Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng: Ngọn lửa sáng mãi của thanh niên Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ 93 năm trước, người đoàn viên, thanh niên cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng tuyên bố trước tòa án thực dân: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”! Câu nói bất hủ ấy đã thắp lên ngọn lửa thôi thúc bao thế hệ thanh niên đứng lên đấu tranh, giành độc lập, tự do cho dân tộc - trở thành biểu tượng cho thế hệ trẻ ngày nay nêu cao tinh thần xây dựng, kiến thiết đất nước.
Anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931)
Anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931)

Lý Tự Trọng - người đoàn viên đầu tiên được Bác Hồ đào tạo

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha của Lý Tự Trọng là ông Lê Hữu Đạt, quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ là bà Nguyễn Thị Sờm quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thời kỳ này do phải tránh sự truy lùng gắt gao của bọn thực dân Pháp nên hàng chục nghìn đồng bào yêu nước (phần lớn là miền Trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…) từng nổi dậy theo Phan Đình Phùng đánh Pháp rồi theo Phan Bội Châu tham gia Việt Nam Quang phục Hội. Và để mưu việc “phục quốc”, họ phải tìm đường vượt núi cao Trường Sơn và băng qua Sông Mẹ (Mê Kông) vừa để cuốc cày kiếm sống vừa để tổ chức lực lượng trở về đánh Pháp trong sự chia sẻ, đùm bọc của nhân dân nước bạn.

Chừng 4, 5 tuổi, Lê Văn Trọng được bố mẹ đưa đến ở trong gia đình ông bà Cựu Tuấn, một đồng hương, đồng chí thân tín trong “Quang phục quân” (lực lượng vũ trang của Việt Nam Quang phục Hội) để bố mẹ dành thời gian vừa lo việc cuốc cày làm ra lúa gạo vừa lo việc nước xây dựng các đội nghĩa quân. Lớn lên trong tinh thần và truyền thống yêu nước của cả hai gia đình và bà con Việt kiều, hơn 6 tuổi Lê Văn Trọng được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy.

Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thành lập ở Quảng Châu - Trung Quốc. Để chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam. Lê Hữu Trọng là một trong tám thiếu niên được lựa chọn. Ở Quảng Châu, Trọng cùng các bạn được sự chăm sóc ân cần từ nơi ăn, chốn ở, nhất là trong việc rèn luyện, học tập hàng ngày của đồng chí Vương (tức Lý Thụy - Nguyễn Ái Quốc. Nhóm thiếu niên được đồng chí Vương đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh, thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam và trực tiếp giáo dục, rèn luyện.

Để đảm bảo cho việc hoạt động bí mật, tất cả các thành viên trong nhóm đều được thay đổi sang họ Lý (cùng họ với Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc). Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng, sau đó được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học trung học tại Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Năm 1929, Lý Tự Trọng cùng với Ung Văn Khiêm trở về nước hoạt động, đi sâu vào tận công xưởng, trường học vận động nhằm tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước và sau đó, Lý Tự Trọng trở thành người đoàn viên cộng sản đầu tiên.

Về tới Sài Gòn, Lý Tự Trọng đổi tên là Nguyễn Huy để hoạt động. Chiều ngày 8/2/1931, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tổ chức một cuộc mít-tinh kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa Yên Bái tại Sài Gòn để biểu dương tinh thần quật khởi, ý chí bất khuất, bản lĩnh cách mạng của cuộc khởi nghĩa. Đồng chí Phan Bôi, người phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy phụ trách diễn thuyết trước công chúng. Cảnh sát và mật thám ập đến khi cuộc mít-tinh sắp kết thúc. Để bảo vệ người đồng chí của mình, Lý Tự Trọng đã rút súng lục và bắn hai phát, khiến mật thám Le Grand chết ngay tại chỗ. Địch bao vây, Lý Tự Trọng và Phan Bôi bị bắt. Chúng giam cầm, tra tấn dã man nhưng dũng khí cách mạng của hai người cộng sản kiên trung không chịu khuất phục.

Sống mãi tuổi 17

Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng trên quê hương Hà Tĩnh. (Ảnh: T.Ư Đoàn).

Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng trên quê hương Hà Tĩnh. (Ảnh: T.Ư Đoàn).

Những ngày bị bắt, thực dân Pháp đã tra tấn vô cùng dã man để Lý Tự Trọng khai báo những manh mối, thông tin bí mật của Đảng, của cách mạng. Nhưng những đòn roi, thủ đoạn tàn bạo của bọn thực dân đã không thể quật ngã người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi Luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

Khi Bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng và thốt ra những giọng điệu: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh. Đối với những người thông minh, Chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ, chỉ cần anh thật thà, hối cải. Nếu muốn anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng”. Đáp lại, Lý Tự Trọng đã dõng dạc: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”. Những câu nói mang đầy “chất thép” ấy đã thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc và quyết chiến đấu với giặc tới cùng của người chiến sĩ cộng sản trẻ Lý Tự Trọng.

