Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11): Để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội

Dạy học là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, gọi bằng “thầy”. Tuy nhiên, để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, những người làm thầy phải rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi về đạo đức, nhân cách và trình độ chuyên môn thường xuyên và suốt đời.

Dạy học là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, gọi bằng “thầy”. Tuy nhiên, để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, những người làm thầy phải rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi về đạo đức, nhân cách và trình độ chuyên môn thường xuyên và suốt đời.

Dạy học- nghề cao quý
Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo...”. Lịch sử dân tộc ta ghi nhận biết bao tấm gương nhà giáo nổi tiếng mẫu mực, tài ba như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến... Trong đó, danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, người thôn Trung Am, xã Lý Học (Vĩnh Bảo) không chỉ là niềm tự hào của người Hải Phòng, mà còn là tấm gương mẫu mực để các thế hệ con cháu nước Việt học tập, noi theo

Thầy và trò Trường THPT Ngô Quyền trong giờ học.
                                                                                                              Ảnh: Hải Ngọc

.

Năm 1955, khi thành phố được giải phóng, ngành GD-ĐT chỉ có vài chục giáo viên, trình độ còn hạn chế, đến nay, Hải Phòng có gần 27 nghìn cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó, hơn 97% có  trình độ đạt chuẩn, hơn 50% có trình độ trên chuẩn. Hiện ngành GD-ĐT thành phố có 3 nhà giáo Anh hùng lao động, 3 nhà giáo nhân dân, 134 nhà giáo ưu tú, 36 giáo sư, phó giáo sư, 112 tiến sĩ, hơn 1300 thạc sĩ và 14 chiến sĩ thi đua toàn quốc.

 Những năm qua, GD-ĐT Hải Phòng đạt nhiều thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Năm 1990, Hải Phòng về đích trước cả nước 10 năm trong công tác xóa mù chữ và phổ cập bậc tiểu học. Năm 2001, Hải Phòng tiếp tục về đích sớm hơn cả nước 9 năm về phổ cập bậc THCS. Hiện, Hải Phòng cơ bản hoàn thành phổ cập bậc THPT và nghề.  Trong giáo dục mũi nhọn, 15 năm liên tục Hải Phòng có học sinh đoạt giải tại các kỳ Ô-lim-pích quốc tế và khu vực. Nếu không có những nhà giáo tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh thì làm sao học sinh Hải Phòng có được những tấm huy chương vàng, bạc, đồng danh giá, để hai tiếng “Việt Nam” được xướng lên trên trường quốc tế?

     

Trau dồi nhân cách và năng lực chuyên môn

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Thế Hùng, trong đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT Hải Phòng hiện nay, bên cạnh những người tràn đầy nhiệt huyết và tình thương yêu với học sinh, trình độ chuyên môn vững vàng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa tâm huyết với nghề, ngại học tập, chậm đổi mới phương pháp dạy học. Đó đây vẫn còn những vụ vi phạm đạo đức nhà giáo, cư xử chưa đúng mực trong quan hệ với đồng nghiệp và học sinh.

Rõ ràng, để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội, những người làm nghề dạy học phải phấn đấu rất nhiều. Trước hết, đó phải là người có đạo đức, nhân cách đẹp đẽ, là “khuôn vàng, thước ngọc” để học sinh soi vào và làm theo. Bác Hồ kính yêu luôn coi trọng, đặt vấn đề đạo đức cán bộ lên hàng đầu. Đối với nghề “trồng người”, đạo đức, nhân cách người  thầy càng được coi trọng. Hơn ai hết, những người làm thầy hiểu rằng, dạy chữ cho học trò không chỉ bằng kiến thức, mà còn phải bằng cả chính tấm gương của mình. Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Bộ GD-ĐT phát động chính là nhằm mục đích đề cao đạo đức và trình độ người thầy.

Không chỉ có đạo đức, nhân cách, người làm nghề dạy học phải có trình độ chuyên môn giỏi. Trong công cuộc khám phá kho tàng tri thức nhân loại, nếu thầy không giỏi, làm sao có thể hướng dẫn, cung cấp cho học trò những kỹ năng, kiến thức cần thiết. Trong giai đoạn cả nước và ngành GD-ĐT đang hội nhập quốc tế và khu vực, đổi mới quản lý, phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chính là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Giám đốc Đỗ Thế Hùng khẳng định, phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển ngành GD-ĐT Hải Phòng, gần 27 nghìn cán bộ, giáo viên  toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, nhất là hai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đội ngũ giáo viên phải thường xuyên trau dồi về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp trong sáng, để học sinh soi vào và làm theo.

                  Bích Hạnh

Đọc thêm