Kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới

(PLO) - Chiều ngày 07/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 15 năm Nhã nhạc- Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Kiệt tác Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa ủy quyền trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa ủy quyền trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Tham dự buổi lễ có đại diện Cục Di sản văn hóa, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các địa phương có Di sản văn hóa thế giới. Đại diện lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các ban ngành liên quan.

Sau chiến tranh, Quần thể di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn 400/1400 công trình nhưng trong tình trạng đổ nát, hư hỏng. Vì tình trạng đổ nát và hoang phế nghiêm trọng đó, nên kể từ khi được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới (năm 1993), lại nhận được sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Quần thể di tích Cố đô Huế chưa bao giờ ngưng nghỉ công cuộc trùng tu, phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa Huế.  

Từ năm 1996 đến nay, đã có khoảng 170 công trình được phục hồi, trùng tu và bảo tồn; trong đó, có nhiều công trình tiêu biểu, như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, lầu Tứ phương Vô sự,… Sắp tới, với mức đầu tư 123 tỷ đồng, điện Kiến Trung – một trong năm công trình chính trên trục dũng đạo của Kinh thành Huế cũng sẽ được khởi công phục hồi.

Cùng với những nỗ lực phục hồi, tôn tạo hệ thống công trình kiến trúc di tích, nhiều hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của triều đại nhà Nguyễn cũng được thực hiện. Trong đó, phạm vi được đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tập trung chủ yếu ở thơ trên kiến trúc cung đình, lễ nhạc, lễ hội, tuồng, múa…

Năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (năm 2008 được gọi là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại). Đây cũng là loại hình di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản Thế giới.

Những cá nhân được trao tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Những cá nhân được trao tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đánh giá cao những kết quả mà Thừa Thiên Huế đã đạt được trong nhiều năm qua trong công cuộc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Huế.  “Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã làm triển khai tốt việc đưa di sản văn hóa Huế vào giáo dục trong học đường. Chúng tôi hy vọng Thừa Thiên Huế tiếp tục làm tốt hơn nữa việc này và thực hiện tốt khẩu hiệu “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ” của UNESCO. Mong mỗi một học sinh của Thừa Thiên Huế, khi được hỏi đến những kiến thức cơ bản về di sản văn hóa Huế đều có câu trả lời đúng. Đó chính là cơ sở để nuôi dạy tình yêu với quê hương đất nước, với di sản văn hóa Huế và nuôi dạy ý thức, trách nhiệm đối với việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của cha ông”.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh, điều quan trọng là từ sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, công tác trùng tu, phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa Huế ngày càng chuyển mình theo hướng tích cực, được thực hiện theo quy trình chuẩn mực và được UNESCO đánh giá cao. 25 năm qua là chặng đường khó khăn gian khổ. Nhưng với những thành tựu đã đạt được, chắc chắn di sản văn hóa Huế sẽ tiếp tục là nền tảng cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Cố đô Huế.

Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có 1 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 cá nhân và 1 tập thể được nhận Bằng khen của Bộ Công an và 10 cá nhân được nhận kỷ niệm chương của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Đọc thêm