Phóng viên BBC (Anh) đã đến tìm hiểu về các “Linh cẩu” và phát hiện, hủ tục này chẳng hề có tác dụng “tịnh hóa” (làm trong sạch), trái lại đã trở thành con đường để lây lan các bệnh tật như HIV-AIDS.
Nghi thức quái gở
Eric Aniva sống trong ngôi nhà 3 gian đầy bụi bặm ở En Sanje ở miền Nam Malawi, ngoài vườn có mấy con sơn dương và đàn gà. Mặc chiếc áo sọc xanh nhàu nhĩ, chân đi tập tễnh, ông ta nói khi cha mẹ sinh ra đã bị tật bẩm sinh. Khi thấy có nhà báo nước ngoài đến thăm, Aniva rất vui mừng vì được báo chí quan tâm.
Aniva là một “Linh cẩu” nổi tiếng trong làng này. Tên gọi này bắt nguồn từ một phong tục truyền thống trong vùng xa xôi hẻo lánh này. Mọi người thuê ông ta để phục vụ cho nghi lễ “tịnh hóa”: khi một thiếu nữ dậy thì, Aniva được mời đến để phá trinh cô gái; khi một người đàn ông vừa qua đời thì Aniva cũng được mời đến để ngủ với người vợ vừa góa chồng, sau đó tang lễ của người chồng xấu số mới được cử hành; nếu một phụ nữ không may bị sảy thai, Aniva cũng được mời đến để làm nghi thức “tịnh hóa” cho người đó.
Điều khiến người ta kinh sợ là ở đây, các cô gái vị thành niên trong vòng 3 ngày kể từ khi có kỳ kinh nguyệt lần đầu phải có quan hệ tình dục với “Linh cẩu”, coi đó là nghi thức cần thiết để thành người trưởng thành. Nếu cô gái cự tuyệt nghi thức “tịnh hóa” này, sẽ bị dân làng coi là mang đến bệnh tật và những điều rủi ro chí mạng cho gia đình và cộng đồng.
Aniva khoe: “Tôi toàn ngủ với những thiếu nữ còn đang tuổi đi học. Một số cô mới chỉ 12 – 13 tuổi, nhưng tôi thích ngủ với những cô lớn tuổi hơn. Là “Linh cẩu”, tôi đã đem lại khoái cảm cho các cô gái. Họ đều rất tự hào, sau đó thường đi kể với người khác tôi là một người đàn ông thực sự, biết cách đem lại niềm sung sướng cho mọi phụ nữ”.
Mặc dù, Aniva ra sức huênh hoang, khoe khoang nhưng khi tiếp xúc với mấy thiếu nữ trong làng, họ đều bày tỏ nỗi khiếp sợ và căm ghét về điều đã phải trải qua với “Linh cẩu”. Một cô gái tên là Maria nói: “Tôi bất lực, chả còn cách nào khác. Vì cha mẹ, tôi buộc phải chấp nhận việc đó. Nếu tôi cự tuyệt, người trong gia đình sẽ bị bệnh tật, thậm chí tử vong. Điều đó còn đáng sợ hơn”.
Aniva không nói thật về độ tuổi của mình, nhưng nhìn bề ngoài ông ta khoảng ngoài 40, hiện đang có 2 vợ, đều biết rõ về công việc của chồng. Aniva nói ông ta đã ngủ với 104 cô gái, nhưng năm 2012 ông ta cũng nói đúng con số đó khi trả lời phóng viên một tờ báo địa phương, vì thế phóng viên BBC nghĩ rằng ông ta không nhớ chính xác về con số “khách hàng” của mình.
Aniva nói ông ta có 5 đứa con, còn đối với những cô gái và phụ nữ chết chồng đã quan hệ tình dục thì không rõ có bao nhiêu người đã mang thai hay có con với ông.
Aniva nói mình là 1 trong số 10 “Linh cẩu” trong vùng, mỗi làng đều có 1 “Linh cẩu”, mỗi lần làm dịch vụ “tịnh hóa” họ được nhận thù lao từ 5 đến 7 USD.
Rời khỏi nhà Aniva, phóng viên BBC tìm gặp Fagis, Chris và Felia, 3 người phụ nữ ngoài 50 tuổi chịu trách nhiệm giữ phong tục truyền thống trong làng. Công việc của họ là hàng năm tổ chức tập trung những thiếu nữ sau khi dậy thì lại để dạy họ cách làm vợ, làm mẹ cũng như các kỹ xảo phòng the để hài lòng đàn ông. Trình tự công việc của họ thường kết thúc bằng hành động “tịnh hóa” của “Linh cẩu”.
Toàn bộ quá trình này được sắp xếp, tiến hành dưới sự tự nguyện đồng ý của cha mẹ các cô gái. Ba người phụ nữ này cho rằng “việc này là cần thiết để tránh lây bệnh cho cha mẹ hoặc cộng đồng”. Khi phóng viên giải thích, thực tế hành vi “Tịnh hóa” này mang nguy cơ lây bệnh cao vì theo phong tục khi quan hệ tình dục với các cô gái, “Linh cẩu” đều không mang bao cao su.
Nhưng họ phản bác, nói rằng: Các “Linh cẩu” được lựa chọn theo tiêu chuẩn khắt khe về đạo đức, vì vậy không thể có chuyện họ mang virus HIV-AIDS hay các mầm bệnh xã hội.
