Kỳ vọng gì vào logistics hậu Covid-19?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Covid-19 ập đến đã cho thấy sự “thiếu trước, hụt sau” của hệ thống logistics Việt Nam. Nhưng đây cũng chính là tiền đề để nhiều doanh nghiệp quyết tâm đầu tư mạnh vào lĩnh vực chưa bao giờ hết “hot” này. 
Covid-19 đã mở ra cơ hội đầu tư mới cho hạ tầng logistics.
Covid-19 đã mở ra cơ hội đầu tư mới cho hạ tầng logistics.

“Mạch máu” kinh tế

Container sốt giá từ tháng 11/2020 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hiện giá thuê container đã lên đến 11.500 USD/container dù cuối tháng 3 vẫn còn ở mức 7.000 USD/container, bất chấp việc đã có đoàn kiểm tra về việc niêm yết giá thuê container tại các hãng tàu. 

Tuy nhiên, kể cả chấp nhận giá cao, doanh nghiệp (DN) cũng không thể thuê được tàu vì đại dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp ở nhiều quốc gia, các hãng tàu không kịp quay vòng container vì công việc dỡ hàng tại các cảng trên thế giới bị ngưng trệ. Thậm chí, nhiều DN còn khẳng định, thời điểm này họ chấp nhận việc bị phạt hợp đồng vì không giao hàng theo đúng hợp đồng hơn là xuất hàng đi vì giá thuê container còn cao hơn trị giá nộp phạt. 

Cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao, sự cố tại Kênh Suez (tắc tàu siêu container khiến cho con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu bị nghẽn trong thời gian dài) cho thấy vai trò thiết yếu của logistics trong hoạt động phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng. Vai trò mạch máu của nền kinh tế càng được nhận diện rõ ràng hơn cả ở lĩnh vực hạ tầng logistics và dịch vụ logistics. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, đến nay, sự tăng trưởng logistics của Việt Nam chủ yếu dựa vào quy mô sản xuất hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu nhập khẩu, đó là yếu tố tự nhiên cho lợi thế tăng trưởng. Tuy nhiên, đây không phải là những yếu tố nội tâm của ngành, chúng chỉ là những yếu tố khách quan. Nếu một trong những yếu tố này thay đổi, chẳng hạn như do Covid-19, thiên tai tự nhiên thì sự tăng trưởng của ngành này sẽ bị tác động mạnh. 

Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, với tác động của dịch Covid-19, khoảng 15% DN giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ hậu cần trong nước và quốc tế từ 10 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động logistics như vận tải giảm do dịch vụ thông quan tại các cửa khẩu bị cản trở, dịch vụ kho bãi, giá cước vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề, hàng hóa không thể xuất bến bình thường như trước đó. 

Hướng đầu tư mới

Thông tin Tập đoàn Hòa Phát đầu tư nhà máy sản xuất vỏ container với công suất 500.000 TEU/năm, đặt tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu được đưa ra vào đúng thời điểm giá thuê container tăng gấp nhiều lần khiến dư luận hào hứng. Đại diện Hòa Phát cho biết, với việc tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm hoạt động, dự kiến đầu quý II/2021, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình. 

Kỳ vọng của Hòa Phát càng được củng cố trong tình thế nguồn cung container rỗng đang rất thiếu và khoảng 2 năm trở lại đây, Trung Quốc giảm 40% sản lượng container (trong khi 90% lượng container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất).

Bên cạnh đó, hạ tầng logistics của các cảng trên thế giới gặp nhiều khó khăn nên vấn đề tái sử dụng container đang gặp nhiều bất cập. Nhiều chuyên gia trong ngành cũng đang chờ đợi đợt sản phẩm đầu tiên của Hòa Phát ra mắt và thể hiện sự hy vọng, DN này có thể ghi tên Việt Nam vào bản đồ sản xuất và xuất khẩu container. 

Covid-19 không chỉ khiến cho DN Việt đặt quyết tâm sản xuất container (hiện số quốc gia sản xuất mặt hàng này rất hiếm) mà còn mở rộng đầu tư hạ tầng logistics để đón dòng hàng hóa giao dịch đột biến qua thương mại điện tử (TMĐT).

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương cho biết, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 gây ra khó khăn chung cho toàn nền kinh tế, tuy nhiên, doanh thu của Công ty vẫn tăng 17%, đặc biệt doanh thu từ dịch vụ logistics xe tải tăng tới 25%. Lý giải về điều này, ông Ngọc Anh khẳng định, dịch bệnh đã tạo lực đẩy cho TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó TMĐT xuyên biên giới là một lĩnh vực đặc biệt tiềm năng. 

Do đó, DN này đang chuẩn bị gấp rút cả về hạ tầng phần cứng (trung tâm chuyển phát nhanh của Xuân Cương dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2021) và hạ tầng công nghệ đã được công ty tập trung hoàn thành để đón “luồng gió mới từ TMĐT. Hiện địa điểm tập kết, kiểm tra giám sát hàng hóa bưu chính, chuyển phát nhanh của Xuân Cương tại Lạng Sơn đã đủ điều kiện hoạt động và sẵn sàng đợi chờ cơ hội mở ra sau dịch Covid-19.

Dù đã có những tín hiệu khá tích cực trong đầu tư, mở rộng hệ thống logistics nhưng trả lời PLVN, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, hiện tại, tất cả các DN Việt Nam chỉ tập trung vào thị trường trong nước và dường như vẫn chưa có sự hiểu đúng đắn và chính xác về khái niệm logistics nên cũng chưa thể nói gì về sự phát triển của logistics hậu Covid-19. Tuy nhiên, đã có những hướng mới mở ra để tất cả cùng nhìn nhận được vai trò huyết mạch đối với nền kinh tế của logistics và sẽ có những ứng xử tương ứng cho sự phát triển của ngành dịch vụ tối quan trọng này. 

Đọc thêm