Kỳ vọng trong năm mới

Thế giới sắp đón chào năm mới với những nỗi lo trước bao biến động được cho là vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2011. Tuy nhiên, người dân toàn cầu vẫn có quyền kỳ vọng vào những điều tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, gạt bỏ bao bất đồng, xung đột để hướng đến những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười thân thiện trong việc giải quyết những vấn đề chung.

Thế giới sắp đón chào năm mới với những nỗi lo trước bao biến động được cho là vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2011. Tuy nhiên, người dân toàn cầu vẫn có quyền kỳ vọng vào những điều tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, gạt bỏ bao bất đồng, xung đột để hướng đến những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười thân thiện trong việc giải quyết những vấn đề chung.

Một thế giới năm 2010 với bao biến động trên khắp các châu lục, từ chuyện chính trường ở Mỹ, nổi bật là vụ WikiLeaks được ví như vụ 11-9-2001, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ mang lại cục diện mới cho Washington, đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu, rồi thiên tai, thảm họa khiến Liên Hợp Quốc (LHQ) phải đau đầu trước vấn đề ấm nóng của khí hậu… Tuy nhiên, trong những mảng sáng - tối đó, câu chuyện của Chile cảm động đến nao lòng với sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là trách nhiệm của những quan chức hàng đầu, vẫn sáng bừng như một bài học quý giá về tình đoàn kết, tính nhân văn khi đối mặt với thảm họa. Người ta vẫn hy vọng trong năm mới 2011 và trong những năm tiếp theo, câu chuyện thần kỳ ở Chile vẫn luôn được nhắc đến để sự thiệt hại nhân mạng trong các thiên tai, thảm họa hay tai nạn giảm thiểu nhất.

Vấn đề biến đổi khí hậu đang được LHQ thúc đẩy mặc dù Hội nghị Cancun tại Mexico vừa qua chưa thật sự tạo được bước đột phá. Theo các nhà phân tích, một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto với việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nước nghèo không đơn giản, nhưng không có nghĩa sẽ không đạt được. Người dân vùng động đất ở Haiti, cháy rừng ở Nga, lũ lụt ở Pakistan… đang trông chờ vào những quyết sách của LHQ cũng như của các Chính phủ để cuộc sống của họ không còn phập phồng lo sợ thiên tai đe dọa. Vấn đề là các nước phát triển cần xem xét và nhìn nhận về lợi ích chung, chứ không đơn thuần là lợi ích của riêng quốc gia mình.

Tại châu Á, khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên những ngày cuối năm 2010 càng căng thẳng khi Hàn Quốc liên tục tập trận và đưa ra những tuyên bố cứng rắn, còn CHDCND Triều Tiên đe dọa chiến tranh. Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, không muốn làm mất lòng Mỹ, cũng không muốn chọc giận người láng giềng của mình. Việc Bắc Kinh chủ trì cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dự kiến diễn ra vào năm 2011, theo lời kêu gọi của Hàn Quốc nhưng được dự đoán gặp không ít khó khăn nếu cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul không thể hiện thiện chí hòa bình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự can thiệp của “người khổng lồ” Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này sẽ giữ được thế cân bằng cho khu vực Đông Bắc Á và trên bán đảo Triều Tiên. Và cơ hội đàm phán đến lúc này vẫn mở để các bên có liên quan cùng ngồi vào bàn thương lượng, tìm kiếm giải pháp hòa bình. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ đến 3 quốc gia châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) trong trung tuần tháng 1-2011 cũng đem lại hy vọng trong giải quyết vấn đề này.

Thế giới cũng đang trông chờ vào sự trỗi dậy hơn nữa của châu Á, châu lục đang dẫn đầu về khả năng phục hồi trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên trong năm 2010, các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đều lựa chọn châu Á làm điểm đến.

Thời khắc chuyển giao đã đến. Không khí chào năm mới đang rộn ràng khắp hành tinh. Trong rộn ràng bao cảm xúc đó, mọi người dân trên thế giới đều kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa hơn, như mỗi năm mới đến họ đều mong ước…    

VĨNH AN

Đọc thêm