Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện huyện Nghĩa Hưng.
Ảnh: xuân thu
|
Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đợt I năm 2010 đã kết thúc sau hơn 3 tháng triển khai trên địa bàn tỉnh. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 135 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác CSSKSS-KHHGĐ, tổ chức mít tinh, tuyên truyền cổ động 65 lượt, cấp phát được 18038 tờ rơi tuyên truyền, duy trì chuyên mục Dân số và phát triển trên Báo Nam Định và Đài PT-TH tỉnh. Các kết quả cung cấp gói dịch vụ SKSS/KHHGĐ, toàn tỉnh thực hiện được 18235 ca đặt vòng tránh thai, triệt sản 82 ca, tiêm thuốc tránh thai 1972 ca, sử dụng thuốc uống tránh thai 12605 người. Tổng số phụ nữ đi khám trong chiến dịch là 45947 người, trong đó số phụ nữ phát hiện bị viêm nhiễm và được điều trị là 18756 người, chiếm tỷ lệ 40,8%. Các biện pháp mang lại hiệu quả tránh thai cao đã không có biện pháp nào đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Biện pháp có vai trò chủ đạo là đặt vòng tránh thai cũng chỉ mới đạt 52,1% kế hoạch năm. Các biện pháp khác như thuốc tiêm tránh thai chỉ đạt 50,6%, tiếp đến là biện pháp triệt sản mới đạt 23,4%. Kết quả này là đạt hiệu quả thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Trước thực trạng trên, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức sơ kết chiến dịch đợt I, đánh giá đúng thực trạng phân tích, làm rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn để đẩy mạnh việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong cả năm 2010. Trước hết, công tác chỉ đạo ở một số địa phương và cơ sở chưa tập trung cao và việc triển khai thực hiện còn thiếu sự đồng bộ, dẫn đến khâu tổ chức chiến dịch chưa tốt, chưa huy động được tối đa các đối tượng tham gia thực hiện, nhất là ở những xã khó khăn, có mức sinh cao cần tiếp tục được đầu tư và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội với công tác Dân số - KHHGĐ. Các loại hình truyền thông vận động cũng cần phải được đổi mới, đa dạng hoá, cụ thể và phù hợp với từng đối tượng, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hoá của từng vùng, miền... Từ những bài học kinh nghiệm rút ra qua chiến dịch truyền thông lồng ghép đợt I, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp tục chỉ đạo và triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đợt II năm 2010 được tổ chức từ ngày 15-8 đến 30-10-2010./.
Quốc Tuấn