Và cuộc Tổng tuyển cử từ ngày sơ khai lập quốc này cũng để lại những bài học kinh nghiệm, nhất là bài học phát huy dân chủ trong nhân dân với công việc của nước nhà, thể hiện qua việc thực hiện quyền công dân thiêng liêng: bầu cử.
Bảo đảm quyền tự do bầu cử trong linh động, sáng tạo
Nhà sử học – Đại biểu Quốc hội (QH) Dương Trung Quốc đánh giá, vào thời điểm năm 1945, không phải quốc gia nào cũng đã áp dụng chế độ phổ thông đầu phiếu, không phải quốc gia nào, kể cả quốc gia tiên tiến ở châu Âu đã chấp nhận một quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các sắc tộc, giữa các tôn giáo với nhau như những gì thể hiện qua cuộc Tổng tuyển cử ở Việt Nam và qua việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền - mô hình thể chế chính trị hiện đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn.
Với nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu, cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã để lại những bài học sâu sắc cho công tác bầu cử hiện nay. Đó là bài học dân chủ, tức là dân chủ trong dân và dân chủ ngay trong QH.
Cuộc Tổng tuyển cử QH đầu tiên đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu mà chúng ta cần “tiếp tục nghiên cứu để vận dụng hoàn thiện công tác bầu cử hiện nay, để bầu cử luôn thực sự là dịp xây dựng thể chế dân chủ cho nhân dân; huy động toàn dân tham gia bỏ phiếu xây dựng chính quyền...” – PGS.TS Bùi Xuân Đức - Giám đốc Trung tâm công tác lý luận Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn, PGS.TS. Bùi Xuân Đức chỉ ra những kinh nghiệm từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên cho việc hoàn thiện công tác bầu cử 70 năm sau. Trước hết, thành công của cuộc Tổng tuyển cử là đã chính thức hóa chính quyền và thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân. Trong điều kiện “thù trong, giặc ngoài”, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, Tổng tuyển cử thực chất là một đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt.
“Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng cho dịp nói hết những ý muốn của họ, và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân”. Quan trọng hơn nữa, “chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của Quốc dân và của Chính phủ, phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài đối với chính quyền nhân dân” - PGS.TS.Bùi Xuân Đức chỉ rõ.
Cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức rất long trọng và theo đúng các nguyên tắc tiến bộ nhất của bầu cử là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín và được tiến hành theo một trình tự đầy đủ từ lập danh sách ứng cử viên, lập danh sách cử tri, tổ chức bỏ phiếu, tổ chức kiểm phiếu, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền tự do bầu cử với những linh động, sáng tạo để “Do Tổng tuyển cử mà nhân dân bầu ra QH. QH sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân…” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.
Huy động toàn dân tham gia bỏ phiếu xây dựng chính quyền
Để cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử đã được thực hiện rộng rãi nhằm giúp người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tổng tuyển cử để động viên nhân dân đi bầu cử “sớm nhất và đầy đủ nhất”, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các ứng cử viên được tuyên truyền, vận động, cổ động cho mình, thể hiện nguyện vọng cũng như khả năng của mình để cử tri có quyền lựa chọn.
Thực tế, các cuộc vận động, tuyên truyền về Tổng tuyển cử diễn ra sôi nổi và phong phú khắp cả nước với sự tham gia tích cực của báo chí trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch muốn chống phá cuộc bầu cử.
Các ứng cử viên cũng có các hình thức tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử khác nhau, có những phát biểu đánh giá và nhận xét lẫn nhau mà theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, “cần phải tiếp tục nghiên cứu để vận dụng trở lại những hình thức vận động bầu cử phong phú và dân chủ của Tổng tuyển cử như tự do vận động, có các hình thức cổ động, yết thị, biểu ngữ truyền đơn, hò vè, cho phép diễn thuyết, tranh luận… để hoàn thiện công tác bầu cử của chúng ta hiện nay”.
Cùng với đó, từ kinh nghiệm Tổng tuyển cử năm 1946, cần phải làm sao có những đổi mới cho nhân dân hào hứng và lựa chọn thực chất các đại biểu của nhân dân, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân kể cả người ứng cử và người đi bầu thấy được trân trọng khi tham gia vào công việc nhà nước, đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Kiên quyết chống thái độ không tin tưởng, coi thường nhân dân, cũng như tránh những cung cách bầu cử theo kiểu “chọn sẵn” làm cho dân thất vọng, thờ ơ với quyền và nghĩa vụ bầu cử. Có như vậy mới xóa bỏ tình trạng “bầu thay, bỏ phiếu hộ” - Giám đốc Trung tâm công tác lý luận Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng.
Trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay được Chủ tịch Hồ Chí minh đề nghị tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu Quốc hội và Quốc hội sẽ cử ra một “Chính phủ thực sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ”.
Văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử là Sắc lệnh số 14-SL của Chủ tịch Chính phủ nước VNDCCH (ngày 8/9/1945) về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Chính phủ lâm thời cũng ban hành một sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử.
Trước ngày Tổng tuyển cử, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu vì “ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sỹ ở miền Nam rằng: về mặt trận quân sự thì các chiến sỹ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quan địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một dân độc lập, tự do”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết”, “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”.
Trong không khí phấn khởi, tinh thần dân tộc dâng cao sau Cách mạng tháng 8, cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 6/1/1946 đã được tiến hành sôi nổi, diễn ra trên cả nước như “ngày hội lớn của non sông” và giành thắng lợi to lớn, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam.
Lần đầu tiên ở nước ta, và ở cả vùng Đông Nam Á, xuất hiện một Quốc hội thật sự dân chủ, được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Sau cuộc Tổng tuyển cử là kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I (ngày 2/3/1946) gồm 403 đại biểu, trong đó 87% là những người xuất thân từ công nhân, nông dân, viên chức và quân nhân cách mạng. Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo: Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển - 2015)