Kỳ công chuẩn bị đường đua F1 ở quốc đảo Singapore

(PLO) - Hà Nội vừa công bố đăng cai giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1) từ trung tuần tháng 4/2020, trở thành thành phố thứ 22 trên thế giới đăng cai giải đua này. 
Các tay đua tại giải Singapore F1 Grand Prix năm 2009
Các tay đua tại giải Singapore F1 Grand Prix năm 2009

Hợp đồng tổ chức giải đua được ký 10 năm và sẽ gia hạn vào năm thứ 8. Đường đua được xây dựng dựa trên đường phố có sẵn tại khu Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) dài hơn 5,5 km. Thời gian diễn ra chặng đua chính khoảng 4 tiếng. Bên cạnh chặng đua chính, một số sự kiện song hành cũng được tổ chức kéo dài trong 7 ngày để người dân tham gia, như: diễu hành, trưng bày xe đua, biểu diễn công nghệ tháo lắp lốp...

Theo kết quả khảo sát đánh giá toàn diện địa điểm tổ chức của nhóm chuyên gia F1, khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình có sẵn một số hạ tầng phục vụ cho thể thao, và là phương án tối ưu để tổ chức giải đua. Địa điểm này cũng phù hợp quy hoạch là khu vực để tổ chức các sự kiện thể thao quy mô quốc gia và thế giới. 

Theo phong cách thiết kế thường thấy, đường đua Mỹ Đình dài 5,565km gồm 22 góc cua, kết hợp từ tốc độ cao tới trung bình cùng đoạn đường thẳng dài. Đoạn đường thẳng chính được dự tính dài tới 1,5km, nơi tốc độ đoàn đua có thể được đẩy tới 335km/h. 

Các chuyên gia của giải đua F1 cũng như giám sát giải đua F1 đã nhiều lần đến Hà Nội và kiểm tra thực tế vị trí đường đua. Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) cũng đã cấp chứng chỉ hạng 1 - cấp cao nhất được cấp với một đường đua F1 - cho đường đua Mỹ Đình. FIA cũng khẳng định đường đua Mỹ Đình đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, và hoàn toàn đủ khả năng tổ chức giải đua F1. 

Nhìn sang một nước lân cận, có thể thấy giải F1 được tổ chức tại Singapore từ năm 2008. Tháng 9/2013, nước này lần thứ 6 đăng cai cuộc đua đêm với chặng đường 5,067 km vòng quanh Vịnh Marina. Từ 4 tháng trước đó, một đội ngũ nhân lực gồm 25.000 người đã bắt đầu quá trình chuẩn bị để biến một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới thành trường đua tiêu chuẩn quốc tế.

Tất cả các cơ sở hạ tầng liên quan được vận chuyển từ một nhà kho rộng 38.000 m2 nằm ở phía đông quốc đảo. Đó là hàng nghìn trang thiết bị bao gồm các rào chắn bêtông, các hàng rào, dây cáp, cầu tạm, quầy bán vé và nhà vệ sinh lưu động. Tổng cộng có gần 4.400 rào chắn an toàn và 10 km hàng rào lưới cần được thiết lập.

Một chất kết dính polymer được bổ sung trên mặt đường đua để tăng 20% độ bám cho các phương tiện và các công đoạn sửa chữa cần thiết được tiến hành để đảm bảo phù hợp với cuộc đua F1. Đường đua này có tuổi thọ dự kiến cao hơn 5 năm so với mặt đường thông thường.

Một góc khán đài của trường đua F1 Vịnh Marina, Singapore.
Một góc khán đài của trường đua F1 Vịnh Marina, Singapore.

Một tuần trước khi giải khởi tranh, 650 tấn thiết bị của các đội đua được vận chuyển tới Singapore bằng đường hàng không và đường biển. Bốn ngày trước giờ G, loạt đường phố đầu tiên ở khu vực Vịnh Marina bắt đầu được phong tỏa. Toàn bộ các con đường trong khu vực này bị cấm ít nhất một giờ trước mỗi lần đua và chỉ một số phương tiện có giấy phép liên quan mới được đi vào.

Lệnh cấm đường sẽ dần được gỡ bỏ khi cuộc đua kết thúc sau ba ngày tổ chức. Các cơ sở hạ tầng tạm thời như rào chắn, pano quảng cáo, các tòa nhà, bắt đầu được tháo dỡ ngay sau cuộc đua nhưng công việc này phải mất tới một tháng mới hoàn tất.

Trong thời gian đầu sau khi giải F1 được đưa về Singapore, công tác chuẩn bị thường diễn ra suốt ngày đêm nhưng những năm sau đó, khi đã tích lũy được kinh nghiệm, phần đa nhân lực chỉ làm việc 5 ngày, 40 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, các nhà tổ chức cho biết họ vẫn chỉ có khoảng một tháng trước khi bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc đua vào năm sau.

