(ĐNĐT) - Đã nhiều năm rồi, mỗi khi Tết đến Xuân về, kiều bào về Đà Nẵng đón tết cổ truyền có buổi gặp mặt thân mật với lãnh đạo thành phố. Với nhiều bà con, đây là cuộc gặp luôn mong đợi mỗi khi về quê ăn Tết.
|
Dù xa quê hương nhưng bản sắc Tết Việt không phai trong tâm thức bà con kiều bào |
Dù xa xứ nhưng bà con vẫn đau đáu hướng về cội nguồn. Năm nay kiều bào về quê đón tết Canh Dần đông hơn bao giờ hết.
Không về mình thành người lạ giữa quê hương
Bác Nguyễn Chánh bước vào cổng cơ quan Ủy ban MTTQ thành phố đi dự buổi gặp mặt giữa bà con kiều bào với lãnh đạo thành phố hôm 27 tháng Chạp với chiếc gậy chống để giữ thăng bằng. Đi đứng khó nhọc, thế nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, bác rất sôi nổi. Năm nay đã 80 tuổi, có 30 năm định cư ở Australia nhưng có đến 20 năm liên tục bác về quê đón tết cổ truyền của dân tộc và hầu như năm nào bác cũng dự buổi gặp mặt kiều bào với lãnh đạo thành phố.
Bác Chánh kể: Ở nước ngoài cũng có noel, tết dương lịch, là dịp người ta vui chơi nhưng không thể nào có được không khí sum họp gia đình, sự thân mật gần gũi với lãnh đạo chính quyền như đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Bởi vậy nhiều người Việt xa xứ luôn nhớ quê hương, đặc biệt là nhớ Tết và chờ đến Tết để về. Về quê nhiều nhưng khoảng 10 năm gần đây lại thấy thành phố Đà Nẵng mình khác quá, ngày càng hiện đại hơn, đẹp hơn. Ở bên đó, con cháu vào mạng Internet đọc báo rồi kể cho bác hay về tình hình phát triển của đất nước, của Đà Nẵng. Nhưng mỗi năm về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình lại càng thấy Đà Nẵng khác quá, phát triển nhanh quá".
Bác tâm sự: “Tôi lo rằng mình chỉ cách một năm không về Đà Nẵng dễ thành người lạ ngay giữa quê hương mình. Bởi vậy tôi luôn cầu mong có sức khỏe để cứ tết đến lại về quê hương”.
Anh Nguyễn Ngọc Giao, định cư tại Mỹ, nói: “Có năm vì lý do công việc không thể sắp xếp được để về quê đón Tết cổ truyền trong lòng mình nhớ nhà thật da diết. Đi nhiều nước, tôi vẫn thấy Tết Việt của mình có bản sắc văn hóa rất riêng. Dù đi xa nơi đâu Tết cũng phải về nhà làm cơm cúng tổ tiên, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ và người thân. Vì thế, Tết mà không về được thì như có lỗi với gia đình, với quê hương".
Kiều bào là một bộ phận dân tộc Việt Nam
Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Công tác đối người Việt Nam ở nước ngoài trong gần 6 năm qua đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Điểm nhấn rõ nhất là các chính sách dành cho người Việt ngày càng được ưu tiên hơn. Nhiều chính sách mới đã được ban hành như miễn thị thực nhập cảnh dành cho kiều bào và thân nhân của họ, chính sách về nhà ở, chính sách hai quốc tịch mềm dẻo, hồi hương...
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đã tích cực triển khai chương trình hành động đưa Nghị quyết 36/NQ-TW đi vào cuộc sống. Hiện nay trên địa bàn thành phố đã có trên 50 doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động. Các doanh nghiệp của Việt kiều đầu tư vào Đà Nẵng tập trung trên các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, xây dựng, may mặc, vận tải, kinh doanh bất động sản…
Ngoài ra, các khoản hỗ trợ trực tiếp của kiều bào và các Tổ chức phi chính phủ thông qua sự giới thiệu của kiều bào cho thành phố đã góp phần cho phát triển y tế, giáo dục, xóa nhà tạm cho người nghèo.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mận, Việt kiều Pháp, hiện nay là quản lý của doanh nghiêp vận tải Tân Minh Hoàng hoạt động tại Đà Nẵng cho biết: Biết tin doanh nghiệp của chị hoạt động thuận lợi và ổn định tại Đà Nẵng, hai người anh trai của chị cũng sẽ về nước làm ăn trong năm 2010 này. Trong năm nay, chị cũng sẽ mua nhà ở hẳn tại Đà Nẵng.
Theo ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố, nhiều trí thức kiều bào ở nước sẽ về Đà Nẵng để cống hiến chất xám, thực hiện triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ hoặc trực tiếp giảng dạy tại các trường đại học.
Để hỗ trợ bà con kiều bào, Sở Ngoại vụ thành phố đã thành lập Tổ tư vấn người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Phòng Lãnh sự-Việt kiều. Tổ sẽ tư vấn cho bà con kiều bào về các thủ tục hành chính: Kiều bào trở lại quốc tịch Việt Nam hoặc thôi quốc tịch Việt Nam, xác nhận có gốc Việt Nam để hoàn tất hồ sơ đầu tư, cấp hộ chiếu, thị thực nhập cảnh, đăng ký tạm trú, đi lại và gia hạn thị thực, đề nghị cho thân nhân ra nước ngoài có thời hạn, kết hôn với công dân Việt Nam, xin con nuôi, thủ tục hồi hương về Việt Nam và những tài sản được mang theo, đưa thi hài kiều bào về nước sở tại, mua nhà ở Việt Nam.
Kiều bào còn được tư vấn về: Cơ hội đầu tư, những địa bàn, lĩnh vực mà Nhà nước Việt Nam khuyến khích; những dự án Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, những ưu đãi dành cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, các hình thức mà bà con kiều bào có thể chuyển ngoại tệ về Việt Nam giúp đỡ thân nhân.
|
Bài và ảnh: Sơn Trung