Kinh doanh xuất khẩu gạo: Nhiều quy định được thay đổi triệt để

(PLO) - Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo đang được Bộ Công Thương xây dựng, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, theo đó đã đề xuất những cải tiến đột phá về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo “dễ thở” hơn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều kiện kinh doanh: sàng lọc nhưng cực đoan 

Về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và phải nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu gạo.

Quy định điều kiện này của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP đã tạo động lực thúc đẩy thương nhân đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ bảo quản, chế biến, xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, thực tế có một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo còn hạn chế nên không đáp ứng điều kiện theo quy định, hoặc một số thương nhân chuyên kinh doanh thương mại, mặc dù có khách hàng, thị trường nhưng không có năng lực tài chính, vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo theo quy định, do đó, đã không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Từ thực tiễn này, một số ý kiến cho rằng, những quy định này đã trở thành rào cản đối với DN vừa và nhỏ khi tham gia thị trường.

Hoặc, liên quan đến quy hoạch địa bàn xây dựng kho chứa, để đáp ứng điều kiện kinh doanh, cơ sở xay, xát thóc, gạo phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hoá xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định khống chế địa bàn này cũng tạo ra sự không bình đẳng giữa các địa phương, tạo rào cản đối với thương nhân tại nhiều địa phương khi muốn đầu tư tham gia xuất khẩu gạo. Mặt khác, quy định này cũng thể hiện sự can thiệp hành chính đối với quyền tự do cân nhắc, quyết định địa bàn đầu tư của DN.

Hàng loạt quy định trói chân doanh nghiệp

Về quy định dự trữ lưu thông, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. 

Về quy định này, một số ý kiến cho rằng, sản xuất lúa gạo nước ta có đặc thù mùa vụ thu hoạch gối đầu, liên tiếp có thu hoạch mới. Trường hợp cần thiết  thiên tai, mất mùa cục bộ thì đã có nguồn thóc gạo dự trữ nhà nước để cung ứng ra thị trường. Vì vậy, không cần thiết phải quy định trách nhiệm thực hiện dự trữ lưu thông để đảm bảo an ninh lương thực. Mặt khác, quy định dự trữ lưu thông gây tồn đọng vốn, phát sinh chi phí lưu kho, bảo quản hàng hóa, làm tăng gánh nặng đối với DN, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Đây là một vấn đề thực tiễn cần xem xét.

Về cơ chế thị trường có hợp đồng tập trung và hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung quy định tại Điều 16 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, được cụ thể hóa tại các quy định từ Điều 10 đến Điều 14 Thông tư số 44/2010/TT-BCT, quá trình thực hiện cho thấy một số vướng mắc như thời gian giao dịch thị trường tập trung, tiêu chí lựa chọn, duy trì đầu mối thực hiện hợp đồng tập trung, ràng buộc trách nhiệm và xử lý vi phạm của doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp được phân bổ thực hiện hợp đồng tập trung theo cơ chế ủy thác xuất khẩu, việc bổ sung 2 đầu mối tại một thị trường tập trung dẫn tới nhiều quy định tại Thông tư số 44/2010/TT-BCT không còn phù hợp. Do dó, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 16 Nghị định để tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết cho việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2010/TT-BCT.

Quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và công bố giá sàn gạo xuất khẩu cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng chưa phù hợp với thực tiễn, coi đây là một thủ tục cản trở xuất khẩu cần bãi bỏ...

Điều hành theo hướng mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định sửa đổi số 109/2010/NĐ-CP sẽ quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở này; chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. 

Đồng thời, Dự thảo bổ sung quy định đối với thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo theo lộ trình do Bộ Công Thương ban hành thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo. Bổ sung quy định đối với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân được xuất khẩu không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan.   

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số các quy định để tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể, bãi bỏ Điều 18 quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và Điều 19 quy định giá sàn gạo xuất khẩu của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5% lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA, theo đó, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu. Thay vào đó là quy định áp dụng phương thức thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương...  

Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP khi được ban hành sẽ tác động tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của doanh nghiệp; thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm có lợi thế, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, dự trữ lúa, gạo; gắn chặt chẽ hơn với nhu cầu, đòi hỏi của thị trường. Các quy định về điều kiện kinh doanh của Nghị định sẽ thúc đẩy thương nhân đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, góp phần xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. 

Đọc thêm