Kỷ niệm về trường

Ðã lâu lắm những cựu học sinh cấp ba Hải Hậu tại thành phố Hồ Chí Minh (HCM) và các tỉnh phía Nam mới có cuộc gặp mặt đầm ấm và nghĩa tình như thế. Thực ra, cách đây hơn 10 năm, cùng với việc ra đời Hội đồng hương Hải Hậu tại thành phố HCM, Hội Cựu học sinh cấp ba Hải Hậu đã ra mắt.

[links()]

MỘT

Ðã lâu lắm những cựu học sinh cấp ba Hải Hậu tại thành phố Hồ Chí Minh (HCM) và các tỉnh phía Nam mới có cuộc gặp mặt đầm ấm và nghĩa tình như thế. Thực ra, cách đây hơn 10 năm, cùng với việc ra đời Hội đồng hương Hải Hậu tại thành phố HCM, Hội Cựu học sinh cấp ba Hải Hậu đã ra mắt. Nhưng ở giữa thành phố công nghiệp lớn nhất  đất nước này với biết bao áp lực và công việc bộn bề, Hội Cựu học sinh cấp 3 Hải Hậu không sinh hoạt được thường xuyên, mà những hội viên của hội đã làm lực lượng nòng cốt xây dựng Hội đồng hương Hải Hậu trở thành một trong những hội đồng hương huyện mạnh nhất của tỉnh Nam Ðịnh tại thành phố HCM.  Hôm nay, một ngày cuối tháng chín đẹp trời, tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, trong không khí cả nước đang hướng về Thủ đô kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những cựu học sinh và các thầy cô giáo - những người đã từng gắn bó với trường cấp ba Hải Hậu qua các thời kỳ lại họp mặt bên nhau để chuẩn bị cho ngày lễ trọng của nhà trường: Kỷ niệm 50 năm  thành lập trường (1960 - 2010) và đón nhận phần thưởng cao quý, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Ðảng và Nhà nước trao tặng.

Ðồng chí Trần Thế Tuyển (đứng giữa) tặng hoa chúc mừng các thầy giáo, cô giáo từng giảng dạy tại trườngTHPT A Hải Hậu trong buổi họp mặt cựu học sinh cấp 3 Hải Hậu tại TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: P.V

