Kon Sơ K’ Dân với khát vọng con chữ

Chị không giữ cái chữ cho riêng mình, mà sẻ chia với tất cả con em đồng bào dân tộc trong thôn nghèo Long Lanh thuộc xã vùng sâu Đạ Chais (Lạc Dương).

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và giọng nói lưu loát của chị, tôi ngờ ngợ về cái tên Kon Sơ K’Dân. Chị cười và khẳng định mình là dân tộc Cil. Tình cờ tôi quen chị, và thật sự mến phục vì ý chí vươn lên trên con đường tìm đến con chữ của chị. Nhưng chị không giữ cái chữ cho riêng mình, mà sẻ chia với tất cả con em đồng bào dân tộc trong thôn nghèo Long Lanh thuộc xã vùng sâu Đạ Chais (Lạc Dương). Chị là người đầu tiên ngoài ngành giáo dục được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương tặng giấy khen vì có thành tích vận động học sinh ra lớp.Gian nan tìm đến con chữ
Kon Sơ K’Dân
Kon Sơ K’Dân
Hơn 20 năm về trước, cả xã Đạ Chais người đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trẻ em thường theo cha mẹ lên nương rẫy và biết đến con hươu, con nai hơn là biết đọc cái chữ. Con đường đến với xã vùng sâu này chỉ là đường rừng toàn bùn lầy và cây cối rậm rạp. Khi đó, Kon Sơ K’Dân mới chỉ là cô bé chưa biết nói tiếng Việt, nhưng khi thấy các cô giáo người Kinh vào dạy học, Kon Sơ K’Dân đã háo hức muốn được đi học ngay. May mắn thay, mẹ Kon Sơ K’Dân cũng là người hiểu biết vì làm y tế thôn bản, nên cho con gái đầu đến lớp. Những vần chữ đầu tiên làm Kon Sơ K’Dân vô cùng thích thú và con chữ theo vào tận trong giấc ngủ. Học hết cấp I, vì trong thôn không có trường cấp II, muốn học tiếp phải vượt hơn 50 km đường rừng để ra trung tâm huyện học trường DTNT huyện, nên cha mẹ bảo Kon Sơ K’Dân nghỉ học. “Học để biết đọc là đủ rồi, muốn ăn hết cái chữ hay sao mà đòi học tiếp? Con gái chỉ học vậy thôi để còn lấy chồng”, những lời mẹ nói không làm Kon Sơ K’Dân nản lòng mà khiến cô càng muốn được đi học tiếp. Vượt con đường tắt qua núi Bà, tạm xa gia đình, Kon Sơ Kon Sơ K’Dân vào học ở trường DTNT Lạc Dương. Sự nhanh nhẹn, thông minh của Kon Sơ K’Dân khiến bà Đỗ Thị Bích Liên - Chủ tịch HĐND huyện Lạc Dương trong một lần đến thăm trường chú ý. Bà đã xin trường đem Kon Sơ K’Dân về nhà nhận làm con nuôi và lo cho ăn học hết cấp II. Với sự nỗ lực cố gắng và lòng yêu con chữ, Kon Sơ K’Dân thi đậu vào trường PT. DTNT tỉnh Lâm Đồng và theo học tiếp cấp III. Xa nhà, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình nhưng Kon Sơ K’Dân vẫn quyết theo học đến cùng. Sẽ là như vậy nếu không có một biến cố xảy đến. Đang học lớp 11 thì do hoàn cảnh, nên Kon Sơ K’Dân phải nghỉ học giữa chừng và về quê lấy chồng. Những tưởng cô gái người dân tộc Cil sẽ an phận mà chăm lo gia đình như bao người con gái ở Long Lanh, nhưng ngày ngày Kon Sơ K’Dân vẫn mơ về những con chữ, ham muốn được tiếp tục đi học không khi nào nguôi trong Kon Sơ K’Dân. Đến một ngày, hạnh phúc đôi lứa của Kon Sơ K’Dân không được trọn vẹn, một mình cô vừa phải chăm sóc cho đứa con trai đầu, vừa chuẩn bị đón đứa con thứ hai sắp chào đời, nhưng mọi lo toan của cuộc sống đời thường vẫn không dập tắt ngọn lửa ham học trong Kon Sơ K’Dân. Sinh con được một tháng, Kon Sơ K’Dân gửi mẹ để ra Trung tâm tại chức