Nguy cơ lây nhiễm HIV-AIDS cao
Hiển nhiên, với “chức trách” kiểu loạn dâm như thế của các “Linh cẩu”, nguy cơ lây lan HIV-AIDS là một nguy cơ rất lớn. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bình quân cứ 10 người dân Malawi thì có một người mang virus HIV-AIDS.
Khi phóng viên hỏi Aniva: “ông đã đi kiểm tra xem có bị dương tính HIV hay chưa?”, câu trả lời “Cũng có cha mẹ một cô gái đã hỏi như thế, nhưng tôi không quan tâm”. Sau một hồi trò chuyện, khi thấy phóng viên có vẻ không mấy hứng thú với những lời khoe khoang của ông ta, Aniva nói: So với trước đây, hiện nay mật độ làm chuyện đó đã giảm nhiều. “Tôi chỉ thỉnh thoảng mới làm, hiện tôi cũng đã chuẩn bị thôi không làm nữa”.
Tất cả những người làm “Linh cẩu” đều biết rõ, hủ tục này bị giáo hội và người bên ngoài phê phán, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và chính quyền đều lên án gay gắt. Các cơ quan chính phủ Malawi đã triển khai một phong trào xã hội “chống các hủ tục văn hóa có hại”.
|
Aniva rửa tay gác kiếm vì không muốn con gái mình phải trải qua nghi thức quái gở này. |
Tiến sĩ Saba, Tổng thư ký Bộ Phúc lợi và bình đẳng giới Malawi nói: “Chúng tôi không lên án những người này, nhưng chúng tôi cần phải cho họ biết những tình hình liên quan để họ thấy cần phải từ bỏ nghi lễ mang tính hủ tục này”.
Qua tìm hiểu thì thấy, tại vùng này, những bậc cha mẹ được học hành tử tế đều không còn mời “Linh cẩu” “tịnh hóa” cho con em họ nữa, nhưng một số bà mẹ mà phóng viên BBC tiếp xúc vẫn cho rằng cách làm này không có gì sai trái.
Bà Christie, một phụ huynh, nói: “Văn hóa của chúng tôi chả có gì sai trái cả. Nhìn vào xã hội hiện nay, ông sẽ thấy các thiếu nữ thường hành xử rất vô trách nhiệm, nên chúng tôi phải có biện pháp tốt để giáo dục các thiếu nữ trong làng, tránh bị lôi kéo vào con đường lệch lạc, hành xử tùy tiện; là vợ phải biết làm chồng thỏa mãn, như thế thì gia đình mới kỵ tà được”.
Đã đến lúc chấm dứt hủ tục
Linh mục Boucher, một người sinh ra ở Pháp, đã sống ở Malawi 50 năm, hiện là một nhà nhân chủng học nổi tiếng, cho biết: nghi thức này có từ mấy thế kỷ trước. Trước đây, các thiếu nữ 15, 16 tuổi mới dậy thì, nghi thức này dùng để lựa chọn người chồng tương lai. Ngày nay, nó lại do các “Linh cẩu” tiến hành, thế nhưng dân chúng địa phương vẫn không thấy kinh sợ về hủ tục loạn dâm đó.
Ông Boucher nói thêm, mặc dù giáo hội đã rất nỗ lựa nhưng ở các vùng xa xôi hẻo lánh của Malawi, người ta vẫn ngoan cố cự tuyệt thay đổi hủ tục ngược đãi tình dục với trẻ em đó. Tại phần lớn các địa phương ở Malawi, nhất là các vùng gần đô thị, nghi thức này đều đã bị xóa bỏ. Tại miền Trung Malawi, chỉ những quả phụ hay phụ nữ không sinh con mới thuê “Linh cẩu”.
Một trong 2 người vợ của Aniva, bà Fanni cho biết, bà chính là một phụ nữ góa chồng được Aniva “tịnh hóa” sau khi chồng chết, ít lâu sau thì hai người trở thành vợ chồng, hiện họ đã có với nhau một con gái. Hai người có vẻ không hòa hợp với nhau.
Fanni cho biết, bà rất căm ghét công việc của chồng, nhưng cả gia đình sống nhờ vào thu nhập từ công việc đáng hổ thẹn ấy. Khi được phóng viên hỏi: Bà có muốn 10 năm sau cô con gái 2 tuổi của mình cũng phải trải qua nghi thức “tịnh hóa” hay không? Fanni đáp: “Không! Tôi không muốn điều đó xảy ra, tôi muốn chấm dứt tập tục này.
Chúng tôi bị cưỡng bức phải ngủ với “Linh cẩu” nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Đó là bi kịch của phụ nữ chúng tôi”.“Khi chuyện đó xảy ra với bà, bà có hận ông ấy không?” “Có! Bây giờ tôi vẫn rất căm hận chuyện đó”.
Phóng viên hỏi Aniva: “ông có muốn con gái mình sau này cũng phải chấp nhận nghi thức “tịnh hóa” hay không?” Câu trả lời khiến phóng viên bất ngờ: “Không! Con gái tôi thì không được! Tôi không cho phép chuyện đó xảy ra.
Hiện tôi đã chuẩn bị đấu tranh để chấm dứt tập tục này”. Phóng viên hỏi: “Chẳng phải ông vẫn đang làm chuyện này đó sao?”. “Không! Tôi đã nói rồi. Hiện nay tôi không làm chuyện đó nữa!”. “Thật không?”. “Đương nhiên, chính xác tuyệt đối, tôi không làm “Linh cẩu” nữa!”…/.