Có thể nói, thành phố phương Nam đầy nắng và gió này  lâu lắm mới có ngày đẹp trời như thế. Vẻ đẹp không chỉ biểu hiện ở mùa thu nắng hanh vàng, mà trước hết toát lên từ gương mặt của mỗi người - Thầy và trò trường cấp ba Hải Hậu. Người đến sớm nhất có lẽ  là thầy Châu. Mùa thu năm 1967, khi cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chúng tôi vào học lớp 8 của trường cấp ba Hải Hậu. Chúng tôi đã gặp thầy Châu ở đó. Thầy có dáng người mảnh mai, tác phong gần gũi và đặc biệt bởi chất giọng Nghệ Tĩnh nghe ngồ ngộ. Như những con chim non, chúng tôi ngồi chăm chú nghe thầy Châu giảng. Những bài giảng văn với giọng truyền cảm, ấm áp của thầy đã theo chúng tôi mãi trên những nẻo đường đất nước. Hồi đó nhóm “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” gồm Hòa, Sự, Huỳnh, Dũng và tôi thường vụng trộm nhại giọng thầy Châu. “Bảo ơi, cậu ở đâu ?”. “Sau này vào chiến trường gặp nhau, chúng tôi vẫn kể lại chuyện ấy như một kỷ niệm đẹp về  mái trường thân yêu. Chuyện thế này: Dạo ấy chúng tôi vừa học vừa tránh máy bay Mỹ ném bom. Thầy Châu có con nhỏ, không hiểu nhà trẻ sơ tán ở đâu mà thỉnh thoảng thầy lại mang theo con đến lớp. Mặc cho tiếng máy bay gầm rú trên đầu và tiếng pháo cao xạ, tiếng bom từ xa vọng lại, giọng thầy Châu vẫn vang lên ấm áp, cuốn hút chúng tôi. Ðôi khi, đang giảng thầy phải ngừng lại, không phải vì máy bay sắp thả bom mà vì cậu quý tử chưa đầy hai tuổi của thầy trốn đi đâu mất. Bảo ơi, cậu ở đâu ? Bảo ơi, cậu ở đâu?… Chất giọng Nghệ Tĩnh ngồ ngộ ấy vang lên khiến chúng tôi muốn cười mà không dám. Bây giờ sau gần nửa thế kỷ, kể lại chuyện ấy, thầy trò cứ cười ra nước mắt.. Hôm ấy, chúng tôi còn gặp thầy Khâm, dạy toán và nhiều thầy cô khác nữa. Có cả những thầy cô không trực tiếp dạy chúng tôi như thầy Hà, cô Hiền và cả bạn học cùng thời, đã từng làm giáo viên giảng dạy ở trường như: Vũ Tuyết Thanh, Trần Tiến Dũng, Trần Thị Lan… Mỗi người có hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, nhưng đến đây ai cũng giành tình cảm đặc biệt cho mái trường thân yêu đã che chở, nuôi dưỡng, giáo dục mình nên người. Có lẽ thế, nên khi gặp lại, khoảng cách về công việc, giàu nghèo, may mắn hay rủi ro không là bức tường ngăn cách. Ai cũng có những kỷ niệm thầm kín về trường. Và có lẽ đề tài sôi nổi nhất vẫn là tình thầy trò và cả tình bạn, tình yêu thời chớm nở. Vũ Tuyết là một trong những bạn gái được các bạn trai thế hệ chúng tôi nhắc nhiều nhất. Bây giờ mái tóc đã hoa râm, đã lên ông lên bà, nhưng nhắc lại cái thời lưu luyến ấy, ai cũng thấy còn tươi nguyên cảm xúc, như câu chuyện mới xảy ra hôm qua hoặc hôm nay thôi. Không biết mấy  chàng có sáng tác không, nhưng  chuyện dí dỏm này thì có thật. Vào giữa năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ngày một quyết liệt. Ðảng kêu gọi thanh niên tình nguyện ra chiến trường. Chỉ còn ít ngày nữa thi tốt nghiệp, chúng tôi đã gác bút nghiên cầm súng lên đường. Vào một đêm đông nọ, giữa rừng Trường Sơn, cánh con trai học chung trường cấp ba Hải Hậu mắc võng nằm kế nhau kể chuyện về quê hương. Và mọi người biết đấy, sau câu chuyện về mẹ là chuyện bạn gái. Mấy anh chàng cứ thao thao bất tuyệt khoe rằng, có một cô bạn ở lớp yêu mình say đắm  lắm. Chàng nào cũng dẫn ra những bằng chứng thuyết phục. Rằng nhìn vào ánh mắt của nàng là biết nàng yêu tớ rồi. Lại nữa, nàng còn cho tớ cả củ khoai lang nướng và khúc bánh mỳ  nữa… Bạn gái ấy là ai? Chẳng chàng nào chịu khai cả. Cuối cùng một người nghĩ ra sáng kiến trắc nghiệm: viết tên người bạn gái ấy ra lòng bàn tay. Kết quả thật bất ngờ, các chàng trai đều tự nhận mình là người yêu của Vũ Tuyết và khẳng định, Tuyết chỉ để ý và yêu mình mà thôi. Cả bọn lăn ra cười. Hóa ra, cái bóng hồng hiếm hoi nhan sắc thời ấy là nỗi khát khao của những chàng trai trẻ, nên chàng nào cũng nhận. Ðúng là nhận vơ. Người Hải Hậu thường bảo thế. Trong số ấy chỉ có một người không nhận Tuyết là người yêu của mình mà cứ tủm tỉm cười. Nhưng nhìn sâu vào đôi mắt của chàng thì thấy lấp lóa ánh sao đêm. Có ai ngờ đâu đấy là lần cuối cùng chúng tôi kể với bạn ấy kỷ niệm về trường. Hôm sau, người bạn học có dáng nhỏ thó, thư sinh ấy đã ngã xuống trong một trận đánh trên vùng biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia. Người bạn ấy là Vũ Viết Vô, quê ở Hải Thanh, cựu học sinh lớp 10C niên khóa 1967- 1970.

Vũ Viết Vô đi xa đã gần 40 năm rồi, nhưng hình ảnh của người bạn đồng môn cứ hiện diện bên chúng tôi mãi. Ở thành phố HCM, mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi đều nhắc đến Vô và các bạn cựu học sinh cấp ba Hải Hậu đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Có khi chúng tôi còn chuẩn bị cả bát đũa, ly chén uống rượu để  mời Vô và các đồng đội về cùng liên hoan nữa.

