Kinh tế Việt Nam: Nhiều rủi ro do chậm tái cơ cấu

(PLO) - Báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 2/12 bên cạnh nhận định sự tích cực về triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam cũng chỉ rõ nhiều rủi ro xuất phát từ tốc độ tái cơ cấu chậm.
Bộ Xây dựng vẫn muốn các doanh nghiệp như Lilama tiếp tục là “doanh nghiệp trực thuộc”
Xuất khẩu tăng trưởng tuyệt vời
Theo Báo cáo, kinh tế Việt Nam đã đối phó khá tốt trước những biến động môi trường kinh tế bên ngoài nhờ tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt. Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục tăng và đạt 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tốc độ tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2014 là 6,0%). 
Kết quả khả quan này đạt được nhờ tỉ lệ lạm phát thấp và niềm tin của người tiêu dùng cải thiện đã thúc đẩy tiêu dùng cá nhân; đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như chi đầu tư phát triển của Chính phủ gia tăng; tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng trở lại… Báo cáo cũng cho biết, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng. 
Về ngoại thương, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục được duy trì, với tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 120 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kì năm ngoái. Mức tăng trưởng này được các chuyên gia của WB nhận định là “tuyệt vời”, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình khoảng 2,8% của thế giới. Theo WB, mức tăng này chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính.  
WB cho hay, triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam được đánh giá là tích cực. Dự kiến đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Theo đó, GDP dự kiến sẽ tăng 6,5% trong năm 2015 và năm 2016 là 6,6%. “Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kì trung hạn của Việt Nam” - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định. 
Rủi ro từ tái cơ cấu… từ từ
Trong bức tranh kinh tế tổng thể với gam màu sáng, Báo cáo của WB đặc biệt lưu ý quá trình tái cơ cấu vẫn diễn ra một cách từ từ. Theo ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, mặc dù tốc độ cổ phần hoá đã có chút cải thiện nhưng nhiều trường hợp cổ phần hóa mới chỉ bán được một lượng cổ phần thiểu số nên tác động tới đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa được như mong muốn. WB cũng tỏ ra lo ngại mục tiêu cổ phần hóa 531 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 khó hoàn thành khi đến cuối tháng 9/2015 Việt Nam mới cổ phần hóa 344 doanh nghiệp nhà nước. 
Mặc dù Việt Nam đã cải thiện đôi chút thứ hạng Môi trường Kinh doanh từ vị trí 93 lên 90 trong số 189 nền kinh tế, song Báo cáo của WB cảnh báo năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang xếp dưới mức trung bình của các nước trong nhóm ASEAN-4, trong đó nổi lên các vấn đề chậm hoàn thiện khung thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh. Các bất cập thể hiện qua các tiêu chí thời gian nộp thuế, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, cấp điện và thủ tục giải quyết phá sản…
“Tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn, và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khoá sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công…” - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam lưu ý.
Theo khuyến cáo của WB, trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai. Tiếp tục củng cố tài khoá, đẩy nhanh cải cách cơ cấu và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi…
“Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam”- ông Sandeep Mahajan chia sẻ.

Đọc thêm