Ký ức bolero

(PLO) - Phải tất tả một mình trên con đường mòn trong rừng sâu vào lúc chập choạng hay nằm lười góc nhà sàn ven rừng, nghe mưa thả giọt trên mái tranh, vẳng tiếng vượn gọi bạn đều và lạnh như chuông chùa mới cảm nỗi cô độc đến chết được ở “Chiều mưa biên giới” hay “Mùa pensee nở”.
Ảnh minh họa

1. Vùng đất Lâm Đồng nằm ở phía nam Tây Nguyên, ngày trước đa số người K’Ho, Mạ sinh sống, với người Kinh là đất mới. Sau năm 1975 trở đi, người tứ xứ lũ lượt đổ về, Bắc, Trung, Nam đủ, có cả người Chăm, Khmer. Người ta đến đây bằng nhiều đường: Bị đánh tư sản, sau học tập cải tạo, đi làm ăn kinh tế mới và cả di dân tự do. Thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, rừng bạt ngàn, nên cư dân chỉ có một nghề là chui vào rừng. “Cao cấp” như tìm trầm, đào cổ vật đến xẻ gỗ, đốt than, đốn củi, nhẹ nhàng hơn, chẻ tăm nhang, đan sọt, hay cả đào đồi Mỹ kiếm rác. Sáng gieo chiều gặt nên ai cũng sống được dù chỉ khoảng nửa tháng lại có một cái xác trương phềnh nổi lên ở khúc quẩn của con sông thượng nguồn hay được nhóm bạn rừng lặng lẽ khiêng ra ngoài vì cây đè hay sốt rét.

Xứ sở này, ý niệm quê hương cứ nhàn nhạt, có phần cưỡng bức với người lớn, họ vẫn nghĩ về nơi khác. Chỉ đám 7x như tụi tôi, hầu hết lớn lên ở nơi đây và mơ hồ về nơi chôn nhau cắt rốn, mới dùng từ “về quê” khi đi đâu xa. Ba chục năm trước, lúc đó còn nhiều dị biệt về ăn ở, có thôn, xã chỉ toàn người Quảng Ngãi, Hà Nam Ninh hay Bến Tre, rồi phía bên này, bên kia… nhưng đóng dấu ấn trong tuổi thơ của đám trẻ con là thi thoảng, buổi tối đi nghe mấy ông già tụ với nhóm thanh niên tập dợt đờn ca để chuẩn bị dịp chào mừng gì đó. Người ghếch cây đờn rách khảy được vài gam vài điệu, ông nọ ôm bộ trống thủng bài nào cũng gõ nhịp kiểu “vịt luộc/chấm mắm gừng”. Đi lại vẫn mấy ca khúc chính trị, hồi đó gọi là nhạc nhẹ, như: “Trị An âm vang mùa xuân”, “Bài ca không quên” hay “Mùa xuân từ những giếng dầu”, “Em ở nông trường em ra biên giới”… Chỉ khác, mỗi lần nghe các bà chị ca “Bài ca tạm biệt” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, đám nhỏ tụi tôi lại mê mẩn vì nó cứ thủ thỉ, buồn buồn làm sao ấy, một chút ánh sáng đô thành, một chút liêu trai tăm tối như chính nơi đây. 

Đến tuổi 13, 15, sau buổi học chung, đi rừng chung là những buổi tối đám trẻ đang lớn ngồi ké chiếu nhậu của đàn anh. Lạ thật, trong bàn nhậu người ta đờn, hát thứ khác, dễ hiểu, dễ cảm, dễ gần. Nhất là khi hớp mấy ly xoay chừng, người nóng bừng, mê mê, đến câu “xin thật lòng trong câu hát đầu môi” (Rừng lá thấp) mà thấy nặng nặng, hay nghe chuyện tình trong Lan và Điệp mà trĩu lòng… Lúc ấy, người ta gọi là “nhạc vàng”. Một người lính tiền đồn, tên Lý Hoài Bảo sinh năm 1952, có cánh tay phải bị thương tật sau cuộc chiến, chỉ còn ngón trỏ cử động được, vừa đờn vừa hát. Tiếng đờn của ông Bảo da diết, chậm buồn, giọng ca ai oán. Ông vốn là trẻ mồ côi, lớn lên trong cô nhi viện ở Sài Gòn, đủ tuổi nhập ngũ làm lính biệt kích Lôi Hổ. Sau 1975, ông đi cải tạo và bỏ lên rừng, làm con nuôi một cặp vợ chồng người Hoa không con, quá nửa đời mới lấy vợ. Vợ ông, một người thanh niên xung phong đã lỡ thì, theo đoàn kinh tế mới từ ngoài Hà Nam vào đây. Thỉnh thoảng, góp vui với chồng trong buổi nhậu, bà lại cất giọng đầy da diết, như nhớ về tuổi thanh xuân bom đạn “dù cho núi cách sông ngăn, dễ gì chặn được duyên anh với nàng” (Câu hò bên bờ Hiền Lương).

