Kinh nghiệm thành công của Nhật Bản trong việc giảm tỷ lệ nghiện thuốc lá điếu

(PLVN) - Tại Hội nghị Scientific Summit lần thứ 4 vừa qua, TS. BS. Hiroya Kumamaru - chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản đã có những chia sẻ về kinh nghiệm của quốc gia này trong việc đưa sản phẩm thuốc lá làm nóng vào quản lý thành công, nhằm mục tiêu giảm tác hại của thuốc lá điếu.

Theo báo cáo mới nhất của ngành, sau khi thuốc lá làm nóng (TLLN) được đưa vào Nhật Bản vào năm 2014, kể từ năm 2015, lượng thuốc lá tiêu thụ tại đây đã giảm 44% trong 5 năm.

PV: Thưa ông, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định hợp pháp hóa các sản phẩm TLLN vào thời điểm nào?

- TS. BS. Kumamaru: Tại Nhật Bản, các sản phẩm thuốc lá được quản lý bởi Bộ Tài chính, không phải bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW). Vì TLLN có chứa nguyên liệu lá thuốc lá nên sản phẩm này có thể được kinh doanh một cách hợp pháp. Câu hỏi đặt ra là TLLN nên được quản lý và đánh thuế theo danh mục nào. Ban đầu, các sản phẩm này nằm trong danh mục “các sản phẩm khác” của “thuốc lá tẩu”. Một vài năm sau, Bộ Tài chính đã quyết định thành lập một danh mục mới dành riêng cho sản phẩm này.

PV: Trước, trong và sau khi hợp pháp hóa TLLN, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng như các tổ chức y tế công cộng khác đã triển khai nghiên cứu nào để đo lường tác động của sản phẩm này lên người dùng? Kết luận của những nghiên cứu này là gì?

- TS. BS. Kumamaru: Tôi có thể liệt kê 4 nghiên cứu quan trọng nhất.

Thứ nhất, Viện Y tế Công cộng Quốc gia đã nghiên cứu và công bố hàm lượng nicotine trong đầu lọc thuốc lá điếu và khí hơi (aerosol) từ TLLN gần giống như hàm lượng nicotine trong thuốc lá điếu thông thường. Trong khi đó, hàm lượng nitrosamine tạo ra từ thuốc lá (TSNA) và hàm lượng CO từ TLLN lần lượt chỉ bằng 1/5 và 1/100 so với sản phẩm còn lại".

TS. BS. Hiroya Kumamaru với phần tham luận tại Scientific Summit lần 4, được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thứ hai và thứ ba, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Trung tâm Ung thư Quốc gia đã tiến hành 2 nghiên cứu để xem xét hiệu ứng phơi nhiễm thụ động của TLLN. Từ đó đưa ra quy định việc sử dụng TLLN khác biệt so với việc hút thuốc lá điếu. Cụ thể, “mức phơi nhiễm với khí hơi (aerosol) từ TLLN trong một phòng kín hút thuốc ở điều kiện thông thường được đánh giá là có thể chấp nhận được. Mức này thấp hơn 3 bậc so với thuốc lá thuốc lá điếu trong cùng điều kiện”.

Thứ tư, nghiên cứu của Phòng Dịch vụ Y tế, Cục Dịch vụ Y tế, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng so sánh nồng độ nicotine và các hạt vật chất (PM2.5) trong không khí ở không gian một buồng tắm nhỏ. Kết luận cho thấy, “kết quả nghiên cứu Indoor Air Quality (Chất lượng không khí phòng kín) không phản đối việc đưa TLLN vào quy định để được phép sử dụng trong nhà; tuy có sự phơi nhiễm với khí hơi (aerosol), nhưng vẫn ở mức có thể chấp nhận được, không giống như khói của thuốc lá điếu đốt cháy thông thường”.

PV: Cụ thể, các sản phẩm TLLN ở Nhật Bản đã được đưa vào quản lý như thế nào?

- TS. BS. Kumamaru: Nhật Bản có cách tiếp cận kết hợp khi quản lý sản phẩm thay thế không khói thuốc. Cụ thể, thuốc lá điện tử có chứa nicotine được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quản lý và được xem như một dược phẩm. Trong khi đó, TLLN được xem là một sản phẩm thuốc lá vì có các thành phần làm từ lá thuốc lá và được quản lý bởi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khuôn khổ quy định đối với TLLN ngày càng khác xa so với khuôn khổ quản lý thuốc lá điếu đốt cháy thông thường, vì được nới lỏng hơn rất nhiều, bao gồm từ mức thuế, nội dung nhãn cảnh báo sức khỏe hoặc quy định khu vực cấm sử dụng.

TS. BS. Hiroya Kumamaru - chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản.

PV: Còn tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng TLLN là bao nhiêu? Các sản phẩm này có tạo ra hiệu ứng “bắc cầu” (chuyển sang hút thuốc lá điếu) không?

- TS. BS. Kumamaru: Dữ liệu nghiên cứu do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ủy quyền cho thấy mức độ sử dụng TLLN của thanh thiếu niên khá thấp, cả về giá trị tuyệt đối và tương đối so với thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu thông thường.

PV: Theo ông, các sản phẩm này có đóng góp gì vào chính sách kiểm soát thuốc lá của Nhà nước?

- TS. BS. Kumamaru: Mặc dù không thể bình luận thay cho Bộ Tài chính và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tuy nhiên từ quan điểm của một chuyên gia chăm sóc sức khỏe, tôi nghĩ rằng các sản phẩm này đã góp phần giảm lượng thuốc lá tiêu thụ đến 44% trong vòng 5 năm.

PV: Theo ông, ở Việt Nam, khi quản lý TLLN, làm sao để đối tượng ngoài ý muốn, bao gồm cả thanh thiếu niên và người đã cai thuốc tiếp cận sản phẩm?

- TS. BS. Kumamaru: Cần có khuôn khổ quy định phù hợp để giảm thiểu việc sử dụng của những đối tượng ngoài ý muốn. Ví dụ, ở Nhật Bản, các nhà bán lẻ thuốc lá có trách nhiệm không bán sản phẩm cho trẻ vị thành niên. Họ cần kiểm tra ID để xác minh độ tuổi. Nếu vi phạm, họ sẽ bị phạt nặng. Quy định rõ như vậy cũng có thể hữu ích với trường hợp của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm