Trước hết, nói về làng của người Xơ Đăng. Cũng như đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum, người Xơ Đăng sống thành từng làng, đây là đơn vị xã hội dân gian nhỏ nhất. Mỗi làng của người Xơ Đăng có một ranh giới nhất định, tách biệt với các làng khác. Ranh giới giữa các làng thường là một khu rừng vô chủ. Làng thường hội tụ nhiều yếu tố như có đất sản xuất, đất ở của từng hộ gia đình, đất làm kho thóc, máng nước, đất làm nghĩa địa, đất rừng chung để cả làng săn bắn, chăn nuôi, thu hái lâm sản, những khúc sông, con suối chảy qua làng...
Ông A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) - một người am hiểu về văn hoá các DTTS trên địa bàn tỉnh cho biết: Mỗi làng có một tên gọi riêng. Tên gọi làng có thể là tên gọi của người đứng ra lập làng, ví dụ như tên Ui – tên người trưởng làng có uy tín ở vùng Tơ Đrá hoặc có thể đặt tên theo đặc điểm tự nhiên trong vùng như làng Con Cheng nghĩa là làng Cây đeng hoa tím, làng Con Đui tức là làng Cây đa, làng Tơ Ma Rông nghĩa là làng Máng nước... Quan hệ giữa các làng là bình đẳng với nhau, nhiều làng trong vùng còn kết nghĩa với nhau để xây dựng mối đoàn kết giao hảo.
Xưa kia, người Xơ Đăng coi làng là khu dân cư tập trung phòng thủ kiên cố, rào kín xung quanh, có hào sâu, đặt bẫy, chông để bảo vệ làng trước thú dữ và kẻ thù bên ngoài. Mỗi làng chỉ có một số cổng ra vào nhất định, cổng chính án ngữ đường đi thường quay ra phía cửa rừng, được bảo vệ cẩn mật.
Ngày trước, người Xơ Đăng có tập tục rào làng. Việc rào làng này không phải để phòng thủ mà nhằm mục đích “để cho con ma, con quỷ không vào phá làng, lấy lúa, để con sâu, con mối không phá lúa giống đã tỉa”…, nói chung là ngăn cản những thế lực xấu theo tín ngưỡng tâm linh của người Xơ Đăng.
Ngày nay, do những yếu tố tác động từ ngoại cảnh và thay đổi trong nếp sống của người Xơ Đăng chỉ còn rất ít làng duy trì tập tục này, tiêu biểu là ở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông).
Theo tài liệu nghiên cứu tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum, phong tục rào làng của đồng bào Xơ Đăng thường được tổ chức vào tháng 5, 6 dương lịch. Tuy nhiên, tùy theo từng làng mà việc rào làng được thực hiện hằng năm hoặc 3 năm một lần.
Có làng, việc tổ chức rào làng khi trong làng có nhiều người chết hoặc bị ốm đau, mùa màng thất bát. Có những làng lại quan niệm khi trong làng có những người “chết xấu” như chết do tự tử hoặc phạm tội, làng không thương tiếc, chỉ quấn chiếc chiếu rồi đưa vào rừng mai táng; chôn xong không ai quay lại đó nữa. Những người đưa đám khi về cũng không đi đường cũ mà tìm đường khác để về vì sợ con ma đi theo và khi về đến làng, họ lập tức tổ chức lễ rào cổng làng để con ma không có đường tìm vào.
|
Nhưng cũng có làng cứ phải đợi đủ 3 năm người dân mới tiến hành rào làng bất kể trong làng có xảy ra biến cố gì, kể cả khi trong làng có người ngủ mơ thấy điều xấu xảy ra đối với làng mình, hôm sau lập tức báo cho già làng biết về những gì mình đã mơ thấy, nhưng cũng phải chờ đủ 3 năm họ mới làm.
Để tổ chức lễ rào làng, già làng sẽ tiến hành chọn ngày và được sự thống nhất của cộng đồng làng. Lễ vật mà người dân chuẩn bị bắt buộc phải có cua, cá và trứng gà sống, tùy từng làng mà có số lượng khác nhau.
Lễ rào làng thường được tổ chức trong 2 ngày. Ngày thứ nhất các thành viên được phân công vào rừng chặt các loại cây như gỗ, lồ ô, dương xỉ về làm cổng, làm hình nộm - công việc này thường dành cho đàn ông. Còn phụ nữ thường được phân công ra sông, suối bắt cua, cá và chuẩn bị các món ăn để cúng thần linh và để cả làng ăn uống. Sau khi mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, ngày thứ ngày thứ 2, dân làng sẽ tiến hành làm cổng và rào làng.
Trước khi tiến hành làm lễ rào làng, nếu trong làng có người lạ hoặc người ở làng khác đến chơi thì dân làng nhất định phải chờ cho khách ra khỏi làng và mọi thành viên trong làng mình tập trung đầy đủ thì mới rào. Bởi, nếu không chờ cho khách về thì khi rào làng xong họ sẽ không được ra khỏi cổng làng. Tất cả lối đi của làng từ đường đi rừng; đường đi rẫy; đường đi sang làng khác... đều được làm cổng, xung quanh làng thì được bao bọc bằng dây lạt được chẻ từ cây nứa và treo thòng lọng. Các cổng phụ thì được làm đơn giản, riêng cổng chính thì được làm công phu hơn, được trang trí hình người bằng cây dương xỉ, tay cầm giáo đứng gác cổng gọi là tượng cổng làng.
Với người Xơ Đăng, tượng cổng làng không chỉ được xem như một vị thần bảo vệ làng, chống lại tà ma về làng gây nhũng nhiễu cho người dân mà còn là biểu tượng cho sức mạnh của làng. Người làng khác khi đến làng Xơ Đăng thấy làng có tượng cổng làng họ rất kính nể, mến phục. Vì thế, tượng cổng làng được xem là một biểu tượng thiêng liêng và đã ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của bao thế hệ người Xơ Đăng.
Sau khi công việc rào làng thực hiện xong, già làng sẽ đứng tại cổng chính của làng và khấn mời thần linh chứng giám phù hộ cho dân làng được khỏe mạnh, làm ăn được mùa, không để con ma, con quỷ vào phá làng, gây ốm đau, bệnh tật và cái chết cho dân làng.
Sau khi rào làng, mọi thành viên trong làng không được ra ngoài và những người ngoài cũng không được vào làng; vì làm vậy có thể mang những điều xấu, điều không may đến cho dân làng. Nếu vi phạm họ sẽ gặp những điều xấu hoặc sẽ bị phạt theo lệ làng.
Có thể thấy, việc tổ chức lễ rào làng thực ra là cách để người Xơ Đăng cúng cầu an, mong bình yên, hạnh phúc, mùa màng thuận lợi và những điều tốt đẹp đến với dân làng. Đồng thời, qua đây, người dân trong mỗi cộng đồng làng sẽ thể hiện tinh thần đoàn kết, thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ làng quê.