“Kiến trúc sư trưởng” bật khóc khi nhắc đến tượng đài

“Khi nghe nói tượng đài đổ nát, tôi đã ngã ngửa. Nhưng đến nơi thấy tượng vẫn đứng vững… Chúng tôi không tham ô đến gần cả trăm tấn đồng"

“Khi nghe nói tượng đài đổ nát, tôi đã ngã ngửa. Nhưng đến nơi thấy tượng vẫn đứng vững… Chúng tôi không tham ô đến gần cả trăm tấn đồng"

Võ Thị Hồng - Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương khóc nức nở khi được chủ tọa đặt câu hỏi: “Nhìn tượng đài, bị cáo nghĩ sao?"

Theo bà Hồng: "Về kỹ thuật tôi không nắm được vì đã giao cho anh em làm. Nhưng chất lượng không như cơ quan công an nói là tượng đài đã đổ nát. Khi tôi lên tượng đài vẫn đứng vững. Vấn đề là tượng đồng nào cũng rỉ khi đúc cùng bê tông”.

Bị cáo Võ Thị Hồng (áo đen) khóc nức nở khi được HĐXX cho ra ngoài lấy bình tĩnh trở lại. Ảnh: DuyTuấn

Tiếp tục phần xét hỏi, sáng nay (30/3), HĐXX dành phần lớn thời gian hỏi bà Hồng xung quanh việc chuẩn bị thi công, đúc tượng đài. Việc hoàn thiện tượng đài, đến đúc khuôn đất và thi công xây dựng tượng… đều giao cho công ty Mỹ thuật Trung ương - với vai trò là giám đốc, bà Hồng được coi là kiến trúc sư trưởng của công trình này. HĐXX nhiều lần phải dừng câu hỏi nhắc bị cáo bình tĩnh, tòa chưa buộc tội ai cả. Nhưng trước mỗi câu hỏi về tượng đài, về đúc tượng... bị cáo đều trả lời trong nước mắt.

“Sự thật chúng tôi không tham ô đến gần cả trăm tấn đồng. Số liệu sai lệch không lớn đến như thế. Kết luận của Viện Khoa học hình sự chưa chính xác. Thiệt hại hơn 5,5 tỷ đồng (thiệt hại về mặt vật chất đối  với phần mỹ thuật của tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ - pv) là không đúng. Nếu đúng thì do cơ quan thẩm định giá phải chịu. Người đúc đồng cũng phải chịu trách nhiệm nhưng do chưa quyết toán, nên người đúc đồng chưa biết…” bà Hồng vừa nói vừa lấy tay gạt nước mắt.

Là công ty chuyên ký hợp đồng thi công các loại tượng lớn nhưng bà Hồng cho biết, việc đúc tượng đều được công ty thuê các làng nghề làm. Việc lựa chọn công ty TNHH Đoàn Kết là do quen biết trước với  Nguyễn Trọng Hạnh. “Theo tôi, anh Hạnh dùng đồng hỗn hợp, có đồng phế liệu để đúc tượng. Khi xuống xưởng của anh Hạnh tôi thấy kho đồng thỏi, bãi ống đồng, đồng phế liệu. Nhưng chất lượng đã được anh Hạnh cam kết”.

Chốt lại, vị kiến trúc sư trưởng cho rằng VKS  truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn là không đúng. “Tôi luôn hết mình về công việc, cả cuộc đời luôn làm tốt cho xã hội. Kiểm điểm lại cả đời tôi không làm gì xấu. Trước khi công trình thi công mười năm, tôi được đề nghị làm hồ sơ phong anh hùng nhưng thú thực tôi thấy mình yếu quá”, bà Hồng nghẹn ngào. Đến đây HĐXX đành tạm hoãn phần phần hỏii, cho bị cáo ra ngoài lấy lại bình tĩnh. 

Xin được đúc lại tượng đài

Cũng trong sáng nay, HĐXX cũng dành thời gian để xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Trọng Hạnh. Hạnh được coi là người đóng hai vai vừa là xưởng trưởng xưởng đúc, Công ty Mỹ thuật Trung ương và là Phó giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết, đơn vị trực tiếp đúc tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ".

Hạnh thú thật: “Tôi không có chức vụ quyền hạn gì, tôi chỉ là thợ. Bố phong cho làm phó giám đốc. Chức năng của công ty là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Còn chức là bị ép. Vì nếu không đeo biển, mặc quần áo của công ty này thì họ không cho vào làm”.

Trước tòa, Hạnh khai nhận, đã xin Hồng tham gia việc đúc tượng mà công ty Mỹ thuật Trung ương vừa trúng thầu. Sau khi xem kỹ yêu cầu, Hạnh ra giá 20 tỷ khoán gọn toàn bộ việc đúc tượng, tuy nhiên công ty Mỹ thuật Trung ương chỉ đồng ý với giá 16,5 tỷ đồng theo phương thức công trình khoán gọn. Về sau thấy vận chuyển khó khăn, quá khổ nên đề nghị tăng lên 18,5 tỷ.

“Tuy vậy, dự toán mà công ty Mỹ thuật Trung ương đề ra là không đủ, nên thi công theo phương pháp thủ công. Tượng đài vẫn đảm bảo chất lượng. Tôi  đúc tượng vì trái tim yêu nghề”, Hạnh nói.

Hạnh khẳng định: "Tượng đài chúng tôi không đúc bé đi, không đúc mỏng đi sao bảo chúng tôi rút ruột. Hiện công trình chưa được nghiệm thu vì vậy tượng đài vẫn là của chúng tôi, nếu cần cho chúng tôi đúc lại”.

Chiều nay, tòa tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo còn lại.

Theo Duy Tuấn

Đọc thêm