Nơi đầu nguồn con sông Nậm mộ, giữa rừng núi hoang vu, vắng vẻ của rừng già cộng với cái thâm u, cung cốc của đại ngàn có ngôi trường nằm lọt thủm giữa thung ở cái độ cao ngút trời, mây trắng vần vũ trên đầu mang tên Tây Sơn. Giữa cái khó khăn, thiếu thốn của vùng sâu, vẫn có những học trò nghèo người dân tộc Mông ngày ngày chong đèn miệt mài với con chữ sống giữa sự chăm nom, dìu dắt của những người thầy, người cô tuổi đời còn rất trẻ.
Trường THCS Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nằm cách trung tâm thị trấn Mường Xén 12 cây số. Đây là ngôi trường “gộp” cả tiểu học và trung học làm một. Cách nước bạn Lào một cánh rừng.
1.Gian nan đường cõng chữ
Cách trung tâm thị trấn Mường Xén 12 cây số, để đến được trường dạy các thầy cô phải trèo đèo, vựợt dốc, đi đường rừng mất gần 2 giờ đồng hồ. Đường đến trường luôn là nỗi ám ảnh của những thầy cô giáo vùng cao Tây Sơn. Vòng vèo, loanh quanh, uốn lượn vòng cung, hết khúc đèo này khúc đèo kế lại sừng sững ngay trước mắt. Ở bên dưới lưng đèo là vực sâu hun hút, thăm thẳm, đen ngòm, chỉ lỡ sẩy chân xuống không biết mình sẽ trôi về đâu!
Cho đến tận bây giờ, cô giáo Phan Thị Huyền vẫn không quên được ngày đầu lên Tây Sơn “ Đi dạy giống như bộ đội ngày xưa vậy. Băng đèo, băng dốc, y như hành quân giữa rừng ngày nắng còn đỡ chứ vào ngày mưa, đường rừng nhão nhoẹt bùn đất cứ bám dính chặt lấy chân không rời, xe máy mà leo cũng trầy ngang, trầy dọc, rồi nằm chỏng chơ giữa đường, lên tới trường chân tay, người ngợm cứ lấm lem bùn đất, y như vừa đi cày về vậy!”
Vợ chồng cô giáo Vinh đang "hành quân" trên đường tới trường |
Không kể mùa nào, ở Tây Sơn khiến cho con người ta có cảm giác ớn lạnh, rùng mình. Hè thì những cơn gió lào thổi hun hút, táp vào người nóng ran cả mặt, chân tay da cứ nứt ngang, nẻ dọc; đông về thì rét, cái rét lạnh căm thấu vào da thịt, đó là chưa kể đến những con vắt rừng, muỗi vàng, ốc sên lúc nào cũng chầu chực bên cạnh để hút máu, châm chọc. Ở trường, thầy cô giáo nào chân tay cũng đầy những vết sẹo do sinh vật nơi đại ngàn gây ra.
Nhưng những khổ cực đó vẫn chưa thấm vào đâu so với những lần các thầy cô giáo đi vào tới tận bản làng nằm sâu trong rừng già giáp biên giới Lào vận động các em học sinh tới trường. Trèo đèo, lội suối, băng rừng, nhiều bữa mưa rừng, lũ cuốn, sạt lở phải nằm đêm giữa rừng đối mặt với rắn độc, nhịn ăn, nhịn mặc dường như đã trở nên quá thường với các thầy cô giáo nơi đây. Không ít thầy cô giáo, khi đi vận động để các em đến trường phải ở lại làm nương, làm rẫy, kiếm củi, gánh ngô… cho các gia đình có người còn bị dậm dọa, bắt nạt “cô mà bắt nó tới trường là tui bắn!” thương trò, các thầy cô lại phải làm tất cả.
Ngôi nhà lụp xụp được dựng thành một dãy dài san sát bằng gỗ đã mục, trống hoách, bên trên được lợp bằng tấm tôn đã hoen rỉ nước là nơi trú ngụ của các thầy cô trong trường. ngày mưa thì dột trên dột xuống. Nhà bếp là những tấm mên đã nát được dựng vách xếp thành trống trên, trống dưới, trống cả 2 bên nách. Bữa ăn chính của các thầy cô giáo là cá khô, mỳ tôm, rau và măng rừng. Có tuần, mưa nên không ai ngoài thị trấn được nên các thầy cô phải luân phiên thay nhau vào rừng chặt củi, kiếm rau, kiếm sắn, khoai về ăn trộn với cơm. Để cải thiện bữa ăn, các thầy cô trong trường nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, trồng đậu… ngày ngày ngoài giờ lên lớp, vận động các em lại phải vào rừng gánh nước tưới rau, kiếm rau về cho lợn.
