Sáng bị tố, chiều mới gây án
Theo cáo trạng của VKS, tháng 02/2011, gia đình Hoàng Văn Tính (SN 1983, quê Lâm Đồng) thuê nhà tại khu phố 1 phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) để ở và làm nghề chế biến đậu hũ.
Hàng ngày cha mẹ Tính đi bán đậu hũ ở chợ còn Tính ở nhà một mình. Cháu Bùi Thị Ngọc (SN 2005) và cháu Nguyễn Thị Thanh (SN 2004, cùng khu phố) thường sang nhà Tính bắt mèo chơi.
Khoảng 9h00 ngày 10/4/2011,Tính đang dọn dẹp, cháu Ngọc vào hỏi: “Con mèo của cháu đâu?”. Tính trả lời: “Nó đang ở trong nhà, vào mà bắt đi”.
Bé Ngọc vào trong nhà, Tính bị cáo buộc nảy sinh ý định đồi bại. Tuy nhiên do nạn nhân còn nhỏ nên Tính không thực hiện được hành vi giao cấu đến cùng. Sau đó Tính dặn cháu bé không được nói với ai.
Đến khoảng 15h ngày hôm sau, khi Tính đang ở nhà thì cháu Nguyễn Thị Thanh đến chơi. Tính bị cho là cũng thực hiện hành vi hiếp dâm như nêu trên.
Ngày 27/4, hai cháu bé này kể lại sự việc với gia đình. Khi mẹ của hai cháu bé đến nhà,Tính bị cho là cũng thừa nhận sự việc như trên. Hai gia đình đã trình báo sự việc đến công an. Tính bị bắt ngay sau đó.
Bản án hình sự sơ thẩm hồi đầu năm 2012của TAND TP.HCM tuyên phạt Hoàng Văn Tính 15 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Ban đầu bị cáo này kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Nhưng giữa năm 2012, tại phiên phúc thẩm, Tính thay đổi yêu cầu kháng cáo, kêu oan, cho rằng không thực hiện hành vi hiếp dâm đối với hai bị hại.
Bị cáo thừa nhận chữ viết và chữ ký trong các biên bản hỏi cung, tự khai là của mình nhưng khai do cán bộ điều tra ép buộc.
Mặt khác, phiên tòa phúc thẩm cũng phát hiện nhiều vi phạm trong thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra:
Thứ nhất: Trong hồ sơ thể hiện luật sư Huỳnh Khắc Thuận (cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM) được phân công tham gia và chứng kiến việc lấy lời khai của Tính. Tuy nhiên, phía Trung tâm này khẳng định không cử luật sư Thuận tham gia vụ án này và cũng không nhận được đề nghị của cơ quan điều tra về việc cử luật sư đi.
Sau đó luật sư Thuận đã có văn bản báo cáo: “Trung tâm không cử tôi tham gia vụ án. Tôi chỉ tham gia với tư cách người chứng kiến việc lấy lời khai”.
Thứ 2: Trong vụ án này, Luật sư Thuận còn tham gia với tư cách luật sư chứng kiến việc lấy lời khai của ba người cùng một lúc: Hai cháu bé bị hại và Tính. Tuy nhiên, tại phiên tòa, mẹ của hai cháu bé cũng khẳng định không biết luật sư Thuận là ai.
Thứ 3: Hai người mẹ của hai bị hại có 4 đơn tố giác trình báo tội phạm vào các ngày 11, 23, 27/4. Trong đó, cáo trạng và bản án sơ thẩm đều xác định đến ngày 27/4, các bé gái mới kể lại sự việc cho mẹ của mình nghe.
Mặt khác, cáo trạng xác định, khoảng 15h ngày 11/4/2011 Tính phạm tội với cháu Thanh, nhưng sáng đó mẹ nạn nhân đã có đơn tố giác hành vi của Tính. Chẳng lẽ có loại máy móc đi ngược thời gian? Phức tạp hơn, hồ sơ lại thể hiện Tính bị bắt lúc 13h chiều, nghĩa là trước khi sự việc được tố giác 2 tiếng.
Từ những đánh giá phân tích trên, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao vụ án cho VKS thụ lý lại.
