* Diễn biến thời tiết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, vụ xuân năm 2011 là một vụ xuân rét, rét hơn trung bình nhiều năm. Các đợt rét tập trung vào tháng 1 đầu tháng 2, đúng vào thời điểm gieo mạ xuân. Để đảm bảo có đủ mạ cấy hết diện tích đúng cơ cấu, đúng thời vụ và phòng chống tốt bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nam Định đề nghị bà con nông dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Chọn địa chỉ tin cậy để mua giống như: các công ty, các HTX dịch vụ có bảo hành đến cuối vụ. Sử dụng các giống lúa có chất lượng tốt từ cấp xác nhận đến nguyên chủng, ngắn ngày có tỷ lệ nảy mầm: lúa lai >= 80%; lúa thuần >= 85%.
- Thực hiện nguyên tắc 3 cùng: “Cùng giống, cùng thời vụ, cùng cánh đồng” để từ đó quy vùng gieo cấy tại địa phương.
- Giống lai: D.ưu 527, Nhị ưu 838, D.ưu 725, Thái xuyên 111, Phú ưu 1, N.69, Syn 6, HYT 100, Thiên ưu 1025, VQ 14... lượng: 1,0-1,2 kg/sào.
- Giống thuần: BT7, KD18, NĐ1, VHC, Nếp 87, 97... lượng: 2-3 kg/sào.
- Mở rộng diện tích trình diễn các giống lúa mới ngắn ngày có năng suất khá, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh tốt như: NĐ5, TBR45, QR1...
2 - Thời vụ gieo: Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của giống để bố trí thời gian gieo mạ sao cho các giống trỗ bông vào thời điểm thuận lợi nhất từ 5-15 - 5.
- Giống có TGST > 125 ngày: gieo 22 đến 30-1 (gồm giống lai như trên + NĐ1).
- Giống có TGST < 125 ngày: gieo 1 đến 7-2 (gồm giống lúa thuần như trên + HYT100, VQ14).
- Lúa gieo sạ: gieo 10 đến 15 - 2.
3 - Kỹ thuật ngâm ủ: Trước khi ngâm nước nên phơi hạt giống qua nắng.
- Lúa lai ngâm 20-30 giờ, cứ 5 giờ thay nước 1 lần.
- Lúa thuần ngâm 60-70 giờ; 10 giờ thay nước 1 lần.
- Ngâm thóc trong nước ấm 350C, giống D.ưu 527 phải ngâm thuốc “bách bệnh tiêu” để trừ nấm von, cách ngâm: pha một gói thuốc trong túi giống vào một lít nước khuấy đều để ngâm 1 kg giống trong 10 giờ đãi sạch rồi ngâm tiếp cho đủ nước. Sau đó đãi sạch nước chua và để ráo nước khi ủ. Khi ủ phải đủ nhiệt (30-320C) bằng cách vùi trong đống rơm rạ sau 24-30 giờ kiểm tra, nếu thấy khô thì phải tưới bổ sung. Khi hạt nứt nanh thì vùi nông hơn. Khi mộng, rễ dài bằng hạt thóc đem gieo, riêng sạ hàng mộng, rễ dài bằng 1/2 hạt thóc.
4 - Phương thức gieo mạ:
a - Mạ nền: (Là phương thức gieo chủ yếu)
- Chọn nền đất gieo nơi kín gió Bắc, đủ ánh sáng, thoát nước tốt.
- Nên rải một lượt trấu, tro bếp hoặc lá chuối trước khi dàn bùn để tránh làm đứt rễ khi lấy mạ đi cấy.
- Chọn bùn không chua, không hẩu; lấy trước khi gieo 1-2 ngày.
- Trộn bùn với phân chuồng mục theo tỷ lệ 2:1 cứ 5m2 nền trộn thêm 1 kg lân supe, sau đó dàn đều bùn dầy 2 cm, luống rộng 1,2-1,3m.
