Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Cần thông báo công khai kết quả giải quyết khiếu nại trong các buổi tiếp dân

Chiều ngày 15/11, Quốc hội tổ chức thảo luận ở hội trường về dự án Luật khiếu nại. Đại biểu Phan Văn Tường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đã có ý kiến tham gia thảo luận.

Chiều ngày 15/11, Quốc hội tổ chức thảo luận ở hội trường về dự án Luật khiếu nại. Đại biểu Phan Văn Tường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đã có ý kiến tham gia thảo luận.

Về cơ bản đại biểu Phan Văn Tường nhất trí với nội dung của Dự án luật, ngoài ra cũng góp ý kiến cụ thể vào 3 nội dung sau:
Một là tại Mục 1 chương 3 của Dự thảo Luật về giải quyết khiếu nại, nên thay bằng trách nhiệm giải quyết vì: dùng từ trách nhiệm để thống nhất giữa các Luật, đặc biệt là các Luật mới ban hành như Luật CBCC, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước; tránh tình trạng nhường quyền chia quyền hoặc thực hiện quyền chưa tích cực, tự giác khi được pháp luật giao quyền giải quyết khiếu nại đối với các tổ chức, cá nhân. Đại biểu Phan Văn Tường cho rằng đây chính là nguyên nhân của tình trạng khiếu nại kéo dài và khiếu nại đông người đang diễn ra trong thực tế. Đại biểu cũng đề nghị cần xác định trách nhiệm thuận lợi cho công tác giám sát, kiểm tra của nhân dân và các cơ quan dân cử, nên quy định trong dự thảo luật về vấn đề này theo hướng người có thẩm quyền cần có trách nhiệm đến cùng các quyết định , hành vi hành chính của mình và phân định trách nhiệm đúng - sai, trách nhiệm liên đới, quyết định của cấp dưới, vì như vậy mới thể hiện được tính chiến đấu, trách nhiệm của công dân bảo vệ pháp luật và năng lực chuyên môn của cấp trên. Cũng vì vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định chương này nhằm xác định trách nhiệm của người có danh tính cụ thể giải quyết khiếu nại trong phạm vi quyền hạn được giao.

Thứ hai là về khiếu nại đông người. Theo đại biểu Phan Văn Tường, không nên giữ ý 5, Điều 10 “Trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại và cùng một nội dung thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn cho người viết đơn để được giải quyết” mà nên giữ nguyên ý 4, Điều 61 “cử đại diện để trình bày với người tiếp công dân trong trường hợp có nhiều người khiếu nại ở cùng một nội dung”. Như vậy vừa thuận tiện cho người tiếp công dân, nơi tiếp công dân và nhất là tạo điều kiện cho công dân. Qua thực tiễn diễn biến và xu hướng của khiếu nại đông người trong các nguyên nhân, Chính phủ đã đánh giá một phần bất cập thay đổi về chính sách chủ yếu là về đất đai. Nguyên nhân này đúng, song không phải là chủ yếu vì chính sách chỉ áp dụng trên cả nước, nhưng trong tình hình từng tỉnh và cả nước không phải khiếu nại đông người tăng theo tỷ lệ thuận với việc thu hồi giải phóng mặt bằng mà theo tôi chủ yếu là do trách nhiệm như nêu ở phần trên. Một lý do khác là do nhận thức của một số người dân về pháp luật, về chính sách còn hạn chế, rất có nhu cầu được tư vấn giúp đỡ trong quá trình đỏi hỏi quyền lợi mà hơn ai hết là những người cùng trong cảnh ngộ chia sẻ và cảm thông. Sự trì trệ đùn đẩy của hệ thống bộ máy mà cần lấy số đông ở thời điểm nhạy cảm để tạo áp lực giải quyết cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại đông người. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu, xu thế chính dẫn đến khiếu nại đông người hiện nay. Đại biểu Phan Văn Tường cho rằng không nên cấm mà nên xây dựng một quy định về người đại diện, điều kiện cần và đủ để người đại diện khiếu nại, không chỉ tạo điều kiện cho công dân mà còn là hình thức gián tiếp tư vấn pháp luật của nhà nước.
Thứ ba là về chương IV, việc tổ chức tiếp công dân được đề cập từ Điều 57 đến Điều 64 quy định về trách nhiệm, trụ sở, thời gian, hành vi bị cấm xử lý vi phạm. Đại biểu Phan Văn Tường đề nghị bổ sung thêm trình tự và nội dung cơ bản của buổi tiếp công dân vào luật, trong đó thông báo kết quả giải quyết khiếu nại từ phiên tiếp trước đến phiên tiếp sau một cách công khai bao gồm nội dung tiếp nhận đã giải quyết, đang giải quyết và việc không được giải quyết. Tiếp công dân dưới nhiều hình thức, nhiều nơi và nội dung khác nhau là việc làm bình thường và thường xuyên của cán bộ, công chức nói chung và của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nói riêng, của cả đại biểu Quốc hội. Nhưng tiếp công dân trong Luật khiếu nại là tiếp có thể coi là ngoài ý muốn. thực tế đã chứng minh không tiếp do bận, thay đổi lịch tiếp, tiếp một cách hình thức, vì vậy, luật cần quy định cụ thể để tiếp dân là một chế độ công tác của thủ trưởng. Nếu thông báo công khai như vậy sẽ tăng cường mối quan hệ công dân với các cơ quan, tổ chức và sau một thời gian thực hiện thực hiện chất lượng các quyết định sẽ chất lượng cao hơn, hành vi cán bộ, công chức sẽ đúng pháp luật và ngày càng văn minh.
Thu Hoài tổng hợp

Đọc thêm