Bàn làm việc của tôi ở nhà là một cái bàn gỗ kiểu cũ, mối mọt, xiêu vẹo. Ai đến chơi cũng hỏi tại sao chưa thay đi, tôi chỉ cười. Với tôi, đó không chỉ là chiếc bàn, đó là cả một kí ức đẹp đẽ và ngây ngô về lần đầu bước chân vào nghề.
|
hình minh họa |
Thân chủ đầu tiên
Năm 1996, tôi giã từ ngành công an bước vào nghề luật. Con đường phía trước hãy còn mờ mịt, chưa định hướng rõ sẽ đi về đâu. Ngày ấy, tôi thuê một căn phòng ở khu nhà trọ tồi tàn trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM. Căn phòng nhỏ chỉ đủ kê một cái võng, vài quyển sách, và cũ kĩ đến nỗi con mèo chạy ngang xà nhà người nằm dưới cũng phải lấy tay che mặt sợ mối mọt gỗ bay vào mắt.
Một hôm, tôi đang nằm võng ngẫm nghĩ về tương lai, về nghề nghiệp, thì nghe tiếng lao xao ngoài cửa, tôi liền đi ra xem. Thì ra ông chủ nhà trọ đang dẫn một phụ nữ trạc 40 đi tham quan dãy phòng, thấy tôi, ông liền giới thiệu: "Khu nhà trọ của tui an toàn lắm. Có cả ông Luật sư, Công an này ở nữa nè" (trong nhận thức của người dân chưa hiểu rõ lắm về nghề nghiệp của tôi). Người phụ nữ nghe ông chủ nhà giới thiệu thì quay lại nhìn tôi chăm chăm và hỏi lại: "Luật sư ở đây hả", rồi ra về.
Mấy ngày sau, người phụ nữ nọ đến nhà trọ tìm tôi. Chị xưng tên là Nguyễn Thị M., ở quận Bình Thạnh, TP.HCM và trình bày hoàn cảnh của mình: "Nghe nói ông là Luật sư mà hồi đó làm công an, chắc ông rành luật lắm, tui mới tới nhờ ông giúp tui vụ này...".
Chẳng là, trước kia gia đình chị sống rất hạnh phúc, nhưng thời gian gần đây chồng chị bỗng dưng... có "bồ nhí". Ông này cặp kè với một phụ nữ bán vải ngoài chợ, khăng khít không rời, rồi trở nên thờ ơ với vợ con, bỏ lửng gia đình. Sau nhiều phen rình rập và có đủ chứng cứ, chị M. tìm đến cô bồ nhí của chồng "nói chuyện phải quấy".
Lời qua tiếng lại, tức giận, chị rút con dao mang theo chém tới tấp vào người đàn bà nọ. Được mọi người can ngăn nên cô kia chỉ bị xây xát sơ sơ, đưa vào bệnh viện băng bó. Biết tin chồng mình vào thăm, cơn giận bốc lên, chị cầm dao xông vào bệnh viện đòi "xử tới bến" tình nhân của chồng. Chị bị bắt sau đó được tại ngoại chờ ngày tòa xử lý.
Tôi nhận bào chữa cho chị. Trước khi đến phiên tòa, tôi đã tìm gặp người chồng để hỏi rõ ngọn ngành. Trong câu chuyện của mình, anh chồng tỏ ra hối hận vì việc mình làm. Anh cho biết, trước kia vợ anh cũng là người phụ nữ tảo tần, yêu thương chồng con. Còn anh cũng chăm chút quý trọng gia đình.
Nhưng từ ngày tình cờ làm quen và cặp bồ với cô bán vải, anh đâm ra quên tuốt vợ con, chẳng nghĩ gì đến gia đình. Không màng đến sự vất vả của vợ và cả chuyện học hành của con cái. Lời ăn năn của anh được tôi đưa ra trước tòa để làm căn cứ bào chữa cho chị vợ...
