8 đến 18 về chơi game online, 81% số người được hỏi thừa nhận rằng họ chơi game ít nhất một lần trong tháng. Về thời gian chơi game có sự khác biệt giữa nam và nữ.
Nữ chơi game trung bình tám tiếng mỗi tuần, còn nam chơi 14 giờ mỗi tuần. Tỷ lệ nghiện game online được xác định là 8,5%. Kết quả điều tra của trung tâm nghiện và sức khỏe tâm thần Toronto trên 9000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 cho thấy 10% số này chơi game từ tiếng trở lên mỗi ngày.
Tác hại nghiện game = nghiện ma túy + trầm cảm
Mặc dù hiện nay chưa có chẩn đoán nghiện game online trong bảng phân loại bệnh tâm thần của tổ chức y tế thế giới (ICD 10) và của hội tâm thần học Mỹ (DSM IV), nhưng các nhà tâm thần học trên thế giới đều thừa nhận sự tồn tại của bệnh nghiện game online và cho rằng bệnh này có những đặc điểm của nghiện ma túy và trầm cảm.
Một số nghiên cứu nhận thấy, sử dụng internet và chơi game ở mức độ vừa phải cải thiện một số điểm sau ở người sử dụng như nâng cao tính tự tin, mức độ giao tiếp với gia đình và bạn bè, nâng cao cảm giác làm chủ bản thân.
Tuy nhiên, ở dưới góc độ lạm dụng (nghiện game) có những tác động tiêu cực lớn đến mọi mặt đời sống xã hội của người sử dụng. Trẻ em chơi game 5-6 tiếng mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, để làm bài tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi game không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội.
Thực tế cho thấy nhiều game thủ đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những game thủ nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Nặng nề nhất là ý định và hành vi tự sát vì chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này.
Nhiều game thủ đã chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các qui định của pháp luật.
Người nghiện game sẽ có hai nhóm triệu chứng: Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy và nhóm triệu chứng trầm cảm.
Đối với nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy, người chơi game sẽ được coi là nghiện game nếu có từ hai triệu chứng sau trở lên: Thèm chơi game; Chơi game liên tục không nghỉ; Không kiểm soát được việc chơi game; Mất thời gian vì chơi game; Bỏ bê các công việc khác; Che giấu các cảm giác và tình huống khó chịu, tự dùng thuốc điều trị cho mình chứ không báo gia đình và không chịu đi chữa bệnh, do... sợ ảnh hưởng đến thời gian chơi game; Nói dối về thời gian chơi game; Sử dụng sai về tiền bạc; Cảm xúc không ổn định
Đối với nhóm triệu chứng trầm cảm: người chơi game sẽ được coi là nghiện game nếu có từ hai triệu chứng sau trở lên: Khí sắc trầm cảm; Mất hứng thú và sở thích; Mất ngủ; Chán ăn, ăn ít; Rối loạn tâm thần vận động, hoạt động chậm chạp, lờ đờ khi ra ngoài đời thực, suy nghĩ một cách khó khăn, tăng khoảng nghĩ trước khi trả lời.
Nhưng khi không được chơi game, họ đi lại liên tục và có thể trở thành kích động. Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, khi ngừng chơi game, người nghiện có thể nhận ra rằng mình là một kẻ vô dụng vì không làm được việc gì ngoài chơi game và tiếp tục chơi để chạy trốn thực tại. Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định; Ý nghĩ muốn chết và hành vi tự sát
Nhưng khi không được chơi game, họ đi lại liên tục và có thể trở thành kích động. Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, khi ngừng chơi game, người nghiện có thể nhận ra rằng mình là một kẻ vô dụng vì không làm được việc gì ngoài chơi game và tiếp tục chơi để chạy trốn thực tại. Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định; Ý nghĩ muốn chết và hành vi tự sát