Kỷ lục đáng nể tại Ngành Tòa án Thừa Thiên - Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các vụ án hòa giải thành công luôn đòi hỏi sự chân thành của người làm công tác xét xử. Họ luôn đặt mình ở vị trí các đương sự để cảm nhận, nắm bắt tâm lý của từng người, vận động chạm đến trái tim. Chính cái tâm và sự nhẫn nại, kiên trì của người thẩm phán đã thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ cảm thông giữa các bên tranh chấp, để các đương sự đi đến thống nhất, chấp nhận hòa giải.

Chân thành, tâm huyết

Bà Mai Thị Mộng Trinh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TX Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, cảm xúc chân thành của người thẩm phán là quan trọng nhất khi tiến hành công tác hòa giải. Người thẩm phán phải luôn đặt địa vị của mình ở vị trí các đương sự để cảm nhận, nắm bắt tâm lý của từng đương sự để giải quyết vụ việc.

Bà Trinh nhớ mãi vụ án tranh chấp thừa kế mà bà từng thụ lý, giải quyết. Người em gái khởi kiện chia di sản mà người anh đang quản lý, sử dụng. Ngoài trách nhiệm dùng luật, giải thích luật cho các đương sự hiểu rõ về luật thừa kế, con trai con gái đều được hưởng thừa kế như nhau, còn phải giải thích về đạo lý để thấy được cái tình, cái lý trong vụ án. Khi cha mẹ còn sống, mình thoát ly, tạo dựng sự nghiệp riêng, không chăm sóc cha mẹ, lo lắng khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật. Cha mẹ mất, mình đòi chia đôi tài sản là không được.

Hòa giải thành góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự. (Hình minh họa)

Hòa giải thành góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự. (Hình minh họa)

Người thẩm phán phải làm sao để các đương sự hiểu rằng tranh chấp khối tài sản sẽ gây hậu quả khoét sâu tổn thương; vì vậy cần thương lượng hòa giải để ổn định sự đoàn kết trong gia đình, sự an yên trong tâm hồn. Khi trẻ, có thể “chiến đấu” vì 1-2m đất, nhưng khi già chỉ mong con cái, anh em sum vầy.

Để giải tỏa mâu thuẫn giữa các đương sự, bà còn liên hệ các vụ việc được truyền thông đăng tải để các bên cân nhắc. “Phải đánh vào tâm lý của từng đương sự, đấu tranh từng li từng tí, cân bằng các mối quan hệ, quyền lợi giữa các bên mới thành công hòa giải vụ việc”, bà Trinh nói.

Theo bà Trinh, việc mở phiên tòa xét xử, sẽ nhanh gọn hơn nhiều, nhưng chỉ khiến mâu thuẫn gia đình bị khoét sâu hơn. Bằng cái tâm chân thành của người làm công tác xét xử, bà luôn muốn tìm cách hóa giải những mâu thuẫn đó, mà việc mở một phiên tòa xét xử khó có thể làm được.

Mỗi lần hòa giải thành công một vụ việc, bà Trinh thường rất vui. Nhưng bên cạnh đó vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn. Như trong vụ án trên, người anh đành phải chấp nhận thua thiệt để anh em giữ được hòa khí. Nếu người anh biết tương lai các em sẽ về tranh chấp thửa đất mà mình bỏ công sức, tâm huyết khai khẩn khi sống chung cùng bố mẹ, hẳn anh đã đi kê khai, làm thủ tục đứng tên mình thay vì để cha mẹ đứng tên. Trong khi các em ly khai khỏi gia đình, họ đã đều tạo dựng khối tài sản riêng cho mình.

Lặn lội cùng dân

Ông Vũ Văn Minh (Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn còn nhớ mãi những vụ tranh chấp trâu bò, gà vịt mà mình từng giải quyết. Hồi đó, đường lên xã Hương Thọ hay về Hải Dương (TX Hương Trà, nay là TP Huế) còn heo hút, ngăn sông cách trở. Mùa mưa gió, ông phải bọc kín hồ sơ trong mấy lớp ni lông để qua đò, qua phà; vì sợ không may chìm đò sẽ ướt hết hồ sơ. Rồi những lúc xắn quần áo cùng dân lặn lội lên tận rừng để tìm hiểu vụ việc tranh chấp trâu nuôi thả trên rừng.

