Kinh nghiệm Nam Dương

Quận Hải Châu hiện có tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) chiếm hơn 30% số bệnh nhân toàn thành phố. Tuy vậy, trong khi 12 phường còn lại của quận này có số người mắc bệnh SXH cao thì tại phường Nam Dương, một trong những địa phương nằm ở vị trí trung tâm thành phố, cũng có công trình xây dựng trọng điểm đang triển khai nhưng số người mắc bệnh rất thấp.

Quận Hải Châu hiện có tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) chiếm hơn 30% số bệnh nhân toàn thành phố. Tuy vậy, trong khi 12 phường còn lại của quận này có số người mắc bệnh SXH cao thì tại phường Nam Dương, một trong những địa phương nằm ở vị trí trung tâm thành phố, cũng có công trình xây dựng trọng điểm đang triển khai nhưng số người mắc bệnh rất thấp.
Theo số liệu mới nhất, hiện phường này chỉ có 15/950 bệnh nhân mắc SXH toàn quận. Con số này chưa bằng số mắc mới trong một tuần ở những phường là điểm nóng dịch SXH hiện nay. Điều đáng ghi nhận là chỉ có 9/28 tổ dân phố của phường Nam Dương có người mắc bệnh, những tổ dân phố còn lại đã thực hiện triệt để công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch SXH nói riêng nên không có người mắc bệnh.
Thành công của Nam Dương trước hết chính là việc chủ động tuyên truyền người dân nêu cao ý thức phòng dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Bởi, không chỉ đến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp mà ngay từ đầu năm, công tác vận động các hội, đoàn thể tham gia vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp triển khai đều khắp ở 28 tổ dân phố.
Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, cán bộ y tế trực tiếp đến nhà dân nắm tình hình và khảo sát mật độ muỗi. Nếu thấy mật độ muỗi cao thì một mặt báo ngay cho Đội Y tế dự phòng quận, mặt khác vận động người dân nhanh chóng thu dọn vệ sinh môi trường. Thêm vào đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh địa phương đã sử dụng hệ thống phát thanh FM của phường để tuyên truyền về những diễn biến khi dịch bệnh bắt đầu tăng trong các tháng 4 và 5. Điển hình như ở tổ 12 có đặc thù là nhiều kiệt, hẻm nhỏ và khu vực góc khuất - dễ tạo cho người dân thiếu ý thức vứt rác, phóng uế bừa bãi - nhưng Tổ trưởng dân phố đã ý thức tinh thần trách nhiệm, chủ động họp dân để nhắc nhở bà con trong khu vực không vứt rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thông thoáng.

Hội Phụ nữ phường đã triển khai rộng khắp trong các chi hội thu gom các vật phế liệu như vỏ chai nhựa, lon bia… vừa thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, vừa tạo nguồn kinh phí để sinh hoạt. Hoạt động này đã duy trì nhiều năm nay và có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế lăng quăng, muỗi phát sinh trong các khu dân cư.

Đối với những khu vực tiến hành các công trình xây dựng lớn như công trình đường Nguyễn Văn Linh nối dài, để không biến những khu vực đang thi công trở thành những ổ muỗi sau những cơn mưa, phường đã vận động người dân tích cực thu dọn, lấp những hố nước, không cho muỗi phát sinh. Thêm vào đó, tại từng hộ gia đình, việc ý thức phòng dịch, ngủ mùng kể cả ban ngày được nhiều người dân thực hiện. Thậm chí, có gia đình chia sẻ cho hàng xóm về những loại thuốc có tác dụng diệt muỗi hiệu quả.

Không chỉ dẫn đầu trong các phong trào sáng-xanh-sạch-đẹp, phòng dịch SXH, trong mùa dịch cúm A/H1N1 năm 2009, phường Nam Dương cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân ý thức phòng bệnh và phường không ghi nhận trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh phường Nam Dương, kinh nghiệm lớn nhất trong công tác phòng dịch bệnh của phường là tạo ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cho hơn 2.100 hộ dân trên địa bàn. Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình và mỗi học sinh khi đến trường đều phải đề cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Thiết nghĩ, địa phương nào của thành phố cũng thực hiện triệt để công tác phòng ngừa dịch bệnh như phường Nam Dương thì chắc rằng dịch SXH sẽ không có cơ hội để bùng phát.

Diệu Minh

Đọc thêm