Kỷ vật của bà

Trong phiên chợ đầu xuân chen chúc, đứa bé mười tuổi cầm cái bình vôi đi thật nhanh. “Này bé, mua cái đó ở đâu đấy?” - Có tiếng người hỏi với theo. “Dạ, có người gửi cho bà cháu ăn trầu chứ cháu không biết được” - đứa bé trả lời vội vàng rồi mất hút trong đám đông. Lòng tôi chợt bâng khuâng. Nhớ bà nội quá. Hơn chục năm nay cả gia đình ăn Tết vắng bà rồi. Nhưng dường như hằng ngày, nơi góc sân đầy nắng, bà vẫn như ngồi đó bỏm bẻm nhai trầu và canh chừng đám trẻ bọn tôi.

Trong phiên chợ đầu xuân chen chúc, đứa bé mười tuổi cầm cái bình vôi đi thật nhanh. “Này bé, mua cái đó ở đâu đấy?” - Có tiếng người hỏi với theo. “Dạ, có người gửi cho bà cháu ăn trầu chứ cháu không biết được” - đứa bé trả lời vội vàng rồi mất hút trong đám đông.

Lòng tôi chợt bâng khuâng. Nhớ bà nội quá. Hơn chục năm nay cả gia đình ăn Tết vắng bà rồi. Nhưng dường như hằng ngày, nơi góc sân đầy nắng, bà vẫn như ngồi đó bỏm bẻm nhai trầu và canh chừng đám trẻ bọn tôi. Bà nghiện ăn trầu nên trong nhà lúc nào cũng có cau tươi và cau khô, có bình vôi đã tôi và cái cối giã trầu. Lá trầu thì bà hái ở vườn nhà. Theo lời bà, khi nào người sạch sẽ, khoan khoái thì mới nên hái trầu, vì lá trầu hiểu được con người. Chẳng may có việc khẩn cấp phải hái trầu đêm thì nhớ là cầm đèn soi ra búi cây, đứng đó đọc bài ca hái trầu thì trầu mới không tàn lụi mất. Sau này, tôi đã đọc ngay những câu hát ấy trong thơ Trần Đăng Khoa. Tôi đã theo bà hái trầu nhiều lần, nhớ cả cái móng tay dính nước trầu của bà. Bà làm gì cũng thường chậm rãi, thong thả. Bà bảo, con người ta hơn nhau ở sự đàng hoàng, làm gì thì làm phải cho chắc chắn, chứ nhanh ẩu đoảng là vô duyên nhất, mà thì đời khổ lắm. Phàm những kẻ hỏi trầu không biết đêm như thế là giả dối không lường được.

Cối giã trầu của bà bằng đồng đỏ, bé bằng cái chén con, chày giã nhỏ bằng đồng được buộc với cối bằng một sợi dây. Tôi chỉ giã dập miếng trầu là đưa cho bà ngay, rồi khoái chí treo cái cối giã lên làm chuông gõ kêu khá thú vị. Bà chỉ lườm thôi chứ không mắng. Ngày đó cuộc sống bao cấp khó khăn, dễ hàng nửa tháng mẹ không đi chợ, bà hết vỏ ăn trầu. Bà đã bày cho bọn tôi đi đẽo vỏ cây thành ngạnh mang về để ăn. Bà cho biết, vị của nó gần giống như vỏ trầu.

Tôi để ý, mỗi lần bà nhấc bình vôi đặt ở chân cái phản gỗ lên khều lấy một tí, bà lại lẩm nhẩm đọc mấy câu “đừng xanh như lá, bạc như vôi”. “Cứ nói thế chứ, vôi ăn trầu phải sạch lắm đấy, không thì không ra gì đâu con ạ” - bà bảo bọn tôi thế. Bà luôn đặt vòi cái bình vôi hướng ra ngoài, trong bình cắm cái que nhọn. Theo lời bà, thì chính cái bình vôi ấy sẽ trừ được tà ma trong nhà, nhất là những ngày năm hết, Tết đến. Bình vôi phải luôn có một lớp nước mỏng phía trên. Giữ được thế thì nếp nhà luôn thanh bình, yên ấm. Chẳng biết tự bao giờ, những câu chuyện của bà đều nhuốm màu tâm linh, huyền thoại. Đã vậy, mắt bà lại nhìn thật xa xăm khiến chúng tôi thấy không gian như lắng lại, trang nghiêm…

Cái không gian thân yêu ấy đã trở thành kỷ niệm thật xa. Cuộc sống nơi đô thị ồn ã cuốn chúng tôi ngày một xa khu vườn thơ bé. Đôi khi, trở về thăm bà chớp nhoáng rồi lại lên đường, đâu biết bà cô đơn ngồi têm trầu bên ngôi nhà vắng trẻ./.

Mai Phương

Đọc thêm