Lâm Đồng vừa theo học hết cấp III vừa học lớp trung cấp văn phòng. Suy nghĩ “mình phải tiếp tục đi học” cứ đeo bám lấy Kon Sơ K’Dân mặc cho mẹ chị ngăn cản vì thấy một mình chị đã quá vất vả với hai đứa con nhỏ. Mọi cố gắng cuối cùng cũng được đền đáp, chị tốt nghiệp cấp III và hoàn thành khóa học trung cấp văn phòng loại giỏi để trở về với các con khi có một công việc ổn định tại UBND xã Đạ Chairs. Muốn tất cả trẻ em trong thôn phải biết cái chữ Sáng sớm trên đường đi làm, bắt gặp lũ trẻ nô đùa dọc đường, chị đều dừng lại và dặn “các con phải đến lớp nghe, phải đi học để biết cái chữ”. Đối với chị “con của họ cũng như con của mình, phải học để có tương lai”. Việc làm hiển nhiên ấy của chị được mọi người ủng hộ và bầu chị làm phó hội trưởng hội cha mẹ học sinh trường Mầm non Long Lanh khi đứa con trai đầu của chị đi học mẫu giáo. Từ đó, chị thường xuyên cùng thầy cô giáo trong trường đến từng nhà vận động người dân cho trẻ đến lớp. Hàng năm, trước khi vào năm học mới một tháng, chị đi đến những nhà trong thôn có con đến tuổi đi học mẫu giáo, vận động cha mẹ đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi, một việc làm không dễ khi suy nghĩ của người dân chưa quan tâm đến việc đi học mẫu giáo của con em. Khi trẻ nào bỏ học, chị cùng các cô giáo đến tận nhà và chở trẻ quay lại lớp. Có những buổi nói chuyện hàng giờ liền khi chị khuyên người dân nên cho trẻ học bán trú để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Một số người không hiểu, lấy lý do không có tiền và chửi bới chị nhưng chị vẫn nhẫn nhịn và kiên trì giải thích. Để mọi người tin lời mình nói, chị cho con trai đầu học bán trú tại Trường Mầm non Long Lanh. Vì vậy, con chị khỏe mạnh và phát triển tốt. Vào những dịp lễ hội như Trung thu, Tết thiếu nhi... chị lại đến từng nhà vận động ủng hộ một, hai ngàn để tổ chức ngày hội cho trẻ trong thôn. Hai con nhỏ dại, nhiều hôm sau khi đi làm về, chị gửi mẹ trông giùm và một mình cầm đèn đến từng nhà vận động người dân quan tâm đến việc học của con em. Vì một mình nuôi hai con nhỏ, sự vất vả càng đè lên đôi vai vốn nhỏ bé của chị, chưa bao giờ chị mất đi niềm tin, sự lạc quan khi nghĩ về việc học con chữ cho ngày mai tươi sáng. Có lẽ vì thế mà tất cả trẻ con trong thôn Long Lanh đều gọi chị là “Cô” mặc dù chị không dạy chúng ngày nào. Và những năm gần đây, tuy là một trường học vùng sâu nhưng trường Mầm non Long Lanh có tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 100%, duy trì sĩ số đạt 100% và liên tục là đơn vị đạt tập thể lao động tiên tiến. Cô Cao Thanh Xoa – Hiệu trưởng trường Mầm non Long Lanh cho biết: “Nhắc tới thành tích của trường phải kể đến sự đóng góp của chị Kon Sơ K’Dân. Nhờ chị tích cực trong việc vận động học sinh ra lớp, vận động học sinh không bỏ học, nên hàng năm trường luôn duy trì sĩ số tốt. Bà con nhờ vậy mà nhận thức được sự quan trọng của học mẫu giáo đối với con em mình”. Khát vọng con chữ của người phụ nữ Long Lanh này không dừng lại ở đó, chị đang dự định sẽ theo học khoa Ngữ văn của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh mở tại Trung tâm tại chức Lâm Đồng trong thời gian tới.
Tuấn Hương

Đọc thêm