Trong những ngày cuối cùng của mình ở xà lim án chém của thực dân Pháp, Lý Tự Trọng vẫn luôn lạc quan, tập thể dục, đọc sách báo, ca hát và xem Truyện Kiều nơi bốn vách tường loang lổ của nhà tù đế quốc. Rạng sáng ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp sát hại trong khám lớn Sài Gòn.

Người anh hùng Lý Tự Trọng, người đoàn viên đầu tiên hy sinh lúc 17 tuổi nhưng sự kiên trung, anh hùng của anh trên con đường cách mạng đã trở thành lý tưởng sống để thôi thúc bao lớp thanh niên Việt Nam giữ vững niềm tin, bản lĩnh, tích cực học tập, lao động, sáng tạo để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nối tiếp tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Lý Tự Trọng, lớp lớp thanh niên đã ghi tên mình vào trang sử vàng dân tộc với nhiều chiến công hiển hách, vang dội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… Trong hơn 2 thập niên đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, đó là Tạ Thị Kiều, Lê Thị Hồng Gấm, Lê Mã Lương, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân…

Khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ, trong thư gửi nhân dịp Hội nghị thanh niên Việt Nam ngày 17/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Theo lời dạy của Bác, cùng với chống giặc, bảo vệ Tổ quốc, thanh niên đóng vai trò tiên phong, hăng hái tham gia xây dựng đất nước. Đóng góp của lực lượng này được minh chứng cụ thể thông qua thực hiện các phong trào lớn nhỏ. Đó là “Tòng quân giết giặc lập công”, “Trung kiên”, “Xung phong”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Thanh niên tình nguyện”… đã xuyên suốt từ trong kháng chiến đến thời kỳ xây dựng đất nước.

Bạn trẻ thắp nến tri ân tại phần mộ Anh hùng Lý Tự Trọng. (Ảnh: T.Ư Đoàn)

Bạn trẻ thắp nến tri ân tại phần mộ Anh hùng Lý Tự Trọng. (Ảnh: T.Ư Đoàn)

Nhiều hoạt động tri ân người anh hùng trẻ tuổi

Ngay từ tháng 3 năm nay, T.Ư Đoàn đã tổ chức đợt sinh hoạt truyền thống với chủ đề “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên”. Hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh, thiếu nhi cả nước về cuộc đời, tấm gương hy sinh anh dũng, cũng như tinh thần, lý tưởng cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng, đặc biệt là giá trị và ý nghĩa của câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” đối với thanh niên Việt Nam.

Dịp này, T.Ư Đoàn cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các tấm gương anh hùng trẻ tuổi, gương đoàn viên, thanh, thiếu niên tiêu biểu qua các thời kỳ, qua đó tiếp tục hun đúc, củng cố tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các địa phương tổ chức hành trình “Theo bước chân anh Lý Tự Trọng”, đưa đoàn viên, thanh niên tới thăm, sinh hoạt truyền thống tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh); các địa danh gắn với hoạt động cách mạng của Anh hùng Lý Tự Trọng, các công trình mang tên người Anh hùng này.

Các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tri ân, đền ơn, đáp nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn” được triển khai sâu rộng. Đặc biệt tổ chức công diễn, lưu diễn các tác phẩm nghệ thuật về cuộc đời Anh hùng Lý Tự Trọng, trong tháng 9, 10/2024; khuyến khích các đơn vị có điều kiện tổ chức công diễn vở kịch “Sống mãi tuổi 17” của tác giả Lưu Quang Vũ…

Tháng 10 này là dịp cao điểm diễn ra chuỗi hoạt động tại Hà Tĩnh, quê hương của Anh hùng Lý Tự Trọng: triển lãm về cuộc đời, những cống hiến và sự hy sinh anh dũng của anh Lý Tự Trọng với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc (từ ngày 18 - 20/10); các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, an sinh xã hội, với tổng nguồn lực ước tính hơn 1,8 tỉ đồng.

Đặc biệt, ngày 20/10, T.Ư Đoàn phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên” tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên” và Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng sẽ diễn ra 19h00, ngày 20/10, tại Khu lưu niệm Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Ban Thanh niên Công an nhân dân phối hợp với Đoàn khối các cơ quan T.Ư tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên” vào tối 17/10/2024 tại trường quay ngoài trời, Đài Truyền hình Việt Nam.

Đọc thêm