- Mật độ gieo:
+ Lúa lai: 1kg gieo 5m2 nền
+ Lúa thuần: 1 kg gieo 3m2 nền
Sau gieo dùng chổi hoặc bao tải dập chìm mộng.
- Tưới nước: ngày tưới 2 lần, dùng ô doa tưới vào buổi sáng và buổi chiều, không để nước đọng trên luống mạ và trên rãnh mạ.
b- Mạ dược cấy vàn trũng:
- Chọn ruộng có độ phì khá, khuất gió bắc gieo thành vùng tập trung để tiện tưới tiêu, chăm sóc, bảo vệ mạ.
- Ruộng được cày bừa kỹ, san phẳng, dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật.
- Lên luống rộng 1-1,2m, rãnh rộng 25-30cm, sâu 15-20cm.
- Phân bón:
+ Lượng phân: 200-300 kg P/c hoai mục hoặc 20 kg phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh + 15 kg supe lân + 2 kg urê + 2 kg kali cho một sào mạ.
+ Cách bón: Sau khi lên luống, rắc toàn bộ phân lên mặt luống, dùng cào dập chìm phân rồi gạt phẳng mặt luống, sau một ngày mới gieo.
- Mật độ gieo:
+ Lúa lai: 1 kg giống/20m2 dược.
+ Lúa thuần: 1 kg giống/10m2 dược.
- Chia mộng theo số luống để gieo cho đều, gieo xong dùng bao tải kéo chìm mộng.
- Tưới nước: từ gieo -1,5 lá giữ đủ ẩm, từ 1,5- cấy giữ nước nông 1 cm mặt luống.
5 - Chống rét và bảo vệ mạ: Để đảm bảo cho mộng mạ sau gieo ngồi nhanh, STPT khoẻ nhất thiết phải che đậy kín bằng nilon trắng 5-7 ngày để giữ nhiệt độ.
- Dùng cọc tre dài 1,8-2 m, rộng 2-3 cm, cắm cách nhau 1,5 m, đỉnh dàn cách mặt luống 60 cm.
- Đóng mở ni lon: để chống rét và phòng chống rầy xâm nhập hại mạ.
+ Nhiệt độ dưới 150C đóng ni lon cả ngày và đêm.
+ Nhiệt độ trên 150C ngày mở, đêm đóng từ 5h chiều đến 7h sáng hôm sau.
- Khi mạ nền bị chết chòm, loại bỏ ngay mạ bị chết chòm, đặt mạ lên lớp bùn mới hoặc cấy ngay nếu nhiệt độ > 150C.
- Bảo quản mạ: dùng lưới hoặc nilon quây xung quanh khu gieo mạ chống gà, chó, mèo, chuột... phá hoại.
- Gieo dự phòng bằng các giống ngắn ngày: VHC, KD18, BT7,...
* Tiêu chuẩn mạ khoẻ: Cứng cây, đanh dảnh, lá màu xanh tươi, sạch sâu bệnh; gieo mạ dược có ngạnh trê, cao cây 20-25 cm; mạ nền có 2,5 lá cao cây 10-12cm.
6- Sâu bệnh:
- Phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại chủ yếu như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, dòi đục nõn, bọ trĩ,... phun tiễn chân mạ trước khi cấy 3-4 ngày bằng một trong các loại thuốc nội hấp: Actara 25 WG, Penalty 40WP, Dantotsu 16 WSG, Conphai 10 WP...
- Nếu mạ bị bệnh lùn sọc đen phải nhổ bỏ vùi cây bệnh tiêu huỷ ngay từ vùng mạ bị nhiễm bệnh.
* Chú ý: Không che mạ bằng bạt hoặc nilon tối màu, không lạm dụng che nilon. Chuẩn bị giống sớm kể cả lúa lai và lúa thuần vì hiện tượng thiếu giống lúa vụ xuân là thực tế./.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nam Định