Từ đó đến nay, kỳ án này đã trải qua hơn 10 lần hoãn xử, trả hồ sơ. Trước đó, cuối năm 2014, Đoàn giám sát án oan sai của Quốc hội làm việc tại TP.HCM đã chất vấn lý do vụ án Hoàng Văn Tính bị truy tố tội hiếp dâm trẻ em, trải qua nhiều lần mở phiên tòa nhưng tại sao vẫn chưa có kết quả? Đại diện TAND TP.HCM cho biết vụ án đang được điều tra lại do có nhiều vấn đề cần làm rõ.
Phiên tòa căng thẳng
Ngày 23/5 TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên xử sơ thẩm với bị cáo Tính về tội Hiếp dâm trẻ em. Trong 4 năm, đây là lần thứ 13 phiên tòa được mở ra sau nhiều lần hoãn, trả lại hồ sơ.
Phiên tòa kéo dài cả ngày trong không khí vô cùng căng thẳng,
Chủ tọa: Bị cáo có quen biết gia đình hai bị hại không?
Bị cáo: Bị cáo không.
-Vậy theo bị cáo thì lý do gì các bị hại, gia đình các bị hại lại tố giác bị cáo.
-Bị cáo nghĩ là họ muốn tống tiền.
-Thế khi mẹ của các bị hại sang nhà bị cáo để nói chuyện họ có yêu cầu bồi thường không?
-Không.
-Vậy căn cứ đâu để cho là họ tống tiền bị cáo?
-Bị cáo không biết, nhưng bị cáo không hề hiếp dâm hai đứa trẻ đó.
Thẩm phán: Thế khi mẹ của các bị hại đến nhà bị cáo nói chuyện, phản ứng của bị cáo như thế nào?
-Lúc đó bị cáo đang làm đậu, bị cáo thấy họ nói vậy thì bị cáo bảo “không phải” rồi quay vào trong nhà.
-Có phải lúc đó mẹ bị cáo đã ra xin lỗi gia đình hai bị hại không?
-Đúng.
-Theo tâm lý chung của mọi người, nếu không làm họ sẽ phủ nhận và yêu cầu đối chất để bảo vệ danh dự của mình.Tại sao bị cáo lại bỏ vào trong nhà, để mẹ mình ra xin lỗi
Bị cáo này “bật” lại tòa: “HĐXX phải đưa ra chứng cứ, không được suy diễn”.
Suốt quá trình xét hỏi, bị cáo này liên tục ngắt lời HĐXX, Đại diện VKS, nhiều lúc không ngại cãi tay đôi, khiến nhiều lần chủ tọa nhắc nhở: “HĐXX đang hỏi bị cáo không được ngắt lời”, thậm chí phải lớn tiếng: “Yêu cầu bị cáo dừng lại, Kiểm sát viên đang hỏi”.
Dưới khán phòng, người nhà của bị cáo cũng thể hiện sự bức xúc, khi liên tục lớn tiếng cho rằng con của mình bị oan, bị vu khống, khiến lực lượng bảo vệ phiên tòa phải mời mẹ và em của bị cáo ra khỏi phòng xử để HĐXX tiếp tục làm việc.
Chủ tọa, đại diện VKS, thẩm phán và các hội thẩm nhân dân nhiều lần phải dừng phiên tòa giải thích cho bị cáo và người nhà của bị cáo: “HĐXX đang làm việc, sẽ căn cứ vào kết quả thẩm tra chứng cứ và những tranh luận tại tòa, bị cáo phải bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của HĐXX, không được kích động”.
Khi được chủ tọa mời vào để lấy lời khai, mẹ bị cáo cho rằng: “Hàng ngày Tính phải dậy từ 5h30 để chở bố mẹ, em trai đi bán đậu. 11h30 cả nhà tôi mới về đến nhà, ăn cơm ngủ một giấc ngắn là lại phải dậy để làm. Gia đình tôi lúc nào cũng có ít nhất hai người ở nhà, không có thời gian trống nào để Tính có thể hiếp dâm hai cháu bé”.
Cuối buổi chiều, trong phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị phạt Hoàng Văn Tính 7 - 9 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”. Tuy nhiên luật sư bào chữa lại đề nghị tòa tuyên bị cáo vô tội, do không đủ căn cứ buộc tội.
HĐXX tuyên bố do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, nên sẽ nghị án kéo dài, sẽ tuyên án sau.