Con số khó tin nhưng có thật
Báo cáo nói trên được đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Kết nối nghiên cứu và chính sách y tế” do Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Chiến lược tổ chức. Tại hội thảo, để nhằm tập trung làm rõ các vấn đề: Mối liên quan giữa vấn đề bạo lực do chồng với sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ sơ sinh; Bạo lực tinh thần, trầm cảm và sức khỏe sinh sản sau sinh… , Dự án DANIDA (Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch) đã đưa ra những thông tin và con số gây sốc, rất khó tin nhưng có thật. Theo đó, kết quả nghiên cứu ở huyện Đông Anh (Hà Nội) từ năm 2014 đến 2016 về phụ nữ bị bạo lực từ người chồng cho thấy: Bạo lực do chồng đối với phụ nữ khi mang thai là khá phổ biến, trong đó bạo lực tinh thần chiếm 32%, bạo lực tình dục chiếm 9,8%, bạo lực thể xác chiếm 3,5%.
Dù gây sốc nhưng thông tin này không mới bởi trước đó một thời gian, bàn về vấn đề phụ nữ bị chồng bạo hành tình dục khi mang thai, trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Thu Giang - Viện trưởng Viện Sức khỏe, cộng đồng, ánh sáng (LIGHT) đã cho biết, số liệu thống kê cho thấy, có đến 54% phụ nữ mang thai hoặc cho con bú dưới 1 tuổi phải chịu ít nhất một dạng bạo hành (thể chất, tâm lý, tình dục) một lần trong đời.
Bác sĩ Giang đã tiến hành khảo sát tại một số xã và nhóm cán bộ ở thôn, qua khảo sát họ đều thừa nhận có tình trạng bạo hành ở nhóm phụ nữ mang thai và nuôi con. Tuy nhiên, nguyên nhân họ đưa ra đó là: “Do phụ nữ mang thai thay đổi tính nết, khó chịu nên dễ bị bạo hành”.
Theo bác sĩ Giang giải thích trên chỉ là ngụy biện vì “nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành ở phụ nữ mang thai đó chính là, nghèo đói (76%), chồng có hành vi không lành mạnh (38,1%), ngoại tình (31%), thiếu kỹ năng sống (26,4%), sinh con trai hay con gái (10,6%), thiếu hiểu biết pháp luật (7,5%)”.
Kinh hoàng các kiểu bạo hành vô nhân tính
Bác sĩ Giang đã đưa ra nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành khi mang thai, thậm chí bị bạo hành tình dục chỉ vì lý do không sinh được con trai để “nối dõi tông đường”. Điển hình như trường hợp của chị Hồng Ngát (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị chồng và nhà chồng bạo hành cả về mặt thể chất, lẫn tinh thần trong thời kỳ mang thai. Theo chia sẻ của chị Ngát, chỉ vì mang thai lần thứ 3 là con gái mà chị bị mẹ chồng dè bỉu, “khinh” ra mặt và thậm chí còn xúi giục cả con trai đi tìm “cháu đích tôn” ở nơi khác. Không chỉ có vậy, những hôm đi uống rượu, bia bị bạn bè kích bác, chồng chị Ngát về nhà lại lấy chị làm nơi trút giận, nhẹ thì chửi bới cả đêm, nặng thì tát, đấm vào mặt, thậm chí là tra tấn cả bằng tình dục khi chị mang thai ở tháng thứ 8. Cũng chính vì lý do đó, chị Ngát đã phải trải qua thời kỳ mang thai trong nước mắt, hậu quả lớn nhất là chị đã bị trầm cảm nặng phải nhập viện điều trị.
Trường hợp của chị Thúy Hà (Duy Tiên – Hà Nam) là một ví dụ điển hình. Theo đó, chỉ vì gánh nặng sinh con trai mà chồng chị “đòi” quan hệ với chị như kiểu trả thù. “Trước đây không bao giờ anh như vậy, nhưng từ khi biết tôi mang thai bé gái, anh ấy đòi “quan hệ” thường xuyên hơn, mỗi lần làm anh ấy như kiểu muốn trả thù tôi vậy. Khi tôi nói ảnh hưởng đến con thì anh lại lại lên mạng tìm kiếm tư thế dành cho bà bầu, thậm chí có lần tôi còn bị treo cả chân lên”, chị Hà chia sẻ.
Từ thông tin của bác sĩ Giang có thể thấy, thủ phạm bạo hành đối với phụ nữ mang chủ yếu là những người thân của họ, trong đó gần như 100% là người chồng (đối với bạo hành tình dục). Còn theo báo cáo của DANIDA phần lớn phụ nữ phải chịu bạo lực về tinh thần khi mang thai với con số bạo lực tinh thần chiếm 32%.
Theo bác sĩ Giang, bạo hành đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng, đó là ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và em bé có thể gây ra các nguy cơ trầm cảm, tự tử, đẻ non, sảy thai, tai biến… Khi phải chịu bạo lực lúc mang thai, người mẹ có nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non cao gấp 3 lần so với những người không phải chịu bạo lực. Đồng thời, phụ nữ bị bạo lực có nguy cơ mắc trầm cảm khi mang thai cao gấp 6 lần và trầm cảm sau sinh cao gấp 3 lần so với những phụ nữ khác.
Để giải quyết tình trạng này, Dự án DANIDA đã đưa ra khuyến nghị phải tăng cường sự hỗ trợ của gia đình (nhất là gia đình ruột) và hỗ trợ xã hội đối với phụ nữ như sàng lọc trầm cảm trước, sau sinh; tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai và sau sinh.