Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Thảo luận tổ về dự án Luật khiếu nại

Theo chương trình kỳ họp, sáng 29/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật khiếu nại. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì thảo luận.
Theo chương trình kỳ họp, sáng 29/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật khiếu nại. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Văn Vượng tham gia thảo luận

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu trong tổ tập trung thảo luận về một số vấn đề chính: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật; khiếu nại đông người; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xử lý vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp lực; khiếu nại, giải quyết khiếu nại định ký luật cán bộ, công chức; tổ chức tiếp công dân. Các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn khi ban hành Luật khiếu nại và tách Luật khiếu nại tố cáo hiện nay thành hai luật riêng rẽ, vì nhiều vụ khiếu kiện vẫn bao gồm cả hai nội dung khiếu nại và tố cáo.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Nga đưa ra ý kiến cần phải có sự đánh giá luật cũ (Luật khiếu nại tố cáo) để rút ra những bất cập, từ đó có phương hướng sửa đổi và nếu ban hành Luật khiếu nại thì liệu Luật này có khắc phục được những tồn tại của Luật cũ hay không. Đại biểu Lê Thị Nga cũng tỏ ra băn khoăn về một số nội dung của một số điều khoản trong dự thảo luật. Cũng theo đại biểu Lê Thị Nga, cơ chế giải quyết khiếu nại của luật cũ không khách quan, hiệu quả giải quyết chưa cao nhưng luật mới (Luật khiếu nại) chưa đề cập đến sửa đổi vấn đề này mà chỉ đạt được mục đích tách cơ học Luật khiếu nại tố cáo thành 2 luật riêng rẽ là Luật khiếu nại và Luật tố cáo.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Vượng, trong Luật cần xác định nội dung khiếu kiện là gì để xây dựng cơ chế xử lý hiệu quả. Thực tế thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại còn kém hiệu quả, vòng vo, chưa dứt điểm. Cần có cơ chế để xử lý khiếu nại một cách hiệu quả, có kết thúc dứt điểm để tránh khiếu kiện kéo dài. Đại biểu Nguyễn Văn Vượng cho rằng, những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác khiếu nại được đề cập trong điều 7 là đúng nhưng rất khó để xác định và chứng minh những hành vi này (bao che cho người bị khiếu nại; kích động, cưỡng ép, lôi kéo, xúi giục người khác tập trung đông người để khiếu nại…). Đại biểu Nguyễn Văn Vượng cũng nhấn mạnh việc tách Luật khiếu nại tố cáo thành hai Luật riêng rẽ sẽ gây rất nhiều khó khăn, chồng chéo cho việc giải quyết những vụ việc bao gồm cả nội dung khiếu nại và tố cáo.
Hoài Anh tổng hợp

Đọc thêm