Ông Vũ Văn Minh, Chánh án TAND Thừa Thiên - Huế tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ hội thẩm TAND hai cấp.

Ông Vũ Văn Minh, Chánh án TAND Thừa Thiên - Huế tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ hội thẩm TAND hai cấp.

Theo ông Minh, phải đi vô dân, cùng lặn lội với dân; người dân thấy cán bộ làm việc có trách nhiệm, cùng chịu cực, chịu vất vả với họ; họ có cảm tình thì lúc hòa giải, mình phân tích thiệt hơn, họ mới nghe mới chấp nhận hòa giải.

Những người làm công tác xét xử như ông Minh, bà Trinh hay ông Lê Hữu Nam (Chánh án TAND TX Hương Trà), bà Thái Thị Hồng Vân (Thẩm phán TAND TP Huế) và nhiều thẩm phán khác của TAND hai cấp đều cho rằng, để hòa giải bằng cái tâm, bằng sự chân thành, đôi khi những người làm công tác xét xử còn phải lăn lộn cùng dân mới thấu hiểu hết những mâu thuẫn của vụ việc. Nhất là những vụ án tranh chấp đất đai, phải lặn lội trong dân, nắm rõ thâm niên, tìm những người già để xác minh, bởi ranh giới thửa đất mà người dân xác lập đôi khi chỉ là hàng chè tàu, bụi tre, bụi chuối. Nếu xác minh theo pháp luật (đo đạc), rồi xử theo cột mốc, người dân thường không phục có khi họ sẽ ấm ức suốt đời.

Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Vũ Văn Minh cho biết: Nhờ làm tốt công tác hòa giải mà năm 2021, Tòa án hai cấp tỉnh đã hòa giải thành công hơn 73,9% vụ án dân sự. Nhờ hòa giải thành đã giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự và Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án.

Hòa giải thành cũng góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

Vụ kiện “khó xử”

Bà Trinh nhớ mãi lần hòa giải thành vụ thay đổi quyền nuôi con, dù vụ việc đã giải quyết xong, nhưng bà cứ đau đáu mãi hình ảnh đứa trẻ và ông bà nội nơi hành lang tòa án.

Trước đó, đôi vợ chồng này ra tòa ly hôn. Hai đứa con chung được chia cho bố và mẹ nuôi dưỡng. Đứa con trai nhỏ sống với bố. Ông bà nội rất thương yêu, suốt ngày chăm sóc, ẵm bồng. Mấy năm sau, người mẹ phát hiện đứa con trai đã giao cho chồng cũ nuôi là con riêng của mình và người đàn ông khác nên chị yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.

Người chồng cũ dù rất thương con nhưng cũng uất ức vì bị vợ “cắm sừng”, nên nhất quyết đòi vợ cũ bồi thường tiền anh đã chăm sóc, nuôi dưỡng thằng bé suốt thời gian qua; mới cho chị nhận lại con.

Quá trình làm việc, bà tỉ mỉ quan sát từng ánh mắt, cử chỉ, biểu hiện của người lớn và nhận ra, cả người cha và ông bà nội đều vô cùng yêu thương đứa trẻ. Hôm đến tòa, ông nội dắt theo đứa cháu, ngồi ở sảnh, ông cứ ôm thằng bé mãi trong lòng, rồi cẩn thận từng li từng tí lấy sữa cho cháu uống. Hình ảnh đó khiến bà xúc động mãi và nhận ra tình cảm sâu nặng giữa ông cháu.

Nếu mở phiên tòa, chỉ cần áp dụng các quy định của pháp luật, vụ án sẽ được giải quyết nhanh chóng. Nhưng bà muốn giữ lại thứ tình cảm thiêng liêng kia không bị sứt mẻ, để sau này khi lớn lên, đứa trẻ vẫn biết ơn, yêu thương bố và ông bà nội dù họ không phải là ruột thịt.

Chính sự chân thành, tâm huyết và kiên trì phân tích thiệt hơn đã giúp bà hòa giải thành công vụ việc.

Đọc thêm