Kỉ vật để răn mình
Tại phiên tòa, người chồng đứng lên rưng rưng nói: "Vợ tôi không phải người hung dữ, chỉ vì tôi mê vợ bé bỏ bê gia đình, nhiều lần vợ tôi khuyên nhủ mà tôi không nghe khiến vợ tôi buồn bực sinh quẫn trí. Mong quý tòa cho vợ tôi cơ hội được sửa sai, để con tôi không phải xa mẹ, để vợ chồng được làm lành, cùng xây dựng gia đình êm ấm như xưa...".
Lời hối hận của người chồng ấy cùng với những luận điểm bào chữa của tôi đã giúp chị Nguyễn Thị M. được chuyển đổi từ một năm tù giam theo đề nghị của Viện Kiểm Sát thành một năm án treo.
Sau phiên tòa, vợ chồng chị gặp tôi cảm ơn rối rít.
Anh chồng nói: "Tui biết sai rồi, từ nay tui không dám lăng nhăng làm khổ vợ tui nữa". Còn chị vợ kéo tôi ra một góc, nói riêng: "Giờ xong phiên tòa rồi, tui mới thú thiệt với ông Luật sư. Cái lúc mà tui bị công an bắt rồi cho tại ngoại chờ tòa xử, tui nghĩ thế nào mình cũng bị tù. Mà tui sợ bị tù lắm, tù là chồng bỏ theo gái, rồi con cái ai nuôi?.
Nghĩ vậy nên tui tìm đường bỏ trốn đi cho khuất mặt một thời gian, khi nào người ta quên tui lại về. Nhà ở bên Bình Thạnh, tui tìm qua tuốt Cộng Hòa, vô khu trọ lụp xụp nhứt để thuê phòng ẩn náu. Ai dè ông chủ trọ vừa dẫn vô thì giới thiệu ngay ông là Luật sư, Công an. Tui mới nghĩ thầm là có nghe nói thuê Luật sư là sẽ giảm tội, nhưng thuê Luật sư mắc lắm. Nay gặp ông ở trọ khu lao động này, chắc giá cũng bình dân, có lẽ trời Phật thương tình nên chỉ đường đưa lối. Vậy là tui nhờ ông (Luật sư) luôn.
Sau này tui mới nghe nói, nếu mà bỏ trốn thì họ truy nã chứ làm sao tui về nhà được nữa. May phước tui gặp ông Luật sư, không là giờ tui bị truy nã trốn chui trốn nhủi rồi..."
Lời trần tình của chị M. khiến tôi vừa cảm động, vừa buồn cười. Lần đầu tiên nhận một vụ việc, lần đầu đứng trước tòa bào chữa đã để lại cho tôi một kỉ niệm khó quên. Lúc ấy, con đường dường như đã bắt đầu được soi tỏ trước mắt tôi. Hơn lúc nào hết, tôi thấm thía ý nghĩa công việc mình đang theo đuổi qua kết quả của một cuộc bào chữa.
Một vụ việc tuy nhỏ, nhưng nó góp phần làm cho một con người tránh được những sai lầm và trượt dài không đáng có do thiếu hiểu biết pháp luật. Đồng thời, được hưởng án treo, người phụ nữ ấy có cơ hội để cứu vãn một cuộc hôn nhân, vợ chồng có thể cùng nhau tìm lại tiếng cười như xưa, điều mà nếu phải vào tù, có lẽ chị sẽ đánh mất, mất nhiều hơn thế.
Số tiền chị trả công tôi bào chữa, tôi còn nhớ, lúc ấy là 700 ngàn đồng. Tôi dùng để mua một cái bàn làm việc khá tươm tất để khởi đầu “nghề luật”. Cái bàn ấy đến nay tôi không nỡ bỏ dù đã hư hỏng là vì thế. Sự hiện diện của nó luôn nhắc nhở tôi về ý nghĩa của nghề, về con đường đúng đắn mà mình đang đeo đuổi, và phải đi tới cùng…
Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bến Tre