Ngày 28/10, các vị ĐBQH tỉnh Thái Nguyên làm việc ở tổ cùng Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ và Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa để góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
|
Đại biểu Phan Văn Tường tham gia đóng góp ý kiến |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào các văn kiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng).
Về Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước, các đại biểu tập trung cho ý kiến về đánh giá tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam; đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; mục tiêu và những phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chũ nghĩa; những định hướng lớn về phát triển kinh tế; định hướng phát triển văn hóa, phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, định hướng về chính sách xã hội; những định hướng lớn về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; định hướng xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác xây dựng Đảng.
Về Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, ý kiến của các đại biểu tập trung vào một số nội dung: đánh giá những thành tựu và hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua thực hiện Chiến lược 2001 – 2010; năm quan điểm phát triển nêu trong Dự thảo Chiến lược; mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, các định hướng phát triển ngành, vùng, lĩnh vực; các vấn đề về mở rộng dân chủ, thực hiện dân chủ trực tiếp, nhất thể hóa chức danh người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền.
Về Dự thảo Báo cáo chính trị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 – 2010, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội; phương hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế; phương hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta; đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo; phát triển và nâng cao hiệu quả của khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế tri thức; quan điểm phát huy dân chủ; phương hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phương hướng xây dựng Đảng….
Đánh giá về Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011- 2020; đại biểu Lê Thị Nga cho rằng quản lý vốn và tài sản Nhà nước là một việc làm lớn, cần cân nhắc lại việc đánh giá trong Dự thảo về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế. Đánh giá về việc hoàn thiện bộ máy Nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính trong Dự thảo còn chưa cân đối. Về Báo cáo chính trị, cần đánh giá tổng quát hơn hoạt động điều tra xét xử; đánh giá về phòng chống tham nhũng cần chi tiết hơn; cần chỉ rõ việc cải cách tư pháp còn chậm ở khâu nào; đánh giá nhần mạnh hơn công tác giám sát của Quốc hội.
Theo đại biểu Phan Văn Tường, nội dung “mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng an ninh” trong Dự thảo Cương lĩnh còn một số ý chưa thống nhất, bố cục chưa thực sự hợp lý (như nội dung “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” nên được coi là nguyên tắc chứ không phải là mục tiêu của quốc phòng, an ninh), nên viết lại theo thứ tự: mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của hai lực lượng, nguyên tắc, trách nhiệm của lực lượng quốc phòng và an ninh.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Cương lĩnh, đại biểu Nguyễn Văn Vượng cho rằng 5 bài học trong Dự thảo đã được rút ra từ thực tế nên tương đối hoàn thiện; tuy nhiên trong 8 phương hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta cần bổ sung một số nội dung như đưa ra những tiêu chí cụ thể để xây dựng nền kinh tế tri thức, cần có những nội dung cụ thể để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế, cần xác định vai trò chủ đạo của các thành phần kinh tế, đánh giá các thành phần kinh tế đã bình đẳng hay chưa; về việc đào tạo nguồn nhân lực, cần đào tạo cán bộ chiến lược và lãnh đạo quản lý theo hướng nào; về phát triển khoa học và công nghệ, phải đánh giá chặt chẽ công tác nghiên cứu khoa học giữa số kinh phí bỏ ra cho các đề tài nghiên cứu và số lượng đề tài được đưa vào ứng dụng.
Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần được nghiên cứu rõ hơn, vì đây là vấn đề được nêu trong cả ba dự thảo văn kiện, nhưng ở mỗi văn kiện lại có những nội hàm khác nhau. Đại biểu Hùng cho rằng vấn đề này bao gồm 5 nội hàm: Thứ nhất là nền kinh tế đa thành phần, đa sở hữu, cần nói rõ hiện nay nước ta có bao nhiêu thành phần kinh tế; thứ hai là vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thứ ba là sự hình thành đồng bộ và thông suốt của các loại thị trường; thứ tư là sự cạnh tranh lành mạnh và thứ năm là vấn đề phân phối.
Hoài Anh tổng hợp