Trường đua F1 đòi hỏi gần 110.000 mét dây cáp điện, 240 cột thép và gần 1.600 máy chiếu sáng. Tất cả phải được lắp đặt trong vòng 3 tháng. Lượng điện cần thiết là 3.180.000 watt với cường độ ánh sáng khoảng 3.000 lux, gấp 4 lần ánh sáng ở hầu hết các sân bóng đá. 

Toàn bộ tuyến đường, gồm cả những khu vực an toàn ngoài đường đua, cũng phải được thắp sáng liên tục. Hệ thống đèn được sử dụng cần giảm thiểu tối đa độ chói và phản quang từ các bề mặt ẩm ướt hoặc bụi nước tỏa ra từ xe khi trời mưa.

Nếu một trong 12 máy phát điện bị hỏng, một máy phát phòng bị sẽ được kích hoạt. Mỗi máy phát do một kỹ sư riêng phụ trách để sẵn sàng giải quyết mọi sự cố ngay lập tức.

Ngoài đường đua, các nhà tổ chức còn phải bố trí hoạt động giải trí cho khán giả giữa không gian công cộng rộng 700.000 m2. Năm 2012, Singapore đã chi hơn 3 triệu USD để thuê 40 nhóm nghệ sĩ, từ các ban nhạc đến nhóm nhào lộn, biểu diễn tại 6 sân khấu.

Khán đài trong chặng đua F1 tại Monaco
Khán đài trong chặng đua F1 tại Monaco

Các fan cũng cần được đáp ứng nhu cầu ăn uống, vì thế 6 - 10 ngày trước sự kiện, các hàng quán bắt đầu được dựng lên tại trường đua, trong khi 15 công ty an ninh cùng tham gia bảo đảm cho sự kiện diễn ra suôn sẻ và an toàn. 

Để các fan đi lại dễ dàng, ban tổ chức cũng bố trí xe buýt đưa đón, trạm dừng taxi và các đường hầm đến 6 ga tàu điện ngầm mà trường đua đi qua.

Trường đua Vịnh Marina là trường đua có 23 điểm rẽ chậm thứ hai sau trường đua Monaco, với vận tốc trung bình 172 km/h. Các tay đua chỉ lên ga kịch sàn khoảng 46% mỗi vòng đua. Họ sẽ hoàn thành 61 vòng của cuộc đua trong chưa đầy hai giờ, dưới nhiệt độ 30 độ C và độ ẩm 70%.

Giá vé của giải F1 lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam - một trong những yếu tố được nhiều người hâm mộ quan tâm nhất hiện chưa được tiết lộ. Dự kiến đến tháng 4 năm sau, đơn vị tổ chức mới công bố thông tin này.

Hiện tại, đa phần các chặng đua F1 trên thế giới đều bán 3 hạng vé xem được trong 3 ngày diễn ra cuộc đua, gồm vé tiêu chuẩn (General Admission), vé khán đài (Grandstand) và vé được ngồi khu riêng, có phục đồ ăn, uống, chỗ đỗ xe, lối đi riêng... (Hospitality). Sau vài năm khá ổn định, giá vé xem F1 đang có xu hướng tăng.

Ở mùa giải gồm 21 chặng đua năm nay, giá vé trung bình vào khoảng 417 USD. Hai nơi có mặt bằng vé rẻ nhất hiện là Trung Quốc (160 USD) và Nga (241 USD), trong khi đắt nhất là chặng ở Abu Dhabi (632 USD) và Monaco (850 USD). Bình quân giá vé năm nay tăng lên nhiều khả năng do chặng đua F1 có giá vé rẻ nhất tại Malaysia không còn nữa và Pháp, Đức bổ sung thêm các mức vé hạng trung.

Mùa giải F1 2018 chỉ còn hai chặng tại Abu Dhabi và Brazil là kết thúc. Hiện tại, website chính thức của Formula One mới mở bán vé của 7/19 chặng đua năm sau, gồm Australia, Azerbaijan, Áo, Đức, Hungary, Bỉ và Singapore.

Từ nay đến 15/11, nếu mua suất vé sớm (Early Bird) chặng đua năm sau tại Singapore, người hâm mộ có thể được giảm giá đến 30%. 

Trước khi dừng đăng cai giải đua xe F1 từ năm 2018, một quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia có giá vé rẻ nhất thế giới. Một vé General Admission tại chặng đua này khoảng 24 USD trong mùa giải 2017, vé Grandstand là 67 USD.

Nghiên cứu về khả năng chi trả của người dân địa phương diễn ra chặng đua F1, một kết quả cho thấy dù là nơi có giá vé cao nhất, Monaco lại là nơi người dân dễ mua nhất khi một vé này chiếm chưa đến 2% thu nhập. Người dân Nhật, Canada, Áo, Australia cũng có thể dễ dàng xem trực tiếp giải đua này vì giá vé ít hơn 3% thu nhập hàng tháng.

Trái lại, Brazil, Mexico và Azerbaijan là những nơi người dân khó có điều kiện tiếp cận nhất. Tại Azerbaijan, một vé General Admission chiếm khoảng một nửa thu nhập mỗi tháng, tại Mexico là 33,2% và 25,7% tại Brazil.