Thời gian gần đây, dịch vụ viết thuê thư tình đang trở thành một nghề rầm rộ trong giới trẻ. Một lần tình cờ gặp chị Nguyễn Lan Chi (Ba Vì, Hà Tây (cũ), người đã có thâm niên trong nghề tỏ tình thuê, tôi được nghe chị kể về lá thư gửi người vợ cũ của nghệ sĩ Hiệp "gà".
[links()]
Và một điều đặc biệt, trong chiếc cặp đã sờn rách của chị, giấu một bức thư gửi người vợ cũ của Hiệp "gà" mà chị Chi chưa kịp gửi. Thuyết phục mãi, chị mới cho chúng tôi trích đăng một đoạn trong ngổn ngang những đồng cảm, chia sẻ của một người chuyên “làm dâu trăm họ”, “chắp nối duyên hồng”, người đã lắng nghe trăm nghìn những “hỉ, nộ, ái, ố” của cuộc đời qua những lá thư thuê.
Thư cho vợ cũ của Hiệp "gà": Hạnh phúc trong khuyết nửa
"Hà Nội, ngày 24/03/2010
Gửi chị Thanh Quý!
Đã lâu rồi tôi chẳng nhớ, mình đã viết bao nhiêu lá thư thuê, đã nặn vắt từng câu chữ để nối duyên bao người, dù đôi khi có chút gì đó khiến người ta nghĩ: Đó chỉ là sự giả tạo của tình cảm con người. Nhưng trong chừng ấy quãng thời gian cầm bút, tôi chưa bao giờ viết một lá thư như thế này!
Không ai thuê tôi cả chị Quý ạ, tự lòng tôi thuê tôi, tự sự hớn hở và vẻ mặt vui mừng của một người nghệ sĩ thuê tôi… và tôi cầm bút viết cho chị.
Ngày tôi còn bé, tôi hay hỏi mẹ tôi về cha mình đâu. Mỗi lần như vậy, mẹ chị bảo ba đi công tác, rồi mẹ quay đi và khóc. Tôi còn quá bé nên cũng chẳng biết vì sao mẹ khóc và cứ tin là hạt bụi bay vào mắt mẹ.
Khi đứa trẻ nhận ra nỗi đau đầu tiên của cuộc đời thì cũng là lúc nó phải sống tiếp với một nỗi đau - cho cả mẹ của nó nữa. |
Một sớm, khi tôi choàng ra khỏi tấm chăn, mẹ đến bên tôi và nói: “Con có muốn đi thăm ba không?”. Tôi cười mừng rỡ.
Mẹ đưa tôi đến một nơi có một cái cổng màu xanh đã rỉ sắt và đóng kín, chỉ để một lối đi bên cạnh. Trên cổng có một hàng chữ cũng màu xanh. Lúc mẹ tôi bước qua cái barie ngăn cách những ngôi nhà ba ở với bên ngoài thì tôi vẫn đứng lại vì tò mò. Tôi cố đánh vần đi đánh vần lại cái hành chữ gắn trên cái cổng màu xanh đó. Năm ấy tôi học lớp 1 và tôi không thể nào cắt nghĩa nổi cái mình vừa đọc được: TRẠI GIAM SỐ 2.
Chị có thể và nhiều người có thể sẽ hỏi tôi vì sao một câu chuyện xảy ra lúc tôi chưa biết đánh vần câu chữ nhưng vẫn có thể nhớ đến vậy? Nhớ thì có gì là khó, và quên đi mới là điều khó hơn chị ạ. Có lẽ cái sự khuyết người cha chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cũng khiến một tâm hồn mỏng manh, trắng tinh như đứa bé 6 tuổi ngày nào hằn một vết đau dẫu mãi sau này nó mới nhận ra đó là nỗi đau.
Bức thư hoen màu mà người viết thư thuê chưa kịp gửi cho vợ cũ của Hiệp gà (Ảnh: Tiểu Phương) |
Nhưng khi nó nhận ra nỗi đau đầu tiên của cuộc đời thì cũng là lúc đứa trẻ ấy phải sống tiếp với một nỗi đau cho cả mẹ của nó. Cuộc sống của gia đình tôi không còn lành lặn sau ngày ba ra trại.
Đã bao giờ chị hát ru con mình bằng những câu ca dao ngọt lành nhưng thâm đẫm thân phận người phụ nữ chưa? Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về/ Cò về thăm quán cùng quê/ Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm em...
Biết đâu, đến một ngày nào đó, bé Hân Huyền – Trái ngọt tình yêu của chị và anh ấy - lại ngân nga câu hát ấy mà không đủ tuổi đời để hiểu từng ca từ của nó. Và biết đâu, bé Hân Huyền lại hát cho chính người anh ấy nghe? Không biết lúc đó, có ai nhận ra từ thủa hàn vi, câu ca dao Việt đã chứa trong lòng những u hoài như thế. Tâm sự của chị và bé Hân Huyền hôm nay có điều gì khác tôi ngày xưa đâu? Có điều gì đi ra khỏi những câu chữ lấm lem phận Cò đâu?
Thời gian sẽ làm lành những vết thương. Hạnh phúc đôi khi lại no đủ trong những cõi lòng khuyết nửa…(Ảnh Hiệp "gà" chụp cùng vợ cũ và con) |
Tôi đã lớn lên trong tình yêu, hạnh phúc khuyết nửa của mái nhà, đã trưởng thành từ đôi cánh cò cõng nắng cõng mưa của mẹ, đã là một chỗ dựa cho một người phụ nữ tưởng như ngã gục thuở nào. Tôi cũng chỉ là một phận CÒ NỮ NHI!
Tôi gửi đến chị những dòng tâm sự này, chẳng phải để khuyên chị an phận, mà chỉ mong được chia sẻ cùng chị lúc này và chị hãy tin rằng, thời gian sẽ làm lành những vết thương. Hạnh phúc đôi khi lại no đủ trong những cõi lòng khuyết nửa…"
Theo VTC News