2. Máy cát-sét là một thứ xa xỉ mà ông già thằng bạn, cựu nhân viên đại sứ quán Mỹ, đã mua hơn một cây vàng sau khi bán con trâu đực. Kèm theo chiếc Sony hai hộc băng đen bóng mới toanh là hai cuốn băng Phạm Duy. Cả đám trẻ tụ tập nhưng không nghe Phạm Duy vì chẳng hiểu gì, hết Thanh Tuyền, Phương Dung đến, Chế Linh… Mải mê nghe cho nhớ nhạc rồi chép lời ra sổ học thuộc lòng. Khi mỗi đứa biết chừng dăm bài, chung tiền mua rượu mang đến nhà mấy ông anh lớn mời nhậu. Có đám trẻ thêm xôm tụ, người già như ông Bảo cũng vui lây. 

Mò mẫm, tập tành mãi, mỗi thằng cũng lận lưng được mấy điệu, mấy bài. Ông Bảo dần trở thành người thân với nhóm trẻ, sau này ông trở thành bạn vong niên khi một đứa trong đám chúng tôi trở thành anh em cột chèo với ông. Thành thử vai vế tán loạn, khi gọi anh, lúc chú, khi lại kêu là “khứa”, đọc chệch theo người Hoa thành khứa Bẩu. Những đêm cao hứng, khi rượu ngà ngà, khứa Bẩu lại ôm đàn vừa hát vừa cố nhớ những bài lạ, có lẽ hàng chục năm rồi ông chưa từng hát lại. Khắc khoải như Chiều thương đô thị (Song Ngọc) đến nức nở thảm sầu của Chuyện loài cỏ đêm (Hoàng Trang), những khi ấy nhìn vào mắt ông óng ánh nước, tiếng ca như chực oà vỡ. 

Đến năm 1990, đám bạn bỏ học gần hết, phần vì đói nghèo phải căng ra kiếm sống, phần vì cái chữ xa xôi. Mấy thằng nghỉ học bắt đầu tập toẹ tán gái, mò đến thôn khác chơi bời. Lại cũng tụ tập một đám, lấy lòng con gái nhà người ta bằng đờn hát. Ở xứ tôi, lứa tôi, bolero bây giờ lan thành “bệnh dịch”. Nhưng với tôi, ám ảnh bolero không phải từ những đêm trăng cua gái, đó là những buổi chập choạng còn rảo chân ở góc rừng, vai đẩy chiếc xe thồ trĩu nặng, mắt nhìn những vạt rừng chập chùng, miệng thì thầm “kìa rừng chiều âm u rét mướt, người tìm về trong hơi giá buốt” mà tâm trạng cô độc, pha chút lãng tử, mãn nguyện mơ hồ.

Hay như một chiều mưa nằm trên nhà sàn ở bìa rừng, chờ cuối ngày thồ bông đót cho bạn, nhìn đom đóm lập loè, nghe “Đom đóm” từ máy cát-sét rè loa mà tưởng tượng “ngày xa xưa chơi trò đi trốn nhau, cho em đi tìm, gọi anh đom đóm ơi”. Bỗng, một sơn nữ đẹp như mơ hiện ra thật ở cửa rừng, trên vai gùi bao đót. Chỉ một khoảnh khắc đó, tôi đã phải mất ba năm ròng đi tìm cô sơn nữ ấy, đến khi giáp mặt mới biết mình không mơ. Bây giờ sau hai mươi bốn năm, mỗi khi ôm đàn, cất giọng, tưởng như mình vẫn chập chùng ở một cánh rừng, lâng lâng nhìn người con gái đang nhẹ bước, dần khuất sau nẻo đường quanh co. 

3. Sau khi đi đủ vòng 60 năm cuộc đời, trước khi mất chừng nửa năm, khứa Bẩu và đám chúng tôi đã bị tụi trẻ hất văng khỏi chiếu nhậu, trong đó có thằng con trai của ông. Cha chú đang mơ màng với “Mấy dặm sơn khê”, thằng con lại rống lên “thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu, thà là bỏ đi hết ta chẳng nợ gì nhau”. Đêm đó, khứa Bẩu ngồi ở cửa, chờ đến nửa đêm khi thằng con trai mò về, ông lấy hết sức tát cho nó một cái. 

Ngày ông đi, cả đám ngồi quanh mộ ở lưng chừng đồi, mỗi người tiễn ông bằng một bài bolero, hát và khóc. Có lẽ với người nằm xuống, cái chết nhẹ như “về trong giấc an lành” (Chuyến xe ba người) nhưng với những người đứng xung quanh, chiếu rượu tối đó đã vắng thêm một người. Ngày mai ngày mốt, cái nhóm bolero sẽ thưa dần, thưa dần, nên ai nấy bảo nhau sẽ tiễn đưa nhau giống như những ngày đang sống.   

Đến bây giờ, có đứa đã ngồi sui vẫn cứ gân cổ “bolero đi” mỗi khi cả đám tụ tập bên chiếu rượu. Đứa ôm đàn chơi gì mặc kệ và dù cũng tạm phân biệt được đâu là bolero, tango habanera, rumba, bossa nova hay thứ gì gì nữa, nhưng ám ảnh đầu đời vẫn mãi “bolero đi”. 

Đọc thêm