Ngôi trường cắm trong bản chẳng khác gì nhà chòi |
2.Con chữ trong tình thương
Trường có tất cả với 43 giáo viên nam - nữ, phần đa là các thầy cô giáo có tuổi đời còn rất trẻ mới tốt nghiệp ra trường, chỉ có vài thầy cô giáo là người dân tộc Mông. Lòng nhiệt tình, tâm huyết tuổi trẻ và tình yêu thương học trò bao la chứa đựng trong tất cả những người giáo viên nơi đây. Sáng sớm tinh mơ, sương mù bao phủ trắng ngôi trường. những em học trò người dân tộc Mông bắt đầu tới lớp, cái lạnh khiến bàn tay, đôi chân, người các em co rúm lại, môi thâm tím, run rẩy trong chiếc áo cộc cũ kỹ đã sờn. giờ học, lớp nào đông lắm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại cứ dăm bảy em ngồi sục sịch trên những chiếc bàn học, lớp học trống, những cơn gió lạnh ùa vào khiến các em càng them run rẩy.
Thầy giáo A Lử say sưa giảng bài |
Tiết toán của thầy giáo Vừ A Lử, dân tộc Mông ngày nào cũng vậy. Dạy toán với những phép tính đơn giản cộng, trừ, nhân, chia, cao hơn là những bài giảng về hình học, đa giác. Thầy giảng, trò cứ ngú ngớ, lóng ngóng bên dưới. Thầy cố giảng giải thật chậm, thật dễ hiểu rồi tận tình xuống từng bàn học hướng dẫn các em. Gần 10 năm nay, thầy A Lử ngày nào cũng chăm bẵm, trông nom các học trò của mình như con cháu trong nhà, bày từng phép tính, bày từng con số. mỗi khi có trò giải đúng bài tập thầy không giấu được sự vui mừng, hạnh phúc. “gieo chữ cho các em nó cũng khó như cây ngô, cây lúc mọc lên được từ những khe đá trên núi, phải cẩn thận, phải tận tình, phải nâng niu, dìu dắt từng bước một và chăm bẵm nó rồi sẽ có ngày cây lúc, cây ngô ra bông, kết quả”- Thầy A Lử tâm sự.
Ở cái tuổi 26, cô giáo dạy tiếng anh Ngọc Trâm, phó chủ tịch công đoàn nhà trường là người hiểu rõ hơn ai hết sự khổ cực, gian nan của các thầy cô giáo trong trường cũng như các em học sinh vùng cao dân tộc Mông. Giờ dạy tiếng anh, trò không biết tiếng kinh, phát âm còn chưa chuẩn, tiếng việt còn ú ớ thì hỏi làm sao các em học được tiếng anh, do vậy cô trâm phải dạy kiêm luôn tiếng việt, dạy cách phát âm cho các em. Nhìn các em mỏng manh trong chiếc áo ngắn cụt tới lớp, các thầy, các cô không khỏi động lòng, rơi nước mắt. Lạnh thế, rét thế mà các em vẫn băng rừng lội suối tới lớp chừng ấy thôi cũng đủ để biết các thầy, các cô, cái chữ, con số quan trọng với các em như thế nào. san sẻ nhau từng bát cơm, đĩa thức ăn thầy trò nhìn nhau mà lòng xót xa, ái ngại. Thương trò, thầy cô chỉ biết đem hết tình yêu thương của mình bao bọc, che chở lấy các em.
Các em bữa học, bữa bỏ thành thử một bài học có hôm thầy cô phải dạy đi dạy lại vài ba lần, em đến trước, em đến sau. Vui nhất vẫn là những giờ dạy học nhạc. Trên lớp, cô giáo Quang Thị Lý, dân tộc Thái đánh đàn, bên dưới, các em ngẩn ngơ nhìn những nốt nhạc, tiếng đàn vang thật xa, lúc trầm, lúc bổng rồi cả lớp cùng đồng thanh hát. Tuy còn có tiếng ú ớ vì không thuộc lời, hát sai nhạc, sai lời nhưng tất cả điều ấy cũng chẳng sao vì cô giáo đã làm được cái điều mình muốn “hòa nhịp” với các em. “Các em thông minh lắm, trông vậy mà sáng dạ. Nếu có đủ điều kiện học chắc các trò của chúng tôi cũng không thua kém gì các trò dưới xuôi đâu.” Cô Lý nói.
Nếu không có lòng yêu nghề và một trái tim biết yêu thương, một tấm lòng bao la thì tôi tin chắc rằng các thầy cô giáo nơi đây sẽ không dám hy sinh cả tuổi xuân ở nơi thâm sơn cùng cốc này. Tuổi trẻ và khát vọng, niềm tin và tình yêu nghề đã chiến thắng sự run sợ trước khó khăn, gian nan, vất vả, khổ cực ở các thầy cô giáo trẻ những người quyết tâm gieo chữ vào tận trong những bản làng xa xôi nhất của vùng cao tây sơn. Bốc từng gốc rễ, nhấc từng phiến đá các thầy cô giáo Tây Sơn không ngại khó, ngại khổ dạy con chữ cho các em học sinh dân tộc Mông.
Theo GD&TĐ