Sau đó, già Mạnh ra lệnh cho thanh niên cắt tiết ngan rồi thả nó xuống mó nước. Lúc này thanh niên, trẻ con lập tức thực hiện nghi thức té nước… Đó là màn lễ cầu mưa độc đáo của người Tày ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).
Huyện Trùng Khánh là một huyện biên giới phía đông của tỉnh Cao Bằng, là địa phương có đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Nơi đây còn lưu giữ nhiều lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc của người Tày, Nùng vùng Đông Bắc như lễ hội lồng tồng, lễ hội tung còn, lễ hội hát lượn, tục thách cưới, tục “khai bươn” khi con đầy tháng tuổi… Trong đó, phải kể đến tục cầu mưa của người Tày, một trong những tục lệ quan trọng nhất vào tháng 5 – 6 âm lịch khi hạn hán kéo dài, không có nước cấy lúa.
Vượt qua những con đường quanh co, uốn lượn qua những chân núi, chúng tôi đã có dịp được chứng kiến lễ “tế tiết ngan cầu mưa” của đồng bào Tày ở xóm Bản Khuông. Trò chuyện với già làng Nông Văn Mạnh (65 tuổi) – người có uy tín nhất xóm, chúng tôi đã khám phá ra nhiều điều độc đáo, thú vị về tục cầu mưa của người Tày nơi đây.
Già Mạnh cho hay: “Tục cầu mưa đã bắt nguồn từ xa xưa. Hồi còn nhỏ, tôi còn được người già kể lại rằng: Vào một năm nọ, nơi này xảy ra hạn hán rất lâu, không có nước, hoa màu, vạn vật đều bị chết khô. Vì vậy, bà con đã tụ tập lại, bàn nhau làm thế nào để có mưa xuống cho muôn loài được sinh sôi, nảy nở. Nhưng bàn nhau mãi không được, do không có dòng họ nào dám đứng lên xin “Phả” (trời) cho mưa xuống.
Ngay tối hôm đó, một thanh niên trong làng nhà nằm ngay đầu nguồn nước đã gặp một giấc mộng kỳ lạ. Trong giấc mơ đó, tại mó nước chảy ra bỗng dưng có một vị thần hiển linh với vầng sáng hào quang trên đầu và nói với thanh niên này rằng, nếu muốn trời đổ mưa thì hãy dọn dẹp rồi ngăn dòng nước chảy, sau đó thắp hương, cắt tiết ngan xuống mó nước này và mọi người cùng té nước tung tóe, cuối cùng thì xả nước đi. Làm như lời ta dặn, trời sẽ đổ mưa to, nước đầu nguồn sẽ chảy ra gấp nhiều lần.
Sau khi tỉnh dậy, người thanh niên đó đã kể lại giấc mơ kỳ lạ này cho gia đình, hàng xóm. Câu chuyện nhanh chóng lan ra khắp làng. Giữa lúc bí bách, không còn cách giải quyết nào khác, cuối cùng dân làng cũng bàn họp nhau lại và thử làm như những gì mà người thanh niên gặp trong giấc mơ.
Không ngờ, sau khi làm xong xuôi mọi việc thì ngay trong ngày hôm đó mây đen kéo đến cuồn cuộn, sấm chớp nổ vang ầm ầm, gió thổi mạnh làm nhiều cây cối nghiêng ngả, trời bắt đầu đổ mưa xuống xối xả. Từ đó, câu chuyện này được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, hễ có năm nào trời hạn hán kéo dài, dân làng chúng tôi lại tổ chức làm lễ cầu mưa với hi vọng mưa thuận gió hòa, trời đổ mưa xuống để có nước cấy lúa”.
|
Dân làng tế máu ngan ở đầu nguồn để cầu mưa |
Đồ lễ tế các vị thần linh gồm ngan sống để cắt tiết tế máu, thủ lợn, xôi, gà luộc, một bó hương. Bà con người Tày ở đây quan niệm như vậy mới thể hiện được tấm lòng thành kính của dân bản với trời đất, thần linh. Trong đó, ngan là con vật quan trọng nhất bởi dùng nó để vái lạy các vị thần linh và máu ngan sẽ được già làng cho hòa với nước, tượng trưng cho màu nước đỏ đục như màu mùa nước lũ. Những màn thanh niên té nước tượng trưng cho những cơn mưa lớn đang đổ xuống.
Dòng nước được ngăn lại cũng được coi như nước trời mưa xuống ngập tràn thửa ruộng. Sau màn cầu mưa, già làng mới ra lệnh cho nhóm thanh niên trong xóm xả nước trở lại nguyên vẹn như cũ. Kết thúc lễ cầu mưa, bà con cùng nhau nâng chén rượu mừng, cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, xua tan bệnh tật.
Ông Nông Lưu Đồng (51 tuổi), Trưởng xóm Bản Khuông cho biết: “Công việc tổ chức lễ hội cầu mưa cũng không cầu kỳ, phức tạp cho lắm. Các công việc chuẩn bị được giao cho từng người, người tìm mua ngan, người làm bếp, người cúng tế thổ công... Trước khi lên mó nước trên bản phải báo cáo thờ cúng, báo cáo với thổ công ở trước rồi mới lên đó làm lễ tế máu ngan cầu mưa.
Theo một số người già kể, sở dĩ phải dùng lấy máu ngan về tế các vị thần trong lễ cầu mưa là con vật này gắn với truyền thuyết hai anh em và con ngan, câu chuyện gắn với hai dòng nước trong và đục nên từ xa xưa con ngan đã gắn với mùa mưa lũ.
Làm lễ cầu mưa không quy định ngày cố định, cứ khi hạn hán kéo dài là chọn ngày đẹp để tổ chức. Để cho lễ cầu mưa thành công, không thể thiếu một thủ tục cuối cùng khi từ mó nước trở về đến bản, đó là làm lễ xin các thầy cúng tiền bối được làm tại thổ công của xóm. Thủ tục xin khá đơn giản, bao gồm một chén nước, hương và giấy trúc.
Trước hết thầy cúng thắp hương tại bàn thờ gia tiên, sau đó đặt giấy trúc, chén nước xuống một góc nhà và khấn xin. Sau đó ông bọc tờ giấy trúc lên chén nước, nếu nước trong chén không bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì việc xin phép mới linh nghiệm và lễ cầu mưa mới thành công. Cuối cùng, thầy cúng đốt tờ giấy trúc, lúc này mọi việc liên quan đến lễ cầu mưa đã hoàn thành. Đến buổi tối hôm đó, dân làng tụ tập cùng nhau uống rượu, ăn bữa cơm tại nhà văn hóa xóm để thể hiện sự đoàn kết cộng đồng, làng xóm”.
Với những nét độc đáo, khác biệt và nguyên sơ, lễ cầu mưa của người Tày đã thể hiện sự tinh túy trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Đây là tục lệ vừa mang tính tâm linh, tín ngưỡng lại vừa thể hiện sự đoàn kết, lạc quan của đồng bào dân tộc nơi đây thông qua màn té nước trong buổi lễ cầu mưa.
Theo quan niệm của người Tày, nếu có mưa thì không chỉ cây cối đơm bông kết trái mà mưa xuống còn làm dịu đi những điều phiền muộn, hiềm khích, đồng thời đem đến niềm vui cho mọi nhà. Vì lẽ ấy, người Tày vẫn duy trì tục “giết ngan cầu mưa” để gửi gắm ước mong bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.