Đó là thực trạng của loại hình kinh tế vốn được coi là bước đột phá trong sản xuất nông sản chất lượng cao theo hướng hàng hóa ở Đà Nẵng hiện nay. Không ít cơ sở đầu tư hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng, quy mô công nghiệp với các loài cây trồng, vật nuôi có tính đặc thù đã và đang bị thua lỗ nặng.
Kỳ 1: Thực trạng
Trang trại của ông Huỳnh Di ở thôn Diêu Phong quy mô chỉ bằng 1/4 so hồi mới đầu tư. |
Ít nhất hàng chục cơ sở vốn đầu tư thuộc top đầu của loại hình kinh tế trang trại ở Đà Nẵng lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần dẫn đến bán đổ bán tháo, hoặc đang trong giai đoạn ngoắc ngoải. Cơ sở đầu tiên phá sản là trang trại nuôi bò thịt quy mô công nghiệp của ông Đoàn Văn Cần, ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh (Hòa Vang). Cách đây chừng 5 năm, sau khi xây dựng cơ ngơi ngót nửa tỷ đồng, trang trại này đưa về cùng lúc khoảng 150 con bò thịt loại lớn nhốt từng dãy trông rất thích mắt.
Trước khi đưa bò về, ở đây đã có 12ha cỏ voi lên xanh tốt. Hồi đó, tham quan mô hình này, nhiều người kỳ vọng chăn nuôi quy mô công nghiệp sẽ phát triển mạnh tại các xã miền núi. Nhưng rồi, chỉ vài ba năm, cơ sở thua lỗ nặng dẫn đến phá sản hoàn toàn. Nay tại đó không còn dấu vết của thời lắm người đến quay phim, chụp ảnh và tham quan học tập, thay vào đó là bãi cỏ xơ xác vì nắng nóng và một vài chuồng trại chưa dỡ xập xệ đến thảm hại.
Tiếp theo là trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú. Với 40ha khu vực khá bằng phẳng, người chủ trang trại chưa đến 40 tuổi này đầu tư trồng hàng nghìn cây ăn quả đủ loại, nào là chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng..., nuôi 40-50 con bò, hơn 1ha cá nước ngọt... Đã có lần một đồng chí lãnh đạo thành phố đến tham quan và rất hài lòng trước thành quả bước đầu của trang trại này. Thế nhưng những năm sau đó, cây ra rất ít quả, thậm chí có vụ không hề có một quả và cứ thế còi cọc dần giữa cái nắng như thiêu như đốt. Bò đàn thiếu sự chăm sóc, thiếu thức ăn, ốm yếu dần. Tình trạng thu không bù nổi chi diễn ra gay gắt. Không chịu thấu tình cảnh nợ nần, ông chủ trẻ này đành bán đổ bán tháo cơ ngơi đã dày công gây dựng với số vốn hàng tỷ đồng, gom tiền về Hòa Khánh mua nhà chuyển nghề.
Trang trại nuôi đà điểu đang bị thua lỗ nặng. |
Rồi trang trại của Công ty TNHH Tân Phú Lâm, cơ ngơi khá bề thế ở thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn, nổi danh một thời, nay không ai nhắc đến bởi hiện tại chỉ lèo tèo vài ba hoạt động cho người trông coi đủ sống. Ngày khởi dựng, với 38ha, trang trại này ưu tiên trồng rừng. Giữa khu rừng bạt ngàn ấy là trại chăn nuôi gà, heo, nuôi trồng thủy sản xây dựng rất bài bản.
Đã có thời điểm Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm đầu tư vào đây hàng chục nghìn con cá diêu hồng để phát triển mô hình. Nhưng rồi, tất cả đều quay về con số không, sau khi lĩnh vực nào cũng thua lỗ nặng. Rừng keo xơ xác sau bão, gà bị dịch bệnh, cá không còn nước để nuôi. Tại Khu chăn nuôi tập trung Diêu Phong, cơ ngơi đầu tư hàng trăm triệu đồng của ông Trần Văn Độ cũng đã hoang phế do nuôi heo công nghiệp liên tiếp thua lỗ. Gần đó, trang trại nuôi gà công nghiệp của ông Huỳnh Di, 4 dãy chuồng trại bỏ không nhiều tháng nay...
Có thể liệt kê ra những trang trại đầu tư hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng từng là niềm tự hào của ngành nông nghiệp Đà Nẵng nay đang bên bờ vực phá sản. Trước hết là trang trại nuôi hơn 1.200 con đà điểu của Công ty TNHH Minh Hưng ở thôn Hòa Xuân, xã Hòa Phú với vốn đầu tư ước gần 40 tỷ đồng. Có giai đoạn, đây là điểm sáng về kinh tế trang trại ở Đà Nẵng với loài vật nuôi mới. Hàng chục đoàn cán bộ từ Trung ương đến thành phố đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Thế nhưng hiện tại, tình cảnh ở trang trại này quá bi đát. Đà điểu chết dần chết mòn. Số còn lại không được chăm sóc chu đáo do thiếu thức ăn và cả nhân công. Công nhân không có lương nghỉ việc.
Doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Người dân quanh vùng liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm do đà điều chết chôn không đến nơi đến chốn. Tương tự, trang trại của Công ty TNHH Mười Ánh chuyên nuôi ba ba, bò thịt, trồng rừng, cây ăn quả tại thôn An Châu, xã Hòa Phú cũng lâm vào cảnh thua lỗ triền miên. Nay ba ba chỉ nuôi cầm chừng, số lượng chỉ bằng 1/10 so trước đây, bò không còn một con. Khu vực trồng hoa và nuôi giun quế đã cáo chung từ lâu. Gần đó, cơ sở nuôi cá lồng bè của hộ ông Lê Minh thất thu gần 1 tỷ đồng sau vụ hơn 30 tấn cá diêu hồng bỗng dưng chết hàng loạt. Nay nước hồ Đồng Tréo cạn khô, cơ sở này phải chở cá vào Quảng Nam thuê hồ nuôi để gỡ gạc chút đỉnh.
Còn khá nhiều trang trại quy mô lớn ở Đà Nẵng, chủ nhân đang mất ăn mất ngủ vì thua lỗ. Hàng chục trang trại quy mô nhỏ hơn không khá hơn là mấy, đa số phải thu hẹp quy mô, sản xuất cầm chừng. Có thể nói, kinh tế trang trại ở Đà Nẵng đang đối mặt với thực trạng rất nghiệt ngã, đó là đầu tư càng lớn, càng bị thua lỗ nặng.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu