Sức sống mãnh liệt
Theo các cụ cao niên kể lại, khi còn nhỏ các cụ đã thấy cây đa đứng sừng sững ở đầu làng, không ai biết cây đa có từ bao giờ, vì sao có tới 13 gốc?
Là cây cổ thụ thân lớn nhưng chiều cao của cây khá khiêm tốn, chỉ khoảng 10m. Chính vì thế mà có nhiều sự tích được truyền miệng trong dân gian lý giải chiều cao của cây. Tương truyền, trong trận đánh quân Nam Hán xâm lược, Hai Bà Trưng đi qua vùng đất này thấy gốc đa xanh tốt, rợp bóng nên Hai Bà đã cột voi vào gốc đa để nghỉ. Do tham gia chiến trận, voi bị đói đã dùng vòi bẻ ngọn đa để ăn.
Từ đó, cây đa chỉ phát triển về chiều ngang, không phát triển về chiều cao, không có ngọn như bây giờ. Có truyền thuyết cho rằng cây đa xòe tán rộng để che chở cho các vong hồn không có nơi nương tựa.
Cùng với sự phát triển của lịch sử, cây đa 13 gốc cũng trải qua bao thăng trầm, biến cố. Xưa hứng chịu sự tàn phá ác liệt của bom đạn chiến tranh, nay lại chịu sự tác động của quá trình đô thị, xóm Trại từ làng quê yên bình thành phố phường đông đúc.
Nhưng tất cả điều đó không ngăn được sức sống mãnh liệt của cây đa, 13 gốc đa vẫn không ngừng vươn xa, tỏa bóng xuống giếng làng, nơi cất giấu biết bao kỷ niệm của các thế hệ người dân xóm Trại.
Càng kỳ lạ hơn khi 13 gốc đa đều to lớn, thẳng tắp như những chiếc cột đình, gốc đa chính lớn nhất, có chu vi lên tới 8,2m; 12 gốc còn lại trổ ra quanh gốc chính cũng to không kém.
Theo số liệu đo đạc của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, tổng chu vi của 13 gốc đa lên tới 30m. Những gốc - thân đa được nối với nhau bằng các cành có đường kính gần một mét, đan xen vào nhau. Hai rễ trụ gần như hai chiếc cột cửa khổng lồ che chắn cho ngôi miếu nhỏ, nằm lọt thỏm cạnh gốc chính tạo vẻ huyền bí của ngôi miếu cùng cây đa 13 gốc.
Cây đa di sản
Theo quan niệm của người Việt xưa, những gốc đa cổ thụ thường thờ những vị thần. Dưới cây đa 13 gốc nhân dân trong vùng lập miếu thờ.
Ông Phạm Đức Thiết – Trưởng ban Quản lý cảnh quan cây đa 13 gốc cho biết, chiếu theo các dòng chữ Hán Nôm trên bia đá đặt trong miếu thì ngôi miếu dưới gốc đa được dân làng thờ đức Thổ Vượng - vị thần trấn giữ làng Trại xưa. Miếu thờ dưới gốc đa còn thờ các quan, thờ cô và cậu.
Hàng năm, người dân nơi đây mở hội vào các ngày 14, 15, 16 tháng giêng tại miếu An Đà, đình Nam Pháp và miếu cây đa... để tưởng nhớ đến công ơn của các ngài. Ngoài ra, vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng, dân làng thường ra miếu đức Thổ Vượng thắp hương cầu mong may mắn, cầu khấn cho linh hồn không nơi nương tựa được siêu thoát…
Ngày 9/02/2014 Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã chính thức trao Bằng, gắn bia vinh danh và công nhận cây đa 13 gốc là “Cây di sản Việt Nam”.
Trước đó, vào năm 2011, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tiến hành nghiên cứu đã xác định cây đa cổ thụ 13 gốc đã được 304 tuổi. Đến khi được công nhận và vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”, cây đa đã được 307 tuổi.