HAI

Trần Tiến Dũng là bạn học cùng khóa với chúng tôi. Tốt nghiệp đại học, anh trở về trường dạy lý và trở thành Nhà giáo Ưu tú, Hiệu trưởng trường cấp ba Hải Hậu, nay là trường THPT A Hải Hậu. Cách đây vài năm, anh chuyển lên công tác tại Văn phòng Chính phủ làm Phó Vụ trưởng theo dõi mảng giáo dục. Biết Hội Cựu học sinh cấp 3 Hải Hậu tại thành phố HCM họp mặt, từ Canada, Dũng bay về  Nội Bài rồi cùng thầy giáo Vũ Thế Hưng, Hiệu trưởng trường THPT A Hải Hậu bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Sự có mặt của hai thầy hiệu trưởng ở hai thời kỳ khác nhau, đã làm buổi họp mặt trở nên ấm áp, nghĩa tình. Sau khi nghe thầy Hưng thông báo kế hoạch kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nhà trường và lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, những người đã từng học tập, giảng dạy và làm việc ở trường cấp ba Hải Hậu mừng lắm. Không có điều kiện tập hợp hết, nhưng ước chừng có cả ngàn cựu học sinh cấp ba Hải Hậu đang sinh sống và làm việc tại thành phố HCM. Về họp mặt, ai cũng muốn gửi gắm tình cảm và chút ít vật chất của mình về mái trường thân yêu, nhân dịp lễ trọng này. Anh Thắng chị Hoa, anh Báu, anh Tiễu, anh Hùng, anh Tuân, anh Dụng, anh Thiệu, anh Dân, anh Quang, anh Thu, anh Mâu, anh Xuân… là những người như thế. Ban trù bị hội nghị gồm các anh: Trần Văn Sự,  Trần Thế Tuyển, Phạm Ðức Thịnh…; các chị: Vũ Thúy Quỳnh, Trần Thị Thanh Bình…, đã phải hội ý đến hai lần để chuẩn bị cho buổi họp mặt đó. Và buổi họp mặt đã thành công, khi căn phòng ấm cúng ở Nhà Văn hóa quận 10 thành phố HCM đã chật cứng người. Ðiều đáng nói, ngoài những cựu học sinh và các thầy cô giáo đã từng  học và dạy ở trường, còn có cả những người chưa hề làm việc ở đây, nhưng vẫn coi  trường  như của chính mình. Tiêu biểu nhất trong số ấy là doanh nhân Ðặng Thành Tâm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðầu tư Sài Gòn (SGI). Là một doanh nhân thành đạt với số vốn đầu tư đứng nhất nhì đất nước, bởi các khu công nghiệp, kỹ thuật - công nghệ cao, Ðặng Thành Tâm và những người cộng sự của anh luôn chăm lo chia sẻ với xã hội. Cách đây mười năm, khi cơn bão số 7 tràn vào Hải Hậu gây thiệt hại về người và của, Ðặng Thành Tâm cùng vợ đã bay từ thành phố HCM, trực tiếp mang tiền và quà xuống ủng hộ nhân dân Hải Hậu vừa bị thiên tai. Dịp ấy, anh đã giành cho trường cấp 3 Hải Hậu những món quà nghĩa tình, thiết thực. Lần này, nghe tin trường cấp ba Hải Hậu sắp kỷ niệm 50 năm thành lập, bận đi công tác nước ngoài, Ðặng Thành Tâm đã cử cô Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông của Tập đoàn mang 300 triệu đồng đến ủng hộ nhà trường gây quỹ khuyến học. Thầy hiệu trưởng Vũ Thế Hưng cảm động thay mặt nhà trường mời anh Ðặng Thành Tâm, chị Cẩm Phương cùng lãnh đạo Tập đoàn về dự lễ. Thầy và trò trường THPT A Hải Hậu rất mong đợi được đón tiếp các vị khách quý từ phương Nam và những cựu học sinh, các thầy cô giáo đã từng dạy ở trường về sum họp.

Bỏ qua các lễ nghi thông thường, buổi họp mặt diễn ra trong bầu không khí  ấm áp nghĩa tình thầy trò, đồng môn, đồng hương. Tiếng hát của nghệ sỹ Chí Bình cùng nhóm nghệ sĩ Hội Cựu chiến binh thành phố và giọng ngâm thơ ngọt ngào của cô giáo Vũ Tuyết Thanh đã níu chân mọi người, không ai muốn chia tay. Ai cũng mong muốn có dịp được trở về thăm lại mái trường xưa. Bài thơ Hỏi chuyện cây bàng của một cựu học sinh lớp 10C thời chống Mỹ đã nói hộ lòng mọi người: Ta trở về thăm lại mái trường xưa. Hỏi cây bàng tuổi thơ bao nhiêu tuổi. Hỏi sân trường có bao nhiêu viên sỏi. Bụi phấn nào nhuộm trắng tóc thầy ta?... Sao quên được những tháng năm bom rơi. Ðội mũ rơm dưới nhà hầm thắp nến. Những Phương Ðức, Triệu Thông… ta đến. Củ sắn lùi ấm mãi tuổi thơ. Từ chóc, từ khoai, nước vối, nước mưa. Ðã chắp cánh cho bao nhiêu tiến sỹ. Con cháu đức Thánh Trần xứng danh hậu thế .  Ðất học, đất văn, đất Anh hùng …

TP Hồ Chí Minh, tháng 9-2010

T.T.T

Đọc thêm