Công chức có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong quá trình giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bồi thường nhà nước sẽ bị khiển trách. Đây là một trong các nội dung đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến tại Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong lĩnh vực bồi thường nhà nước.
Tính tới mọi hình thức vi phạm
Cũng theo dự thảo Thông tư này, hình thức kỷ luật cảnh cáo sẽ được áp dụng đối với công chức trong trường hợp cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện mà việc cấp giấy tờ pháp lý đó đã gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN.
Công chức sẽ bị kỷ luật hạ bậc lương nếu không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà việc không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đó đã gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN...
Đặc biệt, hình thức kỷ luật giáng chức sẽ được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong việc: Giải quyết bồi thường và chi trả tiền bồi thường; Xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bồi thường nhà nước; Để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý của mình dẫn đến việc gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN.
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức mà việc vi phạm đó đã gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật... cũng bị kỷ luật giáng chức.
Hình thức kỷ luật cách chức sẽ được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng trong việc: Giải quyết bồi thường và chi trả tiền bồi thường; Xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bồi thường nhà nước; Để xảy ra vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mình dẫn đến việc gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường.
Dự thảo Thông tư cũng tính tới hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo mà việc bị áp dụng hình phạt là do có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN hoặc công chức vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức mà việc vi phạm đó đã gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và thiệt hại đó thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN.
Việc xử lý kỷ luật viên chức theo quy định tại dự thảo Thông tư này được áp dụng cho các trường hợp: Viên chức có hành vi trái pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đó dẫn đến việc các cơ quan quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án gây ra thiệt hại dẫn tới phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Viên chức cố tình không thực hiện trách nhiệm hoàn trả đã được xác định tại Quyết định hoàn trả đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba; Viên chức có hành vi trái pháp luật trong việc cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết bồi thường theo yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc Tòa án.
Gỡ khó cho cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật
Nói về lý do cần ban hành Thông tư này, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 3/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ cho việc thực hiện xem xét trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại trong khi thi hành công vụ, tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quy định về trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ còn tồn tại một số vướng mắc.
Chẳng hạn, quy định về thành phần Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả có quy định một trong những thành phần của Hội đồng là Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại - tuy nhiên, trên thực tiễn, tại một số cơ quan nhà nước không có cấp đơn vị quản lý trung gian mà chỉ có hai cấp làm việc là cấp thủ trưởng và cấp chuyên viên.
Về xử lý kỷ luật người thi hành công vụ, theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành mặc dù đã có quy định nhưng mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chưa phản ánh được những đặc thù từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực bồi thường nhà nước nên các cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật gặp khó khăn trong việc xác định hình thức kỷ luật. Thông tư này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện có hiệu quả việc xem xét trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ trong lĩnh vực